Theo dõi trên

Chuyện về những đêm diễn ở vùng cao

12/04/2021, 10:57 - Lượt đọc: 72

BT- Khác những đêm văn nghệ được tổ chức với hệ thống âm thanh ánh sáng hoành tráng. Khác với những chương trình trong lòng phố thị. Ở đây, chỉ vỏn vẹn chừng ấy con người, sân khấu là bãi đất trống, là nền xi măng trong khuôn viên nhà văn hóa xã, hay sân trường học. Vậy mà ấm áp, lại mang đến hạnh phúc và niềm vui cho những con người gắn với ruộng nương chất phác… Đó là hành trình của những đêm diễn giữa núi rừng vùng cao…

Văn nghệ về buôn làng!

Những ngày đầu tháng 4, sẽ là khởi đầu cho hành trình dài của Đội tuyên truyền và chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, với 40 suất diễn đến hết ngày 21/5. Hành trình xuyên suốt ấy sẽ không ngày nghỉ, của 8 con người trong đội, đã xây dựng nên những tiết mục tốp ca, đơn ca, tam ca, nhạc kịch… để phục vụ cho đồng bào miền núi ở các xã Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ, Thuận Hòa, Hàm Trí. Đưa văn hóa văn nghệ về cơ sở nhiều năm qua đã mang đến một hơi thở và nhịp đập rộn ràng cho người dân ở khắp nơi xa xôi, hẻo lánh, bởi lẽ họ ít có được cơ hội để thưởng lãm văn nghệ đúng nghĩa.

Nếu ở thành thị, người dân dễ tiếp cận và có khi thừa thải, bởi có nhiều cách để giải trí, thì những nơi đây hiếm khi được tận mắt xem hát, xem diễn, tán thưởng và cười nói vô tư. “Đội hiện giờ có 8 thành viên, hát biểu diễn chỉ có 3 nam và 2 nữ. Các bạn phải tập dợt, xây dựng chương trình, có bạn phải kiêm nhiệm vừa đạo diễn, diễn viên vừa chỉnh âm thanh ánh sáng. Nhưng đó lại là niềm vui, dù cũng rất mệt”- anh Nguyễn Ngọc Danh, Đội phó Đội tuyên truyền chia sẻ.

2 đêm đầu ở xã La Dạ, Đông Giang suôn sẻ, trong niềm phấn khích của bà con. Trong sân nhà văn hóa xã, người bế con, người mang ghế chộn rộn cả góc sân. Đêm thứ 3 ở Đông Tiến, mọi thứ đã chuẩn bị đâu đó. Cơn mưa rừng phủ xuống. Cả đội phải thu dọn, dưới mưa. “Đây là lần đầu tiên em về đội, cũng là lần đầu tiên mang tiếng hát phục vụ đồng bào. Nó cho em nhiều cảm xúc, gần gũi nhưng hiểu sự thiếu thốn văn hóa tinh thần ở những nơi xa xôi, thế này” - Ngọc Tùng, thành viên đội bộc bạch.

Đội phó Nguyễn Ngọc Danh vui cười cho biết thêm, đội sẽ luân phiên biểu diễn ở các huyện với 40 suất. Ngoài ca hát, đội cũng dựng ca nhạc kịch để tuyên truyền cho cuộc bầu cử sắp diễn ra vào ngày 23/5 tới. Vở ca kịch “Tình yêu lá phiếu” do Hoàng Tiến vừa dàn dựng, vừa biểu diễn cùng với tập thể đội đã giúp người dân hiểu hơn về cách thức đi bầu cử, về ý nghĩa trong từng lá phiếu cử tri và về trách nhiệm công dân. Vở diễn tuy ngắn, nhưng lại mang đến cho người dân nhiều tiếng cười ý nhị, về những câu chuyện đời thường diễn ra hàng ngày ở trong khu phố hay một thôn, buôn làng nào đó. 

Âm thầm góp nhặt tiếng cười !

Đêm ở thôn Lâm Giang (Hàm Trí), sân khấu trước nhà văn hóa là bãi đất trống của sân bóng dã chiến. Hôm ấy có lẽ được bắt đầu trễ hơn một chút, trẻ con đến sớm hơn thì được phục vụ xem hài. 7 giờ tối, sau bữa cơm muộn, người dân ở đây mới bắt đầu đến để thưởng thức văn nghệ. “Ở đây giờ người ta đi làm công ty nhiều nên về trễ, họ đến trễ, chứ thích văn nghệ lắm” - cán bộ văn hóa xã cho biết.

Ngồi trên chiếc xe máy cùng con gái, anh Thông Văn Ba, chia sẻ: “Vui ghê mà tiếc vì đi làm về trễ nên xem được có phần sau. Thỉnh thoảng có chương trình của huyện, hay các đoàn khác tôi hay chở con đi xem. Hôm nay hay quá”. Có lẽ, niềm vui đó được bắt đầu từ sự thiếu thốn những chương trình văn nghệ sống động như thế. Hình ảnh người bà ẵm cháu, những cô chú ngồi bệt dưới nền đất bật cười vui vẻ, cho thấy cảm giác hạnh phúc lan tỏa sau việc đồng áng, mưu sinh của một ngày. “Một năm, đội về diễn một lần, thỉnh thoảng cũng có chương trình của huyện hay Nhà hát Biển Xanh về phục vụ. Thích lắm, vừa hay vừa vui. Các em hướng dẫn cách đi bầu cử dễ hiểu nên cả gia đình ai cũng thích. Có nhiều chương trình như vậy càng hay để bà con giải trí”- Chị Mai Thị Kim Sang bộc bạch.

Xây dựng một chương trình với 8 con người, để vừa mang tính giải trí, vừa lồng ghép tuyên truyền sự kiện chính trị là một cố gắng rất lớn. Có những thành viên đã quen với những chuyến đi, ngủ ở hội trường, trang phục thay dã chiến trên xe. Hành trình xuyên suốt đó, từ nơi này sang nơi khác, kiêm nhiệm đủ vai trò để phục vụ cho hàng ngàn người dân khắp nơi trên địa bàn rộng, nhất là các xã vùng cao, miền núi không chỉ có sự nỗ lực mà còn có sự đam mê, nhiệt huyết. Đa phần là tuổi trẻ như Bảo Vy, Trà My, Ngọc Tùng, Hoàng Tiến, Văn Ngọc, Công Đoan... Nếu như Công Đoan, Bảo Vy là những thành viên lâu năm của đội, thì các bạn trẻ như Trà My, Ngọc Tùng, Văn Ngọc nếu không có tình yêu đích thực, sẽ khó vượt qua những đêm ngủ bụi, với mưa rừng để góp nhặt tiếng cười.

 Ghi chép củaQuang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về những đêm diễn ở vùng cao