Theo dõi trên

Rác thải nhựa nhiều lên sau mỗi đợt dịch

02/07/2021, 08:45

BT- Chị em phụ nữ phường Tân An-thị xã La Gi vừa có sáng kiến “đổi rác thải nhựa lấy khẩu trang y tế”. Khẩu trang thì do các mạnh thường quân ủng hộ, rác thải nhựa thì do dân thu gom. Tùy theo số lượng rác thải nhựa nhiều hay ít, mà người dân sẽ được đổi lấy số khẩu trang y tế để phòng chống dịch. Chương trình đang được đông đảo người dân phường Tân An hưởng ứng, vì “nhất cử lưỡng tiện”, vừa giúp bà con có khẩu trang phòng dịch, vừa hạn chế rác thải nhựa ra môi trường.

Thời kỳ giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch, đâu đâu cũng trưng bảng “chỉ bán mang về”, “ship tận nơi”, mua thức ăn, đồ uống online… nên lượng rác thải nhựa tăng chóng mặt. Thay vì khách ngồi tại chỗ ăn - uống như trước, thì nay tất cả hàng quán chỉ bán mang về, số lượng hộp xốp, ly nhựa, ống hút, túi ni lon, thìa, dĩa, đũa nhựa dùng một lần thải ra môi trường rất lớn. Rác thải nhựa gia tăng mạnh tạo áp lực lớn lên khâu thu gom, xử lý, trong khi ở ta vẫn chủ yếu dùng cách chôn lấp rác, để lại tác hại lâu dài tới môi trường, sức khỏe.

Ở Thái Lan, người ta ước tính lượng rác thải nhựa tăng gấp 4 lần trong thời kỳ giãn cách xã hội. Ở Việt Nam chưa có thống kê cụ thể, nhưng nhiều người ước tính lượng rác thải nhựa phải tăng gấp đôi, nhất là ở các thành phố lớn.

Nhiều tổ chức môi trường thế giới cảnh báo: Chống đại dịch Covid-19, nếu không cẩn thận chúng ta có thể gây ra “đại dịch” tiếp theo, đó là sự gia tăng khổng lồ rác thải nhựa, để lại hậu quả lâu dài. Nên nhớ phải mất 100 năm 1 chiếc túi ni lon, hay 1 chai nhựa mới phân hủy được.

Nguy hiểm hơn, dịch Covid-19 đang làm thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm của nhiều người. Do lo ngại vi rút SARS-CoV-2 nên xu hướng quay trở lại sử dụng bao bì nhựa dùng một lần, vừa an toàn và tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua, đang “lên ngôi”.

Việt Nam đứng thứ 4 trong top 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi ngày chúng ta thải ra 2.500 tấn rác thải nhựa, trong đó chỉ một phần nhỏ được tiêu hủy, xử lý, còn lại vương vãi trên đường sá, sông biển, kênh rạch, đất cát, hay trước cửa mỗi nhà. 2 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã phải phát động phong trào “Nói không với rác thải nhựa”. Nhưng dịch Covid-19 kéo dài dai dẳng, có nguy cơ đưa phong trào này quay trở lại điểm xuất phát.

Làm gì để hạn chế sử dụng bao bì nhựa trong mùa dịch? Để sau mỗi đợt dịch rác thải nhựa không nhiều lên? Sáng kiến của chị em phụ nữ phường Tân An – La Gi nói trên là một gợi mở rất cần học tập và làm theo.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rác thải nhựa nhiều lên sau mỗi đợt dịch