Theo dõi trên

Hướng đến kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021): Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”

21/07/2021, 09:14

BT- Có thể nói, trong suốt 74 năm qua, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận luôn nỗ lực, cố gắng chăm sóc người có công (NCC) với ý thức không chỉ là bổn phận, đạo lý, trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự với các cấp, ngành, tổ chức xã hội và người dân.

Thắp nến tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. ảnh: N.Lân

Mức sống NCC ngày càng nâng cao

Bà Đặng Thị Ngọc Hương – Trưởng phòng NCC (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Trải qua những mất mát của chiến tranh, đất nước tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong đổi mới, các chính sách ưu đãi NCC với cách mạng ngày càng được đặc biệt quan tâm. Điểm nổi bật nhất trong những năm qua là ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phát động phong trào nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, cha mẹ liệt sĩ neo đơn được nhiều cá nhân, nhiều cơ quan, đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ. Toàn tỉnh trên 2.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện có 49 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; có hơn 700 cha mẹ liệt sĩ già yếu, neo đơn, con liệt sĩ khuyết tật, mồ côi... được gần 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Bên cạnh đó, hàng năm, nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – liệt sĩ (27/7), Tết Nguyên đán, tỉnh xuất chi ngân sách gần 30 tỷ đồng để trợ cấp cho gia đình và NCC với cách mạng. Việc các đơn vị thường xuyên thăm hỏi, chăm sóc, trợ cấp cùng với sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương đã trở thành nghĩa tình sâu nặng đối với các gia đình chính sách.

Thực hiện tốt các phong trào, hoạt động hỗ trợ nâng cao mức sống của NCC và gia đình NCC, phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã được triển khai sâu rộng. Trong 5 năm qua toàn tỉnh đã đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 42 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 140% kế hoạch. Từ nguồn quỹ cùng với ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh và các doanh nghiệp hỗ trợ đã xây dựng, sửa chữa 992 căn nhà NCC đang gặp khó khăn về nhà ở. Cùng với đó, công tác chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe được thực hiện đầy đủ, đúng chế độ theo quy định. 5 năm qua, có trên hàng chục ngàn NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đi điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình. Song song đó, tỉnh trích trên 10 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh tổ chức cho gần 800 NCC đang sinh sống trên địa bàn tỉnh đi tham quan miền Bắc, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đáp ứng nguyện vọng và góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NCC.  

Nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Theo bà Hương, bên cạnh việc chăm sóc, tri ân những NCC đang sống thì công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, xây dựng, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ cũng được chú trọng. 5 năm qua, các địa phương thường xuyên vận động nhân dân phát hiện, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và tham gia tìm kiếm, quy tập. Nhờ đó, đã quy tập được 42 hài cốt liệt sĩ đưa vào an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, đưa tổng số mộ liệt sĩ được quy tập từ trước đến nay lên hơn 9.000 mộ.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, thăm tặng quà cho thương binh Phạm Thế Nhi ở phường Phú Hài nhân dịp Tết Nguyên đán 2021. Ảnh: N.Lân

Đồng thời với đó, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 93 công trình bia, đài ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, các tầng lớp nhân dân đã thường xuyên tham gia đóng góp ngày công, chăm sóc tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các đài, bia ghi tên liệt sĩ nhất là vào dịp lễ, tết. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành di tích lịch sử, công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống như: Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Đền thờ liệt sĩ TP. Phan Thiết, Bia ghi danh - Đài tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ Thanh niên xung phong Đoàn Vận tải H50… Hàng năm tỉnh còn thực hiện chế độ miễn giảm học phí và trợ cấp ưu đãi với kinh phí gần 6 tỷ đồng cho con của NCC với cách mạng đang theo học tại các trường. Riêng với những gia đình NCC với cách mạng có lao động nhưng thiếu vốn sản xuất, tỉnh ưu tiên cho vay vốn từ nguồn vốn giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ của các đoàn thể để phát triển kinh tế, tăng thu nhập…đã góp phần giúp NCC ổn định cuộc sống. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là NCC.

Những hành động thiết thực, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với gia đình chính sách, NCC với cách mạng có ý nghĩa giáo dục truyền thống, mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời vừa là động lực tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng Bình Thuận ngày càng phát triển.

THU HÀ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2021): Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”