Theo dõi trên

Bồi dưỡng và phát triển nhân cách con trẻ

15/07/2021, 11:17

BT- Tuổi thơ gắn liền với việc hình thành nhân cách. Trong độ tuổi này, các em luôn chịu sự ảnh hưởng của các tác động cuộc sống xung quanh, dễ dàng tiếp thu cả cái tốt lẫn cái xấu.  Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần tạo ra môi trường lành mạnh, phù hợp cho con trẻ phát triển tốt nhất.

Thường xuyên gần gũi, trò chuyện để khuyến khích trẻ phát huy những năng khiếu của bản thân (ảnh minh họa).

Quá nhiều kỳ vọng

“Con bé nhà em trượt cấp 3 rồi chị. Em vừa phải gom mấy chục triệu đồng để đóng học phí cho năm học tới ở một trường tư thục. Cũng cho đi học thêm, cũng thường xuyên nhắc nhở con học mà kết quả vậy đấy. Để cho nó biết lỗi, không theo bạn bè chểnh mảng việc học, em vừa tịch thu điện thoại và đang bắt phải làm việc nhà”, cô em gần nhà tôi than thở.

Cha mẹ nào chẳng mong con giỏi giang, ngoan ngoãn, chăm chỉ, vào được trường chuyên, lớp chọn. Có mắng chửi, đánh đập cũng là vì thương con, lo cho tương lai của con. Nhưng tại sao mình không chấp nhận con với đủ cả ưu điểm và khuyết điểm mà chỉ xoáy sâu vào chuyện con sơ sẩy trong thi cử để chê trách, kết tội một đứa trẻ đang tuổi “bồng bột”.

Trượt trong các cuộc thi, thành tích học tập cuối kỳ thua kém bạn bè, không đạt học sinh giỏi… đang trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều học sinh. Nguyên nhân cũng là bởi sự kỳ vọng từ gia đình, “bệnh thành tích” từ các trường học hiện nay. Vì vậy, có nhiều trường hợp do không vượt qua kỳ thi đã rơi vào trạng thái suy sụp, có em nghĩ quẩn làm điều dại dột. Dù đã được cảnh báo, song đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu.

 Hãy lớn lên cùng con

Tâm hồn trẻ mong manh, nhạy cảm, có những chuyện đối với người lớn là bình thường, không đáng quan tâm, nhưng với các em thì không còn là “chuyện nhỏ”. Vì thế bất kỳ sự tác động từ môi trường bên ngoài, cộng với từ văn hóa của gia đình đều ảnh hưởng lớn đến tâm hồn trẻ. Điều này đòi hỏi sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả từ nhà trường, gia đình và mọi người trong xã hội.

Chị Nguyễn Minh Hiếu (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) cho biết: Chị có đứa con trai 6 tuổi khá hiếu động, bé thích vẽ tranh và chơi các môn thể thao hơn là đọc chữ. Nhưng là cháu trai đầu nên ông bà nội khá kỳ vọng. Tôi lại cho rằng, nuôi con thuận theo tự nhiên là cách tốt nhất để một đứa trẻ khi lớn lên sẽ có đầy đủ kỹ năng tự lo cho bản thân và cho những người xung quanh. Nên tôi không thúc ép, nhồi nhét cháu phải học giỏi. Ngược lại, luôn dạy con phải yêu thương, chia sẻ với em, biết nhận lỗi khi làm sai.

Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Anh – giảng viên môn tâm lý, Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận cho rằng: “Dạy con là một hành trình dài, thay vì mệnh lệnh, đòi roi hoặc những lời nói cộc cằn, gây sát thương, cha mẹ cần dành tình thương, sự quan tâm và động viên con trẻ. Trên hành trình đó, phụ huynh cần dựa trên mong muốn của con, đánh giá năng lực thực sự của con em mình để tìm nơi học tập phát huy được năng lực, sở trường đó”.

Trong đợt dịch Covid-19 này, khi các khu vui chơi, nhà văn hóa thiếu nhi đóng cửa, kế hoạch đi chơi hay về thăm ông bà tạm gác lại, kỳ nghỉ hè của các em chỉ còn gói gọn ở chiếc ti vi, những thiết bị điện tử và không gian của gia đình. Đó là một thiệt thòi nhưng cũng là cơ hội để chúng ta gần gũi, khơi gợi và đánh giá lại khả năng của từng đứa trẻ. Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành giáo dục, Đoàn thanh niên đang mở ra rất nhiều cuộc thi vẽ tranh, sáng tác video clip, nếu được sự khuyến khích, cổ vũ từ gia đình, đây sẽ là môi trường tốt để trẻ vùng vẫy, thoải mái với niềm đam mê hội họa và các môn năng khiếu, thể hiện sự lương thiện, giá trị sẻ chia. Đơn giản hơn, thay vì giao cho trẻ một chiếc điện thoại, ipad, thì hãy giao những việc như nhặt rau, rửa chén, quét nhà, tự gấp quần áo... Hay cả gia đình cùng nhau tập thể dục thể thao thông qua các hướng dẫn trên youtube. Những việc làm này giúp trẻ hiểu giá trị bản thân và xây dựng các kỹ năng, gắn kết tình thân, đó mới thật sự quan trọng cho cuộc đời của con.

“Giáo dục, dạy dỗ con là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cha mẹ. Vì thế hãy lớn lên cùng trẻ để hiểu khả năng của con. Đừng vì sự mong muốn, kỳ vọng mà vô tình lại tự đẩy con ra khỏi vòng tay yêu thương của chính mình”, thạc sĩ tâm lý Trần Thị Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bồi dưỡng và phát triển nhân cách con trẻ