Theo dõi trên

Sau chiếc khẩu trang là những khuôn mặt lo âu

04/06/2021, 09:39

BT- Hơn một năm nay, việc làm ít, thu nhập giảm, vợ chồng anh Tuấn cùng đứa con “trụ” lại trong căn phòng 10 m2 ở xóm trọ công nhân mà không dám về thăm quê. Họ cố gắng tăng ca, chắt chiu, dè sẻn chi tiêu, tiết kiệm được đồng nào tốt đồng đó, phòng khi mất việc. Dịch bệnh thì không biết khi nào mới hết.

Sau nhiều đợt dịch, hàng chục triệu người lao động bị ảnh hưởng, nhiều người mất việc, số còn lại phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, hầu hết đều bị giảm thu nhập. Bộ LĐ-TB-XH cho biết: chỉ riêng trong quý I/2021, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 540.000 người bị mất việc làm, hàng triệu lao động khác phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, thu nhập giảm.

Nguy hiểm hơn là đợt dịch thứ 4 với biến chủng mới đã đánh thẳng vào các khu công nghiệp - nơi tập trung số lượng lớn lao động, nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa, công nhân ngừng việc, cách ly tập trung. Nhiều địa phương, khu vực phải phong tỏa, giãn cách, nhiều hoạt động kinh doanh thiết yếu phải đóng cửa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Như vậy, không chỉ lao động trong doanh nghiệp mà ngay cả những người buôn gánh bán bưng, đội quân vé số cũng gặp nhiều khó khăn. Hàng quán ế ẩm, đóng cửa, nhiều người mất việc làm, thu nhập. Covid-19 đang ảnh hưởng tới mâm cơm của hàng triệu gia đình. Sau chiếc khẩu trang là những khuôn mặt lo âu. Nỗi lo mất việc làm đôi khi lớn hơn nỗi sợ vi rút.  Đặc biệt ngành du lịch - dịch vụ gặp muôn vàn khó khăn, xứ du lịch mà phải ngừng tiếp nhận khách để phòng chống dịch, khiến hàng vạn lao động lao đao, mùa du lịch hè khéo “toang” mất.

Theo một kịch bản mà Bộ LĐ-TB-XH dự báo: dịch bệnh bùng phát rộng ở nhiều khu công nghiệp và đô thị lớn, dự báo trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực tiếp... Cả nước đang nỗ lực hết sức mình để tránh kịch bản “xấu” ấy.

Năm 2020, thông qua chính sách hỗ trợ theo nghị quyết 42, Chính phủ đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho trên 14,4 triệu lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, với tổng kinh phí 32.598 tỷ đồng (tính đến 29/4/2021). Năm nay trước tình hình khó khăn trên, Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng trình Chính phủ dự thảo các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 như sau:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng BHXH cho người lao động phải ngừng việc do doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, công lập ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT phải dừng hoạt động để phòng chống dịch.

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động đang thuê nhà, lao động đang thuê nhà có con dưới 6 tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động; người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngừng hoạt động để chống dịch.

Hỗ trợ kinh phí để triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động tại các khu công nghiệp...

Chính phủ quyết tâm kiên định “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Toàn dân ta hãy chung sức, đồng lòng cùng Chính phủ sớm đẩy lùi dịch bệnh để khôi phục các hoạt động kinh tế, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cân đối nguồn nước để sản xuất vụ hè thu thuận lợi
Sau khi các địa phương cơ bản kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2024 chặt chẽ, với khung thời vụ gieo trồng từ nay đến giữa tháng 6. Hiện Bình Thuận đang đứng trước thực trạng thiếu hụt nguồn nước do hạn hán, vì vậy các địa phương cần nắm chắc diễn biến thời tiết, nguồn nước để có phương án bố trí sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau chiếc khẩu trang là những khuôn mặt lo âu