Theo dõi trên

Hàng vạn lao động du lịch mong sớm được hỗ trợ

16/07/2021, 08:28 - Lượt đọc: 6

BT- Bạn tôi làm giám đốc một resort lớn ở Mũi Né. Hồi đầu năm nay tới thăm anh, thấy resort vẫn có lượng khách ổn định vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, tôi mừng cho anh. Anh bảo đó là nhờ giữ được các mối khách quen, khách truyền thống, nên chỗ anh là một trong khoảng chục cơ sở lưu trú còn lại ở Mũi Né còn có khách.

Mới đây tôi gọi điện hỏi thăm, qua điện thoại giọng anh mệt mỏi thông báo rằng resort của anh đã đóng cửa cả tháng nay vì không còn khách. Hầu hết trong số hơn 100 nhân viên phải nghỉ việc. Tôi nghe mà cảm thấy lo lắng, vì tôi biết rằng chỗ anh mà phải đóng cửa thì có nghĩa rất hiếm cơ sở du lịch ở Mũi Né còn hoạt động.

Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4 vừa qua làm hầu hết doanh nghiệp du lịch ở Bình Thuận đã phải dừng hoạt động, một số doanh nghiệp đã phá sản, giải thể. Trong tổng số khoảng 3 vạn lao động làm việc trực tiếp trong các cơ sở du lịch, hầu hết đã phải nghỉ việc, mất thu nhập. Hàng vạn người lâm vào cảnh thất nghiệp, chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

Đến Khu du lịch quốc gia Mũi Né những ngày này mới cảm nhận được “thủ đô resort” thực sự đang “ngủ đông” giữa mùa hè: những bãi biển, đồi cát vắng vẻ, dãy dài resort, khách sạn, nhà hàng, bar, café, cửa hiệu im lìm, cửa đóng then cài. Hơn hai chục năm qua, tôi chưa bao giờ thấy Mũi Né xa vắng đến thế!

Hiệp hội Du lịch Bình Thuận trong một báo cáo nhanh về thực trạng doanh nghiệp, người lao động dưới tác động dịch Covid-19, cho biết: để đối phó với đại dịch, đa số các doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ không lương; hoặc giảm lương nhân công; cho lao động nghỉ luân phiên và cắt giảm lao động. Các ngành-nghề: lưu trú, ăn uống, vận chuyển, lữ hành, dịch vụ đều giảm sâu. 2 năm qua, nhiều kiến nghị “giải cứu” của Hiệp hội du lịch đã được gửi đi.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Thuận, với khoảng 3 vạn lao động trực tiếp, chưa kể đông đảo lao động gián tiếp như xe ôm, hàng rong, quán xá… mà sinh kế gắn liền với hoạt động du lịch. Qua 4 đợt dịch thì du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nên hàng vạn người lao động du lịch đang rất khó khăn trong cuộc sống, khi tiền tích lũy cũng đã cạn, hỗ trợ của chủ doanh nghiệp cũng không còn. Đặc biệt khó khăn chồng chất lên những gia đình cả hai vợ chồng cùng làm du lịch, cùng bị mất việc, mất thu nhập. Họ đang phải bươn chải đủ nghề kiếm sống, nuôi hy vọng dịch bệnh qua đi để trở lại với nghề. Nhưng dịch bệnh trong nước ngày càng căng thẳng, nghĩ tới những ngày sắp tới, họ cực kỳ lo âu. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền còn lớn hơn nỗi sợ vi rút.

Nghe tin Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó lao động bị tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người… Hàng vạn lao động du lịch ở Bình Thuận đang mong ngóng, bởi “một miếng khi đói…” dù khoản tiền này không lớn nhưng giúp họ có thêm kinh phí trang trải cuộc sống trước mắt. Biết bao “lao động tự do” hàng rong, xe ôm, bán quán cũng đang mong ngóng gói hỗ trợ này. Rút kinh nghiệm năm ngoái khi giải ngân gói hỗ trợ thứ nhất (theo nghị quyết 42), sau khi doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục xin cấp hỗ trợ cho người lao động thì phải chờ đợi rất lâu, nên Hiệp hội du lịch Bình Thuận phải kiến nghị việc thực hiện chính sách này còn quá chậm.

Lần này, Chính phủ quyết mạnh tay cắt bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết, làm sao “tối đa 7 ngày là dân nhận được hỗ trợ”. Thủ tướng Chính phủ thúc giục các địa phương “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, nếu để dân thiếu ăn, thiếu mặc là có lỗi với nhân dân”. Cùng với cả nước, Bình Thuận đang khẩn trương triển khai các công việc để chi trả hỗ trợ cho người lao động trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong tháng 7 và đầu tháng 8.

Du lịch Bình Thuận sẽ bật dậy mạnh mẽ khi có cả cao tốc và sân bay. Phải giữ cho được nguồn nhân lực du lịch để chờ cơ hội phục hồi.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng vạn lao động du lịch mong sớm được hỗ trợ