Theo dõi trên

Đón người về từ vùng dịch: Thận trọng để an toàn cho tất cả

25/07/2021, 17:04

BT- Mặc dù dịch Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Song với trách nhiệm với nhân dân, lãnh đạo tỉnh đã quyết định lên kế hoạch đón người dân Bình Thuận từ vùng dịch là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trở về quê. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải rất thận trọng mới có thể bảo đảm an toàn cho tất cả.

Bình Thuận chuẩn bị đón người từ vùng dịch về địa phương. Ảnh minh họa.

Áp lực

Những ngày qua, chủ trương đón người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê được nhiều tỉnh, thành, trong đó có Bình Thuận nhanh chóng triển khai thực hiện. Đây là chủ trương có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự chăm lo cho người dân. Từ đây, những người dân “bị kẹt” sẽ được giải thoát khỏi gánh nặng tiền phòng trọ, giá thực phẩm mỗi ngày một tăng trong khi bản thân họ đang thất nghiệp.

Thực trạng diễn biến của dịch Covid -19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang bao trùm từ trung tâm đến các vùng ven, khu công nghiệp. Hiện có rất đông người dân Bình Thuận đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh này. Người dân muốn về quê đa phần là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, nhà cửa không ổn định... Tuy nhiên, nhóm người này lại là nhóm đang có tỷ lệ mắc bệnh cao, khả năng lây nhiễm lớn. Nếu đưa về quê, tất cả những trường hợp này sẽ được đưa vào quản lý, theo dõi y tế  tại khu cách ly tập trung.

Thời điểm hiện tại, Bình Thuận có khoảng gần 3.000 người đang phải cách ly tập trung. Với số lượng trên, các cơ sở đón người cách ly tập trung đã ngấp nghé quá tải. Giờ những người từ vùng dịch trở về, xem như lấp đầy các khu cách ly mà tỉnh đã chuẩn bị.

Song song đó, áp lực về quản lý cũng là vấn đề làm “đau đầu” những người lãnh đạo. Bởi đâu phải chỉ đưa số người này vào khu cách ly là xong, mà còn phải lo chỗ ăn, ngủ nghỉ, sinh hoạt, nhất là phải tuân thủ các quy định, vì nếu buông lỏng, họ có thể sẽ là tác nhân của việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Rõ ràng, cái khó nhất hiện nay, chính là cách thức đưa về và quản lý những người dân được đưa về từ vùng dịch sao cho thật sự khoa học và an toàn. Bất cứ một hành vi nào vượt ra ngoài khuôn khổ quy định cũng đều phải trả giá đắt. 

Giải pháp nào cũng phải bảo đảm an toàn cho nhân dân

 Sáng 24/7, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã ký ban hành kế hoạch đưa người dân Bình Thuận từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trở về tỉnh. Kế hoạch được đưa ra trong thời điểm các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16, bối cảnh của thời điểm này đó chính là người đang ở đâu hãy ở yên một chỗ. Vì lẽ đó, phương án đưa người dân về tỉnh đã nghiên cứu nhiều giải pháp trên cơ sở thận trọng, thấu đáo bảo đảm các biện pháp phòng chống, tránh lây lan dịch bệnh.

Theo đó, đối tượng được đưa về phải là người dân có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bình Thuận hiện đang ở tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 có nhu cầu cấp thiết trở về tỉnh, không ở trong khu vực đang phong tỏa, phải có giấy xác nhận hoàn thành cách ly (nếu thuộc đối tượng cách ly), có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 được xét nghiệm trong thời gian từ 3 ngày (72 giờ) tính đến ngày đón và chấp thuận cách ly tập trung khi trở về tỉnh, cam kết thực hiện các quy định của tỉnh và địa phương nơi cư trú về phòng chống dịch Covid-19.  Trong đó, tỉnh xác định các đối tượng theo thứ tự ưu tiên đó là: Người dân đi khám, điều trị bệnh và người nuôi bệnh trở về; học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, không có người thân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16; người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. 

Địa điểm đón người dân tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh là các bến xe hoặc địa điểm theo chỉ định của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh. Người dân tự di chuyển từ nơi ở đến địa điểm tiếp nhận trước 60 phút theo thông báo lịch đưa đón để thực hiện xét nghiệm nhanh. Đội ngũ y tế của tỉnh thực hiện xét nghiệm nhanh người dân trước khi lên xe (nếu kết quả xét nghiệm âm tính, đủ điều kiện về sức khỏe và không có biểu hiện sốt, ho, khó thở…). Phương tiện vận chuyển người dân từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 về tỉnh là xe ô tô vận tải khách của các đơn vị kinh doanh vận tải khách trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, do Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận sắp xếp, điều động và cấp thẻ nhận diện cho phương tiện để vận chuyển theo hướng dẫn tại Công văn số 4973 ngày 17/7/2021 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Phương tiện tham gia vận chuyển phải còn hạn kiểm định và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, điều kiện hoạt động đối với phương tiện vận tải khách. Lái xe và phụ xe phải có giấy xét nghiệm có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp (có hiệu lực trong vòng 72 giờ) và mặc đồ bảo hộ y tế khi tham gia vận chuyển. Mỗi phương tiện chỉ chở tối đa 50% số ghế đăng ký và bố trí hành khách ngồi đúng số ghế, xen kẽ giữa các hàng ghế, đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định.

 Trong quá trình vận chuyển về Bình Thuận, xe vận chuyển chỉ được dừng tại 4 địa điểm đã được Công an tỉnh cho phép. Trong suốt quá trình vận chuyển, người dân phải nghiêm túc thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế, mặc trang phục bảo hộ, hạn chế nói chuyện, không ăn uống (sẽ bố trí ăn uống sau khi tiếp nhận vào các cơ sở cách ly), không khạc nhổ, vứt rác bừa bãi. Khi lên xe thì ngồi đúng số ghế đã được hướng dẫn. Đồng thời, người dân trở về từ vùng dịch sẽ  thực hiện cách ly tập trung, thời gian là 14 ngày. Sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày theo quy định. Địa điểm cách ly người dân được lựa chọn cơ sở cách ly tập trung do UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý hoặc cách ly tập trung tại cơ sở cách ly dịch vụ (là các cơ sở lưu trú du lịch được UBND tỉnh thông báo).

Hiện nay, số lượng người dân đăng ký về tỉnh khá lớn. Mọi người đã về hoặc sắp trở về cần chia sẻ, cảm thông với những giải pháp bắt buộc mà lãnh đạo tỉnh đặt ra. Đón mọi người về quê hương là trách nhiệm, song bảo vệ an toàn cho hơn 1,3 triệu dân tại tỉnh thì trách nhiệm đó còn nặng nề hơn. Tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, cùng với sự cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ cảm thông, chấp hành các quy định bắt buộc khi trở về quê hương, người dân Bình Thuận sẽ được an toàn trong cơn bão dịch.  

Việc người trở về từ vùng dịch phải cách ly tập trung là bắt buộc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bình Thuận có khoảng hơn 3.000 người đang phải cách ly tập trung. Với số lượng trên, các cơ sở đón người cách ly tập trung đã sắp quá tải. Khi những người từ vùng dịch trở về, các khu cách ly mà tỉnh đã chuẩn bị chắc chắn quá tải. Do vậy việc đón người về theo kế hoạch không thể một sớm một chiều mà phải có sự chuẩn bị đầy đủ các điều kiện. Nếu không nguy cơ bùng phát dịch trong cộng đồng sẽ mất kiểm soát là điều tất yếu.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đón người về từ vùng dịch: Thận trọng để an toàn cho tất cả