Theo dõi trên

Viết cho những người trong tâm dịch:

05/08/2021, 08:11

Sống không chỉ riêng mình

BT- Trước diễn biến số ca nhiễm ngày càng tăng cao, thị xã La Gi đã được các địa phương, đơn vị trong tỉnh chi viện lực lượng để phòng chống dịch, trong đó có các y, bác sĩ, sinh viên, tình nguyện viên... Họ đã đến chi viện cho La Gi bằng tất cả nhiệt huyết và tinh thần quyết tâm chống dịch.

Điều trị Covid-19 cho bệnh nhân nặng.

 Lời hiệu triệu từ trái tim

Ngày 27/7 có lẽ là một ngày ghi dấu nhiều kỷ niệm khi 19 “chiến sĩ” áo trắng của Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận (Đức Linh) lên đường hỗ trợ tâm dịch La Gi. Đoàn có 6 bác sĩ, 13 điều dưỡng, kỹ thuật viên… Tất cả đều là những thầy thuốc trẻ, nhiệt huyết, có năng lực và chuyên môn cao trong công tác phòng chống dịch bệnh. Họ tự nguyện đăng ký xin đi thay cho những bác sĩ lớn tuổi, vì nghĩ mình trẻ, sức đề kháng cũng tốt hơn để tham gia chống dịch bệnh.

Để gọi được một cuộc điện thoại, hỏi thăm sức khỏe, tình hình công việc của các thành viên khi đoàn đã ở trong cuộc chiến thật khó khăn. Bởi hầu hết thời gian trong ngày, các y, bác sĩ đều căng mình làm việc. Suốt những ngày qua, khi đặt chân đến “điểm nóng “La Gi, họ chưa có ngày nào được nghỉ ngơi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Khánh – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa phía Nam cho biết:  Sau khi được Sở Y tế phân công nhiệm vụ, tất cả mọi người vào việc ngay. Cũng như những cán bộ y tế của La Gi và các địa phương về hỗ trợ, đoàn cán bộ y, bác sĩ của Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam làm việc từ sáng đến đêm, chia thành nhiều kíp. Công việc vất vả và nguy cơ lây nhiễm cao, vì điểm mà đoàn thực hiện nhiệm vụ là cơ sở điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 số 1 (Trung đoàn 812 cũ, phường Tân An) do Sở Y tế thành lập. Hiện cơ sở đang tiếp nhận 151 F0 và các trường hợp F1. “Đã có nhiều chuyến công tác, thế nhưng điều đặc biệt trong chuyến công tác vào “tâm dịch” lần này của các đoàn là những tờ giấy điều động công tác bỏ trống thông tin ngày về.  Đây là điều hy hữu, chưa từng có tiền lệ trong những chuyến công tác trước đây, nhưng chúng tôi đều không bận lòng. Chúng tôi luôn tự hứa với mình, bao giờ La Gi hết dịch, bao giờ trả lại sự bình yên cho người dân chúng tôi mới trở về”, bác sĩ Khánh bộc bạch.

Tương tự, Đoàn Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid - 19 tại thị xã La Gi có tất cả 47 thành viên. Tại đây, đoàn chia thành nhiều nhóm để hỗ trợ nhiều công việc khác nhau: hỗ trợ tại Bệnh viện La Gi, hỗ trợ tại các khu cách ly F1, hỗ trợ cho các đội xét nghiệm của CDC tỉnh đang tăng cường tại La Gi, hỗ trợ Khoa Xét nghiệm Trung tâm Y tế La Gi lấy mẫu xét nghiệm trong các khu cách ly và  hỗ trợ Khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế La Gi công tác truy vết, điều tra dịch tễ…

Bác sĩ Đỗ Huy Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận chia sẻ: Trước khi xung phong tình nguyện vào La Gi tham gia chống dịch, thầy và trò Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận nhận thức rất rõ nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân. Tuy nhiên, ý thức được nhiệm vụ của mình khi nhân dân La Gi đang cần, đồng thời có niềm tin với những kiến thức và kỹ năng phòng chống dịch mà nhà trường đã nhiều lần tổ chức tập huấn theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng tôi luôn luôn nhắc nhở nhau thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc chuyên môn và học tập kinh nghiệm của các anh chị cán bộ nhân viên y tế La Gi và y tế tuyến tỉnh đang tăng cường, để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch, vừa tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mỗi thành viên.

 “Những ngày đầu mới thực hiện nhiệm vụ, mọi người chưa quen nên rất mệt, thậm chí bị lả đi vì liên tục khoác trên người bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng không ai kêu ca nửa lời. Tôi cùng đồng nghiệp và các em sinh viên sẽ cống hiến hết khả năng chuyên môn của mình, quyết tâm góp sức cùng La Gi đẩy lùi dịch Covid 19”, bác sĩ Sơn cho biết.

Lực lượng bác sĩ đang điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân tại La Gi.

 Nén lại cảm xúc riêng

Trong 19 thành viên đến với La Gi chống dịch lần này của đoàn Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận, thì y sĩ Nguyễn Thị Huệ là người có con nhỏ, phải gửi cho ông bà nội chăm sóc. Bởi chồng chị cũng đang thực hiện nhiệm vụ tại bệnh viện nơi 2 vợ chồng công tác.

Chị Huệ bộc bạch: “Các thành viên trong gia đình rất thấu hiểu, nén nỗi lo lắng, luôn động viên tôi giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Cũng theo chị Huệ, với vị trí là người nơi tuyến đầu chống dịch, sự vất vả tăng lên gấp bội, nhưng đó chính là công việc cao cả của một người làm nghề y lúc này và chị rất tự hào về điều đó. “Chúng tôi nén lại nỗi nhớ nhà, nhớ con, vì cái quan tâm nhất, đặt lên hàng đầu thời điểm này vẫn là sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Trong mỗi buổi giao ban, anh em luôn động viên nhau làm tốt công tác bảo hộ. Khi sức khỏe bệnh nhân có tiến triển tốt thì mỗi người chúng tôi đều phấn khởi. Ðây cũng chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu để đập tan mọi mệt mỏi, áp lực”, chị Huệ chia sẻ thêm.

Còn trong đoàn công tác của Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận đến La Gi lần này, em Nguyễn Thị Thu Hân, có lẽ là thành viên nhỏ tuổi nhất. Sinh năm 2002, nhưng trong cách nói, cách suy nghĩ của Hân rất chững chạc. Hân cho biết: Lúc đầu khi đăng ký tình nguyện đi, em cũng không biết cụ thể công việc như thế nào, thời gian đi chính xác bao lâu, chỉ biết khối lượng công việc ở “tâm dịch” khá nhiều và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Nhưng lúc đó em chỉ nghĩ, nghề mình học đã đến lúc xã hội cần và mình phải cống hiến. “Đến La Gi, em được phân công vào đội hình 6 người, duy nhất 1 mình em là nữ phục vụ cho khu cách ly số 5. Bài hát “Thật bất ngờ” đúng như tâm trạng em thời điểm đó. Có những hoang mang ngày đầu nhưng giờ em đã thành thạo với công việc”, Hân cho biết.

Một ngày, đội của Hân sẽ 2 lần đi kiểm tra, đo thân nhiệt hỏi thăm sức khỏe của người cách ly. Rồi sáng, trưa, tối thì phát cơm cho người cách ly… Bất cứ giờ nào, dù lúc đang ăn hay đang ngủ, sáng sớm hay đêm khuya, có ai trong khu cách ly gọi với lý do như: đau đầu, đau bụng, đứt tay… là họ lại phải chạy đi xử lý.

Còn rất nhiều những câu chuyện được kể từ “tâm dịch” của những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Điểm chung của những câu chuyện đó là tất cả các “chiến sĩ” đều quyết tâm gác nỗi niềm riêng để hành động vì mục tiêu chung, mong La Gi sớm khỏe lại.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Viết cho những người trong tâm dịch: