Theo dõi trên

Bình Thuận – Hành trình tới Điểm đến an toàn

22/03/2021, 08:51 - Lượt đọc: 2

Bài 2: 10 ca và 10 điểm

Bài 3: Du lịch cách ly, tại sao không?

BT- Đây là nhu cầu đã và đang rất nhiều lên hiện nay và theo hướng hình thành du lịch cách ly. Một kiểu du lịch nương theo dịch bệnh vốn dĩ chưa có gì đảm bảo chắc chắn là không còn dịch bệnh nên tương tự như phải sống chung với lũ.

Không để chậm lại phía sau

Trong xu hướng dịch Covid-19 đang dần chuyển êm, nhất là triển vọng vắc-xin có khả năng phủ rộng hướng đến miễn dịch cộng đồng thì hoạt động du lịch, nhất là đón khách quốc tế cũng bắt đầu quay lại. Những ngày đầu tháng 3/2021, các công ty du lịch lớn của Thái Lan đã phát động chiến dịch “Mở cửa Thái Lan an toàn”; Singapore cũng đã mở cửa dần cho khách hội nghị, cho phép các hội nghị lớn kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến; Indonesia công bố kế hoạch mở lại thiên đường du lịch Bali với “Hành lang không Covid”… Tất cả đã tạo ra sức ép lớn cho điểm đến Việt Nam, nếu mở cửa muộn. Trong 1 cuộc họp cách đây vài ngày, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết đang có kế hoạch nối lại mảng du lịch quốc tế theo hướng tính toán thận trọng với tiêu chí đầu tiên là an toàn. Và những khách được chào đón đầu tiên trong kế hoạch mở cửa trở lại ấy là khách đi theo tour trọn gói, có nhu cầu đến các khu nghỉ dưỡng biệt lập...

                
      
   Du lịch nghỉ dưỡng bên bờ biển (Thuận Quý,    Hàm Thuận Nam), hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Ngọc    Lân.

Với những phác thảo ban đầu ấy, vùng du lịch biển Bình Thuận được mệnh danh là thủ đô resort của cả nước sẽ là nơi được chú ý trong kế hoạch nối lại thị trường trên. Nhưng nếu các công ty du lịch tại tỉnh chậm chân trong chuẩn bị khởi động, kết nối thì sẽ mất cơ hội ấy, mất nguồn khách thích dịch chuyển đang háo hức quay trở lại sau một thời gian dài gắng chờ có vắc-xin Covid-19. Với khách sạn cách ly ở tỉnh đã có 2 điểm hoạt động từ giữa năm 2020. Còn với dán nhãn Điểm đến an toàn thì từ tháng 10/2020, thời điểm Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh ban hành Quyết định 2432 hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, đến nay thực hiện rất chậm. Đến tháng 1/2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 19 cơ sở du lịch có đơn đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đi kiểm tra kết quả họ thực hiện theo Quyết định 2432. Và đến nay, 19 cơ sở du lịch trên đã  đạt các tiêu chí để được dán nhãn Điểm đến an toàn.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau khi Quyết định 2432 được ban hành, sở đã gửi văn bản tuyên truyền đến tất cả các cơ sở kinh doanh du lịch vận động thực hiện để dán nhãn Điểm đến an toàn, nhằm tạo niềm tin cho du khách đến. Sau gần 5 tháng thì có chừng ấy cơ sở đề nghị. Trong xu hướng đang nóng lên chuyện đón khách trở lại, hy vọng sắp tới sẽ có nhiều cơ sở quan tâm thực hiện các tiêu chí theo Quyết định 2432 để dán nhãn Điểm đến an toàn.

Đó cũng là vấn đề khiến nhiều người quan tâm, khi tính ra cũng tròn năm, Bình Thuận đã kiểm soát dịch tốt, không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Đồng thời, ý thức của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong phòng chống dịch được nâng cao, thể hiện qua tuân thủ thông điệp 5K. Vì thế, thêm tất cả các cơ sở du lịch tuân thủ theo các yêu cầu của Quyết định 2432 để được dán nhãn Điểm đến an toàn thì sẽ tạo ra sự đồng bộ thống nhất. Từ đó, tất yếu sẽ tạo niềm tin cho du khách khi đến. Nhưng cái chính phải làm sớm để còn đón kịp làn sóng du khách đầu tiên, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Xu hướng du lịch mới

Trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam đã cho công dân tiêm vắc - xin Covid -19 theo hướng thăm dò hay phổ rộng nhưng dịch Covid-19 có nhiều biến chứng không thể dự đoán trước điều gì. Ở góc độ khác, tiêm vắc xin cũng chỉ tạm thời giảm sự lây lan chứ chưa thể triệt để. Vì hiện tại vẫn chưa có sự đảm bảo nào là ngăn chặn tuyệt đối dịch Covid-19, trong khi nhu cầu du lịch, làm ăn vẫn phải diễn ra theo dòng chảy phát triển. Theo dự đoán của một số doanh nghiệp du lịch, nếu thuận lợi sẽ xuất hiện mô hình du lịch mới, du lịch cách ly. Và tại Bình Thuận, nơi có dải bờ biển dài và đẹp, còn nguyên sơ, chưa bị ô nhiễm, với phát hiện từ các khách quốc tế rằng có hàm lượng canxi trong nước biển cao rất tốt cho nghỉ dưỡng. Thêm vào đó, khí hậu ôn hòa, không nóng quá mà cũng không lạnh quá, mức độ dao động giữa nóng và lạnh không quá chênh lệch trong ngày lẫn trong các tháng của năm nên rất tốt cho sức khỏe, nhất là người già.

Đó là lý do vì sao trong những năm trước, khi đường sá trở ngại nhưng khách năm châu vẫn tìm về Hàm Tiến – Mũi Né nghỉ dưỡng, rồi sau đó khám phá ra thêm Thuận Quý – Kê Gà… Và đó cũng là nguyên do, mấy năm gần đây, khi những dự án bất động sản mở ra tại Phan Thiết, Hàm Thuận Nam thì khách hàng mua không chỉ đến từ các tỉnh, thành khác trong nước mà còn có Việt kiều chọn Phan Thiết làm nơi nghỉ dưỡng tuổi già. Những ưu điểm ấy, nếu hòa vào cùng tính chất của du lịch cách ly mà như phác họa của chủ đầu tư khách sạn Sand Beach Mũi Né, đơn vị từng làm khách sạn cách ly, sẽ thấy đó là sự phối hợp rất hòa quyện.

Theo phân tích của chủ khách sạn Sand Beach ở Mũi Né –TP.Phan Thiết, du lịch cách ly, tức là khách sẽ không bị khống chế thời gian, không bị tù túng với 4 bức tường, nhưng được thoải mái với không gian thoáng mát và hít thở không khí gió biển giúp tốt cho sức khỏe. Thêm nữa, còn được phục vụ chăm sóc y tế mỗi ngày giúp giảm căng thẳng dịch bệnh, tạo tâm lý tốt, sức khỏe tốt, tăng sức đề kháng. Còn một số doanh nghiệp du lịch khác cho rằng nếu làm du lịch cách ly, điều đáng lo là nguồn nhân lực phục vụ, vì vẫn còn tâm lý là phục vụ bệnh nhân chứ không phải khách. Thế nhưng, điều đó cũng đã có 2 chủ khách sạn cách ly tại tỉnh đã làm rất tốt. Sand Beach là một ví dụ.  

Chủ khách sạn Sand Beach cho biết cách thuyết phục nhân viên vào thời gian ấy: “Chúng tôi kêu gọi nhân viên chung tay phòng chống dịch cùng với tỉnh, theo hướng thông qua nhấn mạnh chính sự hiểu biết của họ về dịch bệnh có tầm quan trọng lớn và quyết định đến công tác phòng chống dịch Covid -19 tại tỉnh thế nào. Chính sự đề cao tinh thần nhân viên như vậy mà trong quá trình triển khai thực hiện theo Quyết định 1246, từ quản lý đến nhân viên trong resort đều phối hợp nhịp nhàng và nhất là họ ý thức được người mà họ phục vụ là khách chứ không phải bệnh nhân. Vì thế, trong cảnh dịch bệnh, nhiều lao động du lịch mất việc nhưng lao động trong resort chỉ bị giảm ngày công làm và vẫn có thu nhập tạm ổn”.

Chính nền tảng đã có này, chủ đầu tư khách sạn Sand Beach nhận ra, vấn đề còn lại là phải truyền thông làm rõ để người dân hiểu khách khác với bệnh nhân. Đặc biệt là khơi mở nguồn khách từ các tỉnh khác muốn về Bình Thuận tự nguyện cách ly vốn bị ách tắc trong thời gian qua. Đây là nhu cầu đã và đang rất nhiều lên hiện nay và theo hướng hình thành du lịch cách ly. Một kiểu du lịch nương theo dịch bệnh vốn dĩ chưa có gì đảm bảo chắc chắn, tương tự như phải sống chung với lũ. Nhưng ở đây, với điều kiện tự nhiên, khí hậu nhiều thuận lợi góp phần làm giảm sự xâm nhập của virút corona, cộng thêm những nỗ lực của doanh nghiệp và cả cộng đồng trong phòng chống dịch thời gian qua sẽ đưa Bình Thuận tới Điểm đến an toàn.

    
  

  Để   dán nhãn Điểm đến an toàn, theo Quyết định 2432, các cơ sở du lịch phải:

    Phổ   biến, tuyên truyền cán bộ, nhân viên, khách du lịch… cài đặt   ứng dụng Bluezone; niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn,   phòng chống dịch Covid-19, đường dây nóng cơ sở y tế tại các   nơi theo quy định; bố trí nơi đón tiếp, cửa ra vào và lối đi   đảm bảo đúng giãn cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức   đo thân nhiệt đối với tất cả khách đến; bố trí bồn rửa tay   bằng nước sạch, xà phòng, giấy khô lau tay; vệ sinh, khử   trùng các khu vực...

BÍCH NGHỊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận – Hành trình tới Điểm đến an toàn