Theo dõi trên

Bài dự thi Phóng sự, bút ký:

31/03/2021, 09:01

Loay hoay bài toán thoát nghèo ở La Ngâu

BT - Bao năm qua, câu chuyện thoát nghèo đối với xã La Ngâu, huyện Tánh Linh vẫn là bài toán chưa có lời giải. Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Việc trồng cây gì, nuôi con gì, làm gì để thoát nghèo thật sự không dễ dù đã nhận được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế… 

Ruộng… khô khát

Thời điểm này, vụ hè thu đang cận kề nhưng đồng bào dân tộc  thiểu số (ĐBDTTS) xã La Ngâu đang canh cánh nỗi lo về nước tưới. Bởi bao nhiêu năm qua, hầu hết các cánh đồng trên địa bàn xã không có hệ thống kênh mương thủy lợi dẫn nước. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng Tà Lũ gần sát bờ sông La Ngà, anh Nguyễn Văn Lập - Bí thư Chi bộ 2, bản 2 cho biết: “Cánh đồng Tà Lũ hiện nay có khoảng 40 ha đồng bào trồng lúa, bắp xen kẽ. Mùa mưa thì trồng lúa, mùa nắng trồng bắp nhưng năng suất đạt thấp, sản lượng giảm sút. Vì không có kênh mương thủy lợi dẫn nước nên bà con mình chỉ trông chờ vào nước trời. Không có nước đưa vào ruộng nên đất sản xuất của nhiều hộ có khi phải bỏ hoang”.

Không thể ngồi chờ mãi nước trời, bà con nông dân ở La Ngâu phải tìm mọi cách để “cứu sống” những đám ruộng, đảm bảo cuộc sống vốn còn nhiều khó khăn. Riêng anh Lập, đến bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai chuyện 3 sào ruộng của gia đình anh ở cánh đồng Tà Lũ đang đến giai đoạn làm đòng thì thiếu nước, anh phải vay mượn đầu tư đường ống lấy nước ở sông La Ngà đưa vào ruộng nhưng cũng không đủ nước để tưới mát cho đồng ruộng. Ở bản 2 của xã La Ngâu còn có cánh đồng 30 ha tuy được Nhà nước đầu tư kênh mương dẫn nước nhưng cũng khô khốc vào mùa hạn. 2 cánh đồng rộng đến hơn 70 ha này ở La Ngâu gần như chỉ canh tác hiệu quả vào mùa mưa có nước trời. Bao năm qua, bà con bản 2 gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do không chủ động được nguồn nước tưới.  

                
Nông dân xã La Ngây kéo ống    nước dẫn nước chuẩn bị cho vụ hè thu.

Thiếu đất sản xuất

Không chỉ thiếu nước, đất sản xuất ở La Ngâu cũng không đảm bảo. Toàn xã hiện có 177 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 27,3% thì có đến 170 hộ không có đất sản xuất. Tình trạng hàng trăm hộ dân thiếu đất sản xuất khiến công tác giảm nghèo của xã gặp nhiều khó khăn. Năm 2020, xã chỉ giảm được 39 hộ nghèo, không đạt so với chỉ tiêu huyện giao là 50 hộ. Theo ông Đặng Công Khanh - Phó Chủ tịch UBND xã La Ngâu: Nguyên nhân của thực trạng thiếu đất sản xuất là do tăng dân số tự nhiên, quỹ đất của xã hạn chế, nên diện tích đất của các hộ gia đình chia ra không đủ diện tích theo định mức. Bên cạnh đó, xã có 454,3 ha diện tích đất nằm trong dự án thu hồi lòng hồ thuộc hệ thống thủy lợi Tà Pao. Diện tích bị thu hồi này là 1 trong 4 cánh đồng sản xuất lớn của đồng bào La Ngâu. Hiện tại cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang lúng túng với việc tìm giải pháp để đảm bảo cuộc sống của người dân.

Gia đình chị Hoàng Thị Rơn, có căn nhà xây cũ kỹ trên diện tích khoảng 50 m2. Nhà có đến 6 thành viên nhưng không có đất sản xuất. Bao năm qua, gia đình chị Rơn chưa thể thoát nghèo. “Hiện tại tiền để trang trải cuộc sống của gia đình tôi rất túng thiếu. Chồng thường xuyên xa nhà lên rừng kiếm sống, bẻ măng, hái nấm. Đến mùa mật ong thì đi kiếm mật. Được đồng nào đem về mua gạo ăn. Mong Nhà nước hỗ trợ cấp đất để gia đình phát triển sản xuất có thu nhập ổn định trang trải cuộc sống” - chị Rơn bộc bạch.

Chị Nguyễn Thị Thủy - Bản trưởng bản 3 - xã La Ngâu tâm tư: Vì không có đất để sản xuất nên đồng bào ở đây phần lớn phải lên rừng kiếm sống, có hộ làm thuê nhưng bấp bênh. Chị Thủy rất mong muốn địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và góp phần giải quyết công ăn việc làm mới cho đồng bào. Đặc biệt quan tâm đến các dự án có sử dụng nhiều lao động tại chỗ. Con em đồng bào dân tộc, diện chính sách và được đào tạo nghề. “Không có đất sản xuất. Nghề nghiệp không ổn định, rủ nhau đi làm thuê thời vụ bữa có bữa không, cuộc sống của bà con đồng bào ở đây thực sự nhọc nhằn lắm. Tôi mong muốn có một doanh nghiệp nào đó về địa phương đầu tư để tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương” - chị Thủy bày tỏ.

Bài toán chưa có lời giải!

Phó Chủ tịch UBND xã La Ngâu - Đặng Công Khanh cho biết:  Xã hiện có 3 bản, 1 thôn với 649 hộ dân, gần 3.000 nhân khẩu, trong đó có trên 80% là người K’ho, ngoài ra còn có Rắc lây, Nùng, Tày… Theo ông Khanh, do đặc thù là xã thuần ĐBDTTS nên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí của người dân còn thấp. Đa số hộ nghèo đều thiếu và không có đất sản xuất. Cánh đồng sản xuất phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, chưa có kênh mương thủy lợi dẫn đến năng suất thấp. Mỗi hộ có đông người ăn theo, nhà ở không đạt cả về diện tích và chất lượng. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh, giá cả phân bón, vật tư đẩy lên cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nhất là hộ nghèo. Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan do tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không tích lũy, thiếu quyết tâm thoát nghèo ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số cũng khiến cho việc thoát nghèo rất khó. Cùng với đó, việc lãng phí nguồn lao động cũng là lực cản để La Ngâu thực hiện thành công tiêu chí giảm nghèo.

Có thể thấy rõ, mặc dù những năm qua, La Ngâu đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên cơ sở hạ tầng được đầu tư như: điện, đường, trường, trạm. Cùng với đó, có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số như chính sách tín dụng ưu đãi, y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ nhà ở. Hay các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo…Tuy nhiên, bao năm qua, với xã La Ngâu, câu chuyện thoát nghèo vẫn là bài toán chưa có lời giải. Câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì, làm gì để thoát nghèo được chính quyền địa phương trăn trở dù đã có nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế. Lãnh đạo xã La Ngâu mong muốn các cấp, các ngành sớm xem xét giải quyết tình trạng thiếu đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chúng tôi chia tay La Ngâu vào một chiều muộn, đi trên quốc lộ 55 nhìn ra xa với nhiều cánh đồng khô cằn mà không khỏi xót xa. Miên man theo dòng suy nghĩ, mong sao những trăn trở, mong ước thoát nghèo của ĐBDTTS ở La Ngâu sẽ sớm trở thành hiện thực. Rồi mai này cánh đồng Tà Lũ sẽ phủ xanh một màu tươi mát của lúa, của bắp. Khi đó, đời sống bà con ĐBDTTS ở đây sẽ thôi vất vả…                                        

T.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Phóng sự, bút ký: