Theo dõi trên

Mưu sinh mùa Covid-19: Vất vả, nhưng không đơn độc

11/06/2021, 08:59

BT- Trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 lần thứ 4, dù Bình Thuận chưa ghi nhận ca nhiễm mới, song mọi mặt đời sống xã hội đều bị xáo trộn. Những phận đời yếu thế như: xe ôm, vé số, bán hàng rong... vốn dĩ đã bấp bênh để mưu sinh qua ngày, nay lại càng thêm khó khăn chồng chất. Phải chấp nhận, xoay sở mọi cách để vượt qua, bởi họ hiểu, không chỉ họ, mà khắp nơi trên cả nước đang phải chấp nhận để đi qua thách thức quá lớn này. 

Chờ đợi khách hàng mùa Covid-19.

Từ khó khăn, vất vả

Cái nắng của những ngày hè tháng 6 như đổ lửa. Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Các địa phương trong tỉnh hạn chế tụ tập đông người, tâm lý mọi người e dè khi tiếp xúc, nguồn chi tiêu bị siết chặt lại… Những điều này góp phần làm gia tăng thêm khó khăn cho những phận đời yếu thế trong tiến trình mưu sinh.

Đã có 15 năm hành nghề chạy xe ôm, chưa bao giờ ông Phạm Cương (phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) lại thấy ế ẩm như thời gian này. Hàng ngày, 5 giờ 30 sáng, ông từ nhà chạy lên “bến” ở góc chợ Phan Thiết cùng với các “đồng nghiệp” của mình ngồi chờ khách. Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, mỗi ngày ông chạy trên dưới 15 cuốc xe, thu nhập từ 250.000 – 300.000 đồng/ngày. Nhưng những đợt dịch liên tiếp xảy ra, người dân cũng hạn chế đi lại, mua bán nên ông chỉ chạy được vài cuốc xe mỗi ngày, trừ tiền xăng chỉ còn chưa tới 100.000 đồng.

“Ngồi từ sáng cho tới trưa, tôi mới chạy 2 cuốc ngắn được 30.000 đồng. Nhưng ở nhà lại càng khổ hơn, vì không có thu nhập” - ông Cương tâm sự.

Gần 3 tuần nay, chị Trần Thị Hồng (phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết), trở về nhà mà trên tay xấp vé số chưa vơi một nửa. Trong tiết trời oi bức, khi nhiệt độ ngoài trời lên tới 380C, chị phải đi bộ đến từng quán nhỏ, ngõ nhỏ để rao bán nhưng chả mấy người mua. “Trước đây, mỗi ngày tôi bán được hơn 200 tờ nhưng giờ đây, từ 6 giờ sáng bán đến 3 giờ chiều, bán 100 tờ vé số nhiều khi không hết” - chị Hồng cho biết.

Còn ông Lê Lô (phường Hưng Long, TP. Phan Thiết) bán đồ chơi trẻ em ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo cũng ngót nghét hơn 10 năm nay. Đồng ra, đồng vào cũng giúp ông trang trải, nuôi 4 người con bị bệnh tâm thần. Dịch bệnh xảy ra, người qua lại trở nên thưa thớt, bóng dáng trẻ con đòi mua đồ chơi cũng ít dần. “Tình hình chung, đâu phải riêng tôi gặp phải. Càng khó khăn càng phải cố gắng chứ biết sao hả cô?” - ông Lô nói.

 Phải thích nghi và phòng chống dịch

Sau nhiều lần nếm trải sức công phá mạnh mẽ của dịch bệnh, những con người này đã dần thích nghi với cuộc sống mới, bởi ai rồi cũng phải thích nghi.

Ngán ngẩm vì chuỗi ngày dài nhàn rỗi ngồi chờ khách, ông Phạm Cương tự mò mẫm lên mạng, vào các hội nhóm, tìm các mối bán hàng cần shipper. Thời gian đầu, do chưa quen nên không có người gọi. Nhưng ông vẫn kiên trì và có những đơn hàng đầu tiên sau 1 tuần chờ đợi. Giờ đây, mỗi ngày ông cũng ship được khoảng 3 - 4 đơn hàng. Sau khi trừ đi chi phí, ông cũng bỏ túi được khoảng  80.000 - 100.000 đồng.

Cũng trong cảnh vật lộn mưu sinh, chị Hồng vé số chuyển hướng sang bán thêm các món ăn đơn giản như đậu phộng, trứng cút luộc, các loại trái cây làm sẵn cho khách. “Trong hoàn cảnh này, bắt buộc tôi phải nghĩ ra nhiều cách để sinh sống. Tôi thấy vừa bán vé số vừa bán thêm những món ăn này về đêm cũng phù hợp mà còn kiếm thêm được ít thu nhập trang trải cho cuộc sống”.

Những phần quà mang lại niềm vui cho người nghèo trong thời điểm dịch Covid-19.

Không chỉ chủ động chuyển đổi, kiếm thêm công việc để thích nghi trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người lao động tự do còn có ý thức hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Chị Hồng bán vé số cho biết: Mỗi ngày đi bán vé số, chị phải tiếp xúc với nhiều người nên luôn đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nhất định với người mua. Chị cũng tự mua nước sát khuẩn để sát khuẩn tay khi tiếp xúc với khách hàng.

 Còn ông Phạm Cương thì cho rằng, mỗi khi có khách ông đều hỏi rõ khách đến từ đâu, đặc biệt là ông luôn đeo khẩu trang. Ông nghĩ nếu không cảnh giác, lỡ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh sẽ khiến tình hình kinh tế ngày càng khó khăn. “Mỗi người ý thức một chút, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng dịch bệnh. Mà có chiến thắng dịch bệnh thì kinh tế mới hồi phục, cuộc sống mới vơi bớt khó khăn”- ông Cương cho hay.

 Và đồng hành, giúp sức

Một ngày đầu tháng 6, có khoảng vài chục hộ dân đến UBND phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết theo từng đợt để nhận các phần quà là nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn… hay những suất tiền mặt mà hội, đoàn thể địa phương đã kết hợp với mạnh thường quân đến thăm, trao tặng cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Cửu, một hộ dân khó khăn trên địa bàn phường Đức Nghĩa cho biết: “Dịch bệnh đã làm cho chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Nhận được sự chia sẻ về vật chất và những động viên khích lệ tinh thần của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân khiến chúng tôi cảm thấy ấm áp, từ đó có thêm nghị lực để chúng tôi vươn lên trong cuộc sống”.

4 lần đại dịch Covid-19 bùng phát là những lần chúng ta thấy sự đùm bọc, chia sẻ đến với những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau” luôn được các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh cũng như các mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung tay góp sức. Theo Hội Phụ nữ TP. Phan Thiết, đến nay hội đã vận động đóng góp trên 12 tỷ đồng hỗ trợ các suất quà tặng và tiền mặt cho các tổ chức làm công tác phòng chống dịch và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đối với tỉnh, theo số liệu từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện đã xuất chi hơn 19,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 19.800 đối tượng là người bán hàng rong, buôn bán nhỏ không có hợp đồng cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác; tài xế xe ôm - xe xích lô; hộ tự làm hoặc làm việc tại các điểm kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, chăm sóc sức khỏe, du lịch… theo Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ nhằm sẻ chia khó khăn trong các đợt Covid-19 thời gian qua.

Sự đồng hành, giúp sức này sẽ giúp những hoàn cảnh khó khăn, người lao động tự do vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cơn bão của đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào dừng lại, do đó sẽ còn rất nhiều khó khăn mà những người làm nghề lao động tự do phải đối mặt. Tự nhủ “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”, họ đã bằng mọi cách xoay xở để tồn tại, chờ ngày “bão tan”.

Thanh Nhàn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mưu sinh mùa Covid-19: Vất vả, nhưng không đơn độc