Theo dõi trên

Đoàn ĐBQH BìnhThuận tham gia thảo luận tại tổ 

24/07/2021, 09:49

BTO- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, trong ngày 23/7, các đại biểu đã thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025 và về Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tổ cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Nam Định, Quảng Nam.

Thảo luận về Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH Bình Thuận nhấn mạnh: Để làm tốt công tài chính, nhất là thu ngân sách trong 5 năm tới thì việc xây dựng thể chế phù hợp yêu cầu của công tác tài chính là quan trọng nhất, trong đó, luật và các văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm sự liên thông. Đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư phát triển. Mặt khác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, tạo ra sức lan tỏa thu hút vốn toàn xã hội đầu tư phát triển; chú ý đúng mức mô hình “kinh tế tuần hoàn”, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả.

Đồng chí Dương Văn An – Ủy viên TW Đảng – Bí Thư Tỉnh ủy – Trường Đoàn ĐBQH Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ

Đại biểu Lê Quang Huy (ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận) cho rằng, các cơ chế, chính sách, nhất là các định chế tài chính trong thời gian tới cần phù hợp với tình hình thực tế để tạo khuyến khích phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm.

Cũng liên quan đến nội dung trên, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận) cho biết, Chính phủ đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành nên tài chính quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 ổn định, đạt được nhiều chỉ tiêu. Bên cạnh đó, đại biểu cũng băn khoăn về việc một số chính sách của Chính phủ ban hành nhưng chậm đến được với doanh nghiệp, nhân dân như vốn vay hỗ trợ phát triển công nghệ cao, vốn vay nhà ở xã hội, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đối với vốn đầu tư công, trong những năm đầu nhiệm kỳ chưa có sự quyết liệt như năm 2020 nên hiệu quả chưa cao. Dó đó, đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần tập trung các biện pháp giảm số lượng người hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện tốt hơn công tác cải cách tiền lương.

Đồng chí Bố Thị Xuân Linh, ĐBQH Bình Thuận tham gia thảo luận tại tổ

Đối với nội dung chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Thuận) đề nghị phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao cho nhân dân chủ động, tự giác thực hiện chương trình. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình thực hiện; kịp thời khen thường, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Cùng tham gia thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình; Chính phủ và các địa phương cần tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các địa bàn còn khó khăn; chuyển trọng tâm của Chương trình xây dựng nông thôn mới tập trung vào nâng cao đời sống nhân dân; quan tâm hơn các tiêu chí, chỉ tiêu về bảo đảm môi trường nông thôn.

                                                             Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đoàn ĐBQH BìnhThuận tham gia thảo luận tại tổ