Theo dõi trên

Những “thợ săn” Covid-19

28/06/2021, 10:25 - Lượt đọc: 6

BT- Cuối tháng 6, tiết trời nóng bức, oi ả. Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh khiến lòng người lo lắng. Cùng với cả nước, một lần nữa toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Bình Thuận lại chung sức, đồng lòng phòng chống dịch bệnh. Trong cuộc chiến này có những con người thầm lặng truy vết thần tốc với mục tiêu phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, lấy mẫu xét nghiệm. Họ được ví như những “thợ săn” Covid-19. Họ chính là những cán bộ, y, bác sĩ, kỹ thuật viên… trong Đội phản ứng nhanh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Thuận.

Lấy mẫu cho người dân – một trong những công việc nguy hiểm.

 Thần tốc lấy mẫu, truy vết

Những ngày này, các “thợ săn” Covid-19 của Đội phản ứng nhanh thuộc CDC luôn làm việc hết công suất. Bất kể ngày hay đêm, mỗi khi có ca bệnh mới là họ lại lên đường làm nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu đưa về để làm xét nghiệm sàng lọc. Họ không được phép chậm trễ dù chỉ một giây.

Ông Lê Văn Quân, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng (CDC)  kể lại, 18 giờ tối ngày 23/6, khi nhận được thông tin có trường hợp nghi mắc Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngay lập tức, ông cùng các đồng nghiệp của mình “tay xách nách mang” đủ bộ dụng cụ lấy mẫu lên đường làm nhiệm vụ. Và sau khi ghi nhận trường hợp trên nhiễm vi rút SARS-CoV-2, thì từ đó đến nay ông cùng với các đồng nghiệp của mình không một chút ngơi nghỉ.  “Nghề của chúng tôi là vậy, bất kể thời gian ngày hay đêm, có lệnh là lên đường. Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, thì đúng là rất mệt. Thậm chí có nhiều khi khát nước nhưng không dám uống, một phần vì sợ không có thời gian đi vệ sinh, phần còn lại muốn đi vệ sinh phải cởi đồ bảo hộ, đồng nghĩa với việc phải hủy luôn bộ quần áo đó. Nên ai nấy đều cố gắng sử dụng tiết kiệm nhất có thể”- ông Quân chia sẻ.

Cũng theo ông Quân, muốn lấy được mẫu dịch, những thành viên trong đội phải đứng đối diện với bệnh nhân để đưa tăm bông vào vùng hầu họng, vùng mũi. Những động tác này dễ kích thích ho, hắt xì… có nguy cơ phát tán vi rút ra ngoài, gây nguy hiểm cho người làm nhiệm vụ. “Nhưng không vì thế mà chúng tôi cho phép bản thân chùn bước. Mỗi người một nhiệm vụ, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt, đóng góp một chút sức lực của mình vào công cuộc chống dịch”,  ông Quân nói.

Bên cạnh công tác xét nghiệm thì việc truy vết, điều tra dịch tễ các ca bệnh cũng được xem như một trong những biện pháp quan trọng để cắt đứt đường lây truyền của Covid - 19. Bởi, bản chất của vấn đề truy vết chính là xác định được nguồn lây nhiễm của ca bệnh, xác định những người có yếu tố nguy cơ về lây nhiễm. Dựa vào cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra những quyết định khoanh vùng, cách ly kịp thời. Chị Bùi Thị Phương Dung, thành viên Đội phản ứng nhanh của CDC là một trong những người hiểu rõ nhất những khó khăn, vất vả của công việc này. Chị Dung cho biết, công tác điều tra dịch tễ đòi hỏi lực lượng y tế vừa phải nhanh nhạy vừa phải khéo léo. Đó là làm sao dự đoán và gợi hỏi để các trường hợp F0 khai cho đúng. “Truy các mốc dịch tễ rồi từ đó truy ra từng F1, nếu bỏ quên mốc dịch tễ thì có nghĩa sẽ bỏ sót rất nhiều F1. Sau khi đã nắm được thông tin người bệnh tiếp xúc với ai, đi những đâu, làm những gì, chúng tôi sẽ đề xuất những khu vực cần khoanh vùng, cách ly”, chị Dung nói.

Chị Dung cũng cho biết, một trong những thách thức với những người làm công tác điều tra thông tin dịch tễ như chị đó là có trường hợp không nhớ đầy đủ lịch trình di chuyển, hoặc bị hoảng loạn về tâm lý. “Những lúc như vậy đòi hỏi kỹ năng điều tra dịch tễ và kinh nghiệm nắm bắt tâm lý là mấu chốt vô cùng quan trọng. Trong đợt dịch này, tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn nên không còn gặp quá nhiều khó khăn như trước nữa”, chị Dung bộc bạch.

 Thận trọng trong xét nghiệm

Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Ngọc Phúc cùng các đồng nghiệp trong Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng thuộc CDC Bình Thuận không kể ngày đêm thực hiện các mẫu xét nghiệm để có kết quả kịp thời, chính xác nhất. Từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết vật liệu di truyền, chạy máy, phân loại, thông tin cá nhân, ghi phiếu dịch tễ… đều phải chuẩn xác. Nếu lơ là, bỏ qua thao tác nào không chính xác trong quy trình, thì kết quả sẽ dẫn đến sai lệch. Điều này rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng chống dịch.

Những “thợ săn” Covid-19 trong phòng xét nghiệm.

Thời điểm này, Bình Thuận đã ghi nhận 7 ca mắc Covid-19. Nhu cầu xét nghiệm hiện nay rất cao, mỗi ngày khoa xét nghiệm “chạy” gần 1.500 mẫu. Quá trình thực hiện các mẫu gộp, kỹ thuật viên phải cân nhắc, đánh giá nguy cơ trên các mẫu gộp. Các thành viên trong phòng xét nghiệm làm việc như “thoi đưa” mỗi ngày. Mỗi tua “chạy” mẫu xét nghiệm là  6 tiếng đồng hồ, 4 tua luân phiên liên tục 24h và những kỹ thuật viên xét nghiệm phải mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng muốt trong suốt 6 tiếng đồng hồ đứng trong phòng kín thực hiện các quy trình xét nghiệm. Chị Phúc cho biết: “Trong những đợt giám sát thông thường, tôi mặc bộ đồ bảo hộ tối thiểu 3,5 giờ mới thay, tối đa khoảng 7 tiếng. Như tối ngày 24/6, 3 người trong tua xét nghiệm phải mặc gần 7 tiếng mới hết tua, ra thay đồ để đi uống nước và vệ sinh. Sau 7 tiếng mới uống được nước. “Dòng nước chảy trong cổ họng mát lạnh và ngọt ngào như uống sữa, dần dần xua tan đi cái rát khô, cái đắng nghét do không uống nước trong nhiều giờ” – chị Phúc chia sẻ. 

Cũng trong quá trình xét nghiệm, có nhiều kỷ niệm khiến chị Phúc không thể quên. Chẳng hạn như: Sau khi tách mẫu trong đợt dịch đầu tiên - Kết quả 9 ca dương tính, đến ngày 17/3/2020, chị Phúc phát sốt 38 độ C. Chị hoang mang, thỏ thẻ với đồng nghiệp: “Em sốt rồi! Không biết có bị dính Covid-19 hay không nữa. Chứ em hy vọng chỉ là bệnh cảm thông thường”. Sau khi xin lãnh đạo, chị Phúc được lấy mẫu, gửi đi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm. Bởi thời điểm này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chưa được đầu tư xét nghiệm phân tử sinh học Realtime -PCR. Trong thời gian chờ kết quả, bản thân chị lo lắng, tự hỏi với lòng mình rằng: “Không biết mình có dính Covid-19 hay không? Nếu mình bị nhiễm, các đồng nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Điều này sẽ dẫn đến công việc bị trì trệ trong tình cảnh đang nóng bỏng”. Thế nhưng, sau 1 ngày gửi mẫu, chị và các đồng nghiệp vỡ òa trong niềm hạnh phúc với kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19.

 Đóng góp cho công tác phòng chống dịch

Ông Đinh Thế Hùng, Giám đốc CDC tỉnh Bình Thuận cho biết: “Ngay từ khi xuất hiện dịch Covid - 19 từ đợt đầu tiên, thực hiện chỉ đạo của ngành, trung tâm đã thành lập 6 Đội phản ứng nhanh với 60 thành viên, thường trực làm nhiệm vụ truy vết các trường hợp có nguy cơ về dịch bệnh để kịp thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay, các Đội phản ứng nhanh của đơn vị đã thực hiện rất nhiều công việc, âm thầm theo dấu các trường hợp về từ vùng dịch, kết hợp cùng các lực lượng khác tổ chức khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm bệnh phẩm… ngăn ngừa có hiệu quả dịch bệnh lây lan trong cơ sở cách ly tập trung, lây lan trong cộng đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, qua rà soát, giám sát đã lấy hơn 40.000 mẫu xét nghiệm, trong đó từ ngày 24/6 đến nay lấy khoảng gần 2.150 mẫu, có 7 mẫu dương tính với vi rút  SARS-CoV-2 . Không chỉ lấy mẫu các trường hợp có tiếp xúc gần với các ca bệnh ghi nhận trong cộng đồng, công tác giám sát lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ, công dân đi về Bình Thuận từ tỉnh ngoài cũng được duy trì. “Theo nhận định của ngành y tế và các chuyên gia từ Viện Pasteur Nha Trang vào hỗ trợ Bình Thuận; đợt dịch này khác so với đợt dịch đã từng xảy ra trước đây. Cần tách rõ các trường hợp F1 và F2, thần tốc truy vết, giám sát lấy mẫu và tăng cường khả năng xét nghiệm là yêu cầu cấp thiết để Bình Thuận nhanh chóng dập dịch. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, những con số cho thấy sự nỗ lực của cả một hệ thống để đáp ứng song song 2  nhiệm vụ chống dịch trong và phòng dịch ngoài”- ông Hùng nói.

Bình Thuận đang trải qua giai đoạn cao điểm, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo đó, “thành lũy chống dịch Covid-19” tiếp tục  được xây dựng dày dặn hơn. Những “thợ săn” vẫn miệt mài làm việc, tiếp tục xa gia đình, lao mình vào những nơi SARS-CoV-2   rình rập. 

Trang Minh - Ngọc Diệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những “thợ săn” Covid-19