Theo dõi trên

Không “giải cứu” thanh long nữa

11/06/2021, 08:20 - Lượt đọc: 204

BT- Mới đây, trong công văn gửi Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông), lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông không dùng từ “giải cứu” khi đưa tin về tiêu thụ nông sản nói chung và quả vải thiều nói riêng, bởi sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ các mặt hàng này.

Công văn của tỉnh Bắc Giang nêu rõ: Sau khi có các tin, bài, phóng sự có từ “giải cứu”, giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, thu nhập của người nông dân.

Thay vào đó, Bắc Giang đề nghị báo chí tiếp tục tuyên truyền chất lượng vải thiều Bắc Giang (hiện đang được xuất khẩu vào các thị trường đòi hỏi chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ) để tạo thuận lợi cho vải thiều Bắc Giang xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Khó khăn, ách tắc trong vận chuyển, lưu thông sản phẩm do ảnh hưởng dịch bệnh thì phải tích cực tháo gỡ. Dù đang phải dập dịch trong các khu công nghiệp và tìm cách tiêu thụ 180.000 tấn vải thiều đến kỳ thu hoạch, nhưng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang vẫn tự tin: Chúng tôi có nông sản tốt, sạch, chất lượng cao, thị trường rộng lớn trong và ngoài nước, không việc gì phải “giải cứu” cả!

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng vừa về thăm “thủ phủ” của quả vải, cũng là “tâm dịch” Bắc Giang. Trên đường gặp dòng xe tải ghi “giải cứu nông sản”, Bộ trưởng trăn trở: Khi thấy cụm từ “giải cứu”, tôi đau lòng, quả vải của chúng ta ngon như thế, bán ra nước ngoài giá cao như thế, thì không thể có chuyện cần giải cứu được. Dùng thông điệp như thế khiến người nông dân tổn thương, thậm chí làm giảm chất lượng nông sản, bên cạnh đó có thể khiến mọi người hiểu lầm.

Theo Bộ trưởng: Chúng ta nên bỏ từ “giải cứu” nông sản, nghe rất thương cảm, thay vào đó chúng ta cần có những hành động cụ thể hơn.

Nếu thống nhất rằng, thông điệp mà tỉnh Bắc Giang và Bộ trưởng Hoan đưa ra, là một cách tiếp cận rất mới, rất khác, đầy mạnh mẽ và tự trọng về nông sản Việt. Thì nên chăng cũng đến lúc Bình Thuận bác bỏ cụm từ “giải cứu thanh long” mà báo chí vẫn dùng lâu nay? Bởi uy tín, chất lượng, thị trường quả thanh long Bình Thuận không thua kém gì quả vải Bắc Giang. Hiện chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” đã được đăng ký và bảo hộ tại 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường khó tính nhất như: Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Liên tục các năm qua, doanh nghiệp và nông dân Bình Thuận đã đầu tư đẩy mạnh sản xuất thanh long sạch theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, đồng bộ từ khâu sản xuất đến đóng gói, sơ chế, bảo quản, từng bước mở rộng sản xuất thanh long theo hướng GlobalGAP, thanh long hữu cơ.

Vấn đề của thanh long là quá phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc. Đầu năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nông sản Việt Nam, giá thanh long rớt thê thảm. Cả xã hội lại ùa vào “giải cứu”, mà điển hình là những chiếc bánh mì thanh long được “ông vua bánh mì” Kao Siêu Lực cho ra lò.

Năm nay, dù Bình Thuận chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, nhưng ảnh hưởng dịch bệnh tới kinh tế thì rất rõ. Sản lượng thanh long Bình Thuận khoảng 700.000 tấn quả/năm, hiện đang bước vào mùa thu hoạch chính, sản lượng trong tháng 6 - 7 gần 100.000 tấn, nhưng giá thanh long đang xuống thấp.

Sở Công Thương Bình Thuận đang đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Bình Thuận xúc tiến thương mại, tiêu thụ thanh long; kết nối tiêu thụ thanh long tới các công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối… Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Thuận cũng đang kiến nghị Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hỗ trợ Bình Thuận tiêu thụ thanh long trên các sàn thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng về thủ tục thông quan thanh long qua các cửa khẩu với Trung Quốc…

Nói như Bộ trưởng Hoan thì nông sản Việt không cần “giải cứu”, thanh long Bình Thuận không cần “giải cứu”, mà “cần có những hành động cụ thể hơn”.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không “giải cứu” thanh long nữa