Theo dõi trên

Chống Covid-19, không quên phòng bệnh khác

08/04/2021, 09:47

BT- Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân không chỉ phòng chống dịch Covid-19 mà cần chú ý phòng các bệnh truyền nhiễm khác.

                
Người dân cọ lu, thay nước nhằm diệt trứng    muỗi và lăng quăng để phòng bệnh SXH.

Tăng - giảm tùy bệnh

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 463 ca sốt xuất huyết (SXH), giảm 42 ca so cùng kỳ 2020. Số ca mắc nhiều là ở các huyện như Đức Linh, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Các trường hợp nhập viện được điều trị kịp thời, chưa diễn biến ở mức nặng. Dẫu số ca mắc giảm, nhưng dấu hiệu cảnh báo bệnh SXH sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Theo đó, khi mùa khô đến, mạch nước giếng đào, giếng khoan sẽ cạn, người ở nơi chưa có nước máy thì sử dụng nước giếng và dự trữ trong nhiều vật dụng. Nếu lu nước không được đậy kín trong quá trình dự trữ, thì muỗi đẻ trứng, phát triển thành lăng quăng và muỗi theo vòng đời. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chủ quan, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh như diệt lăng quăng và muỗi, từ đó bệnh SXH sẽ có nguy cơ tăng.

Riêng bệnh tay chân miệng, toàn tỉnh ghi nhận 191 ca mắc, tăng gấp 3,3 lần so cùng kỳ 2020 là 57 ca. Số ca mắc tập trung tại Phan Thiết, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc. Riêng huyện Phú Quý chưa ghi nhận bất cứ ca mắc bệnh SXH và tay chân miệng. Cùng thời điểm cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2021, nhiều tỉnh, thành khác cũng ghi nhận số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng, dù thời điểm này chưa phải đỉnh dịch của bệnh này.

Bác sĩ Đinh Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cảnh báo: Người dân tuyệt đối không chủ quan với các dịch bệnh khác như SXH, tay chân miệng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra, nghĩa là không chỉ phòng chống dịch Covid-19 mà còn phòng các bệnh truyền nhiễm khác. Nếu không thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khác, trong đó có  một số bệnh lưu hành hàng năm gồm SXH, tay chân miệng, thủy đậu… 

Tăng cường phòng bệnh

Theo bác sĩ Hùng, đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm như SXH, tay chân miệng có khả năng lây lan nhanh chóng, nhưng đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các trung tâm y tế tuyến huyện giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện không để dịch lan rộng và kéo dài. 100% ổ dịch được phun hóa chất ngay sau khi xác định. Đồng thời, ngành y tế phối hợp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và người dân tại địa phương tích cực tham gia diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Cùng với đó là bệnh tay chân miệng sẽ có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị các trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục duy trì  phát hiện sớm và giám sát ca bệnh, có biện pháp kịp thời khống chế số ca mắc, không để xảy ra dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế kêu gọi các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại các nhóm trẻ, trường mầm non, mẫu giáo chung tay góp sức thực hiện rửa tay trẻ với xà phòng thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ... Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, người nhà không tự mua thuốc điều trị mà hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế để tiếp nhận sự khám và tư vấn điều trị phù hợp.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống Covid-19, không quên phòng bệnh khác