Theo dõi trên

Sang năm, có gỡ được “thẻ vàng” ?

23/07/2021, 08:37

BT- Trong lúc “thẻ vàng” chưa gỡ được thì xuất khẩu thủy sản Việt Nam đón thêm một thông tin bất lợi, đó là thời gian tới phía Mỹ cũng sẽ điều tra việc sử dụng lao động trẻ em trên các tàu cá ở Việt Nam.

Nhiều tổ chức - quốc gia cạnh tranh xuất khẩu thủy sản với Việt Nam cũng đang gây sức ép lên EC để không gỡ “thẻ vàng”, hoặc nâng lên mức “thẻ đỏ” đối với thủy sản Việt Nam, đồng nghĩa bị cấm xuất khẩu thủy sản vào EU (trong 21 quốc gia bị EC áp “thẻ vàng” từ cuối năm 2017, đến nay có 14 quốc gia đã được xóa “thẻ vàng”, nhưng không có Việt Nam).

4 năm dính “thẻ vàng”, lượng hải sản Việt Nam xuất khẩu vào EU giảm tới 35% so với năm 2017. Các lô hàng hải sản xuất khẩu vào EU đều bị kiểm tra gắt gao, không phải về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, mà là các thông tin: Nguyên liệu này khai thác ở tàu nào? Ở tọa độ nào? Vào ngày tháng nào? Lô hàng nào thiếu thông tin xác thực sẽ bị trả lại.

Đó là một sức ép lớn. Tại hội nghị toàn quốc về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU) hồi tuần qua, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu 28 tỉnh, thành có biển phải quyết tâm gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022.

Sau 4 năm cố gắng gỡ “thẻ vàng” thủy sản, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ rõ rệt mà phía EC cũng phải công nhận. Nhưng còn nhiều khuyến nghị của Ủy ban châu Âu vẫn chưa được thực hiện triệt để. Điển hình tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa chấm dứt, từ đầu năm 2021 đến nay đã có 32 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, trong đó có 17 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (nhiều nhất ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Vũng Tàu, Bình Định).

Hoặc số tàu cá dài trên 15m phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tới nay cả nước mới đạt 87,5% (trong khi yêu cầu việc này phải hoàn thành từ tháng 4/2020). Nhiều địa phương chậm trễ, tỷ lệ lắp đặt VMS thấp (Thanh Hóa mới đạt 47%).

Bình Thuận từ một tỉnh có nhiều tàu cá và ngư dân vi phạm lãnh hải bị nước ngoài bắt giữ, xử lý, nhưng liên tục 2 năm qua (từ tháng 7/2019 đến nay) không có trường hợp nào bị nước ngoài bắt giữ. Đó là kết quả rất nhiều nỗ lực của hệ thống chính trị và ngư dân Bình Thuận. Tới nay khoảng 94% tàu cá 15m trở lên ở Bình Thuận đã lắp đặt VMS (dẫn đầu cả nước về tiến độ).

Tuy nhiên kết quả đó chưa vững chắc, nguy cơ vẫn còn khi có hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ, hoặc ở vùng giáp ranh các nước thường xuyên mất kết nối VMS hàng chục ngày trên biển. Chưa kể tình trạng ngư dân ta không ghi, hoặc sao chép “nhật ký khai thác” của nhau; không khai báo ra - vào cảng cá; hoạt động sai vùng, sai tuyến.

Từ năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19 nên EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế. Nhưng Đoàn thanh tra của EC đã từng tuyên bố vào cuối năm 2019 rằng “chỉ còn 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài cũng không rút thẻ vàng”. Vì vậy, việc chống khai thác bất hợp pháp IUU phải quyết liệt và đồng bộ 28 tỉnh, thành ven biển như chống dịch Covid-19 vậy (hiện nay việc thực thi pháp luật không đồng bộ giữa các tỉnh dẫn đến tình trạng tàu cá không vào cảng này thì vào cảng kia).

Lãnh đạo Chính phủ vừa yêu cầu bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phố có biển trực tiếp chỉ đạo công tác chống khai thác IUU, chịu trách nhiệm trước Đảng - Chính phủ nếu để xảy ra sai phạm.

Mức phạt với hành vi tàu cá tắt VMS trên biển từ 3 - 5 triệu đồng chưa đủ sức răn đe, trong khi lợi nhuận khai thác trái phép rất lớn. Vì thế sắp tới sẽ xử phạt thật nặng tàu cá vi phạm. Bộ Công an sẽ khởi tố hình sự các đường dây đưa tàu cá đi khai thác trái phép.

Trong lúc vừa chống dịch Covid-19 vừa chống khai thác bất hợp pháp, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp mới mong chấm dứt hẳn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài trong năm 2022, để gỡ “thẻ vàng” thủy sản.

Xa hơn gỡ “thẻ vàng” là giữ sinh kế lâu dài, bền vững cho các thế hệ ngư dân Việt Nam.  

                                                        Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sang năm, có gỡ được “thẻ vàng” ?