Theo dõi trên

Nơi ve rừng kêu, 3 tỉnh nghe

05/03/2021, 11:10

BT- Lần này, cuộc nói chuyện của ông Hai và tôi phải dừng lại, vì tiếng động vang vọng núi rừng cứ như còi báo cháy. Ông cười bảo: “Không, là ve rừng kêu đó!”.  Ôi, lần đầu tiên trong đời, tôi nghe tiếng kêu của loài vật nhỏ bé ấy rền vang kéo dài  1 - 2 phút. 

Con đường lạ lùng

Tai tôi ù đi. Chiếc xe 2 cầu khựng lại, tài xế trả số để lấy trớn lên chiếc dốc dài khác ở phía trước rồi ôm cua bên trái, bên phải… Thật bất ngờ, mới rẽ từ quốc lộ (QL) 20, tuyến đường chính nối Đà Lạt – TP. Hồ Chí Minh, tại khu phố 12, thị trấn Madaguy, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đây thôi. Cảm giác phố xá đang thênh thang còn đó, bỗng chốc chỉ qua 1 - 2 cây số đã mênh mang rừng núi hoang sơ, tới tấp dốc ngắn, dốc dài. Đi thêm khoảng 2 - 3 km nữa thì thấy nhà dân nhiều hơn. Đây thuộc thôn 11, của xã Đa Kai, huyện Đức Linh được thành lập từ tháng 9/2016. Thôn nằm cheo leo giữa sườn đồi nên có thể hiểu vì sao hành trình đi bị lắc xốc đến vậy, dù đường đi vào phần lớn đã được láng nhựa, chỉ có đoạn ngắn còn sỏi đỏ.

Thu hoạch mít ở thôn 11, xã Đa Kai. Ảnh: Ngọc Lân

Nhìn độ dốc, tôi bỗng nhớ câu chuyện của một người quen từng đến đây vào năm 2017, kể rằng đã thấy những chiếc xe của người dân thôn 11 có bánh xe đều quấn dây xích vòng quanh nhằm tạo độ ma sát để hạn chế trơn trợt khi chạy.  Một cách thích nghi đáng khâm phục! “Không chỉ thích nghi mà còn phải tìm cách thay đổi để cuộc sống tốt hơn chứ” - ông Mai Thanh Lâm, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 11 và cũng là người khai mở mô hình vừa trồng cây ăn trái, vừa nuôi cá tầm, tôm càng xanh có tiếng mấy năm qua ở đây, nói như thế. Ở tuổi 68, ông đã có quá nửa thời gian gắn bó nơi này nhưng khắc khoải nhất với ông là chuyện đường đi. Đường ở đây là đường dốc, do đi mãi mà thành nên vào mùa mưa, dốc nào dốc đó trơn như thoa mỡ. Những đoạn thấp thì bùn sình nhiều lên mỗi ngày hình thành “ổ voi”, “ổ trâu” rất nguy hiểm. Bao lần ông chứng kiến, bọn trẻ đi học từ trường bên Đồng Nai về với quần áo ướt sũng bùn đất, lóp ngóp bò lên dốc, rồi lại bị tuột xuống dốc… Những người lớn như ông cảm nhận sự thiệt thòi ấy quá lớn, vì có xa xăm gì cho cam, chỉ 5 - 6 km số thôi là ra QL20 thênh thang phố thị, thế mà như ở một thế giới khác.

Vốn từng đứng ra làm nhiều việc theo hướng “vác tù và hàng tổng” ngay từ buổi đầu sơ khai ở vùng giáp ranh này, nhưng khi tính chuyện làm con đường chính vào thôn, ông Lâm bỗng lúng túng. Dù dài chỉ 5,6 km nhưng lại thuộc địa phận quản lý của 3 tỉnh. Cụ thể, đoạn đầu ngã rẽ từ QL20 vào khoảng 2,2 km là thuộc thị trấn Madaguy, huyện Đạ Huoai - Lâm Đồng, tiếp đó 600m thuộc xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và đoạn còn lại đến Thác 3 tầng gần 3 km thuộc địa phận xã Đa Kai, Đức Linh, Bình Thuận. Nhưng vốn đã quyết tâm, cộng thêm trời không phụ lòng người, tháng 9/2016 khi nơi đây được thành lập thôn đặc biệt khó khăn thì huyện Đức Linh cũng xin chủ trương và năm 2017, gần 3 km ấy đã làm xong. Với 2 đoạn còn lại, ông Lâm lúc ấy cũng 65 tuổi lục đục qua Đồng Nai rồi lên Lâm Đồng xin làm. Bên Lâm Đồng thuận tiện hơn, vì có hộ dân ở nên từ lâu, đoạn đầu tuyến đường có xây dựng, do vậy chỉ tu sửa thêm. Lằng nhằng nhất là bên xã Phú Sơn – huyện Tân Phú (Đồng Nai) ban đầu không đồng ý, vì cho rằng không có dân ở. Nhưng sự thật là có dân qua xâm canh, mỗi hộ cũng đến 3 ha. Từ cách thuyết phục cộng thêm sự kiên trì của ông, chuyện làm 600m đường vào thôn 11 thuộc địa phận Đồng Nai cũng lên đến HĐND bên ấy và rồi được hỗ trợ kinh phí đột xuất với tỷ lệ 70%, 30% số tiền còn lại do dân thôn 11 đóng góp. Cuối cùng, vào đầu năm 2020, con đường chính dẫn vào thôn 11 cơ bản hoàn chỉnh. 

Thôn có ông Hai

“Giờ kể lại tưởng rất nhanh, rất thuận lợi nhưng khi ấy, nhọc nhằn lắm. Đồng Nai cho 70% kinh phí nhưng 30% kinh phí huy động từ nhân dân không dễ, khi tính ra, số tiền lên đến 300 triệu đồng. Dân trong thôn đều nghèo, hàng năm chỉ hy vọng vào mùa thu hoạch cây trái. Tính tới tính lui, không ra, trong khi đó, bên Đồng Nai có yêu cầu phải làm nhanh trong 3 tháng, chậm là mất vốn. Cuối cùng, đành liều lấy cát từ nơi gia đình đang cải tạo vùng đất vốn có dòng suối đang chảy  làm điểm du lịch ra góp vào làm đường. Đơn vị thi công cũng chịu phối hợp theo hướng như thế…” - ông Lâm nói. Cuộc nói chuyện của tôi và ông cứ bị đứt quãng, vì những cuộc điện thoại của dân báo chỗ này, chỗ kia trong thôn có  chuyện. Hình như họ gọi ông là ông Hai. Có vẻ như  dân vướng cái gì cũng tìm đến ông, ngay cả chuyện nhỏ như chứng minh nhân dân, khai tử… Ông vừa làm vì nhiệm vụ mặt trận của mình, lẫn vai trò HĐND xã của vợ và vừa giúp đỡ hộ dân, lo cho cái chung từ tấm lòng. Vì trước đây, khi nơi này chưa được gọi là gì, ngay cả đơn vị nhỏ nhất như xóm, tổ tự quản, ông đã tự đứng ra vận động các hộ dân cùng chung sức, chung tiền để xây dựng cho cuộc sống nơi núi rừng này bớt vất vả hơn. Nghe giọng miền Tây, đến từ Bến Tre của ông, tôi cảm nhận đó là tính cách khoáng đạt vì cộng đồng đã sẵn trong người. Chứ không vì lý do nào khác…

Ông Mai Thanh Lâm, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 11, xã Đa Kai, Đức Linh.

Có bao chuyện thể hiện rất rõ điều đó. Vào buổi ban đầu ở vùng giáp ranh này, ông dám bỏ ra 400 triệu đồng mua xe cuốc rồi xin ý kiến lãnh đạo xã Đa Kai, huyện Đức Linh huy động dân hiến đất, đóng góp kinh phí để mở rộng mặt đường hẹp, hạ độ cao ở những con dốc đứng và đổ bê tông xi măng những đoạn đường khó đi.  Sẵn đà, ông xới lên chuyện xóa cầu tạm, vì nơi đây có đến 13 khe suối lớn, nhỏ cắt ngang đường vào khu dân cư nên bà con bắc cầu tre sơ sài để đi và xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. “Đận ấy, tôi xuất tiền mua 13 cống chịu lực lớn nhỏ, cùng xi măng, cát đá, sắt thép huy động bà con làm các cầu cống bắt qua suối, nối liền các con đường vào thôn thành công. Người dân mừng lắm. Từ lúc nào không nhớ, tôi nghe bà con bỗng gọi mình là ông Hai”. Ông Lâm vừa dứt lời, lại có cuộc điện thoại, hình như về an ninh trật tự gì đó. Theo đà ấy, ông khoe: “Cô biết không, ở thôn giáp ranh này, cũng có internet rồi. Tôi vận động bên Lâm Đồng đầu tư trạm phát sóng vào cuối năm 2019 nên bây giờ điện thoại cho nhau thoải mái. Điện thì có từ năm 2017, tôi  vận động bà con lắp đặt luôn 70 bóng đèn đường và cả đèn từ năng lượng mặt trời trên đường chính lẫn đường xương cá. Mới đây, tôi lắp thêm 4 mắt camera an ninh, thêm đội dân phòng thôn có 15 người tuần tra canh gác cùng tổ tự quản nên dù là vùng giáp ranh nhưng ít xảy ra trộm cắp lắm!”.

Hồ nuôi cá tầm ở thôn 11, xã Đa Kai. Ảnh: Ngọc Lân

Nói không quá đó là kỳ tích, vì vùng giáp ranh của 3 tỉnh, vốn dĩ an ninh luôn phức tạp. Thêm nữa, trước đây nơi này thuộc khu vực 143, đất lâm trường từng xảy ra vụ phá rừng tai tiếng có tên Bao Ngạn. Những năm ấy, lâm tặc phá rừng bằng cách cưa 2/3 thân cây để gió thổi gãy thì vào lấy… Còn ông Hai đi trồng rừng, để bây giờ trong khu vực điểm du lịch Thác 3 tầng của ông có hàng trăm gốc sao, giá tỵ quý hiếm có thân lớn vừa vòng tay ôm… Lần này, cuộc nói chuyện của ông và tôi phải dừng lại, vì tiếng động vang vọng núi rừng cứ như còi báo cháy. Ông cười bảo: “Không, là ve rừng kêu đó!”.  Ôi, lần đầu tiên trong đời, tôi nghe tiếng kêu của loài vật nhỏ bé ấy rền vang kéo dài 1 - 2 phút. Như điệu nhạc của núi rừng tán thưởng những công sức của ông. Như hơn 100 hộ dân ở đây gọi ông cái tên trìu mến: ông Hai, vì chính ông giúp họ ổn định cuộc sống tốt hơn. Đó là lý do cuối năm 2020, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 - 2020…

Tiễn tôi ra cổng, ông Hai nói với tôi: “Vài tháng nữa, có sầu riêng gửi xuống Phan Thiết cô ăn”. Tôi nhận ra, cái tính quan tâm đến người khác của ông vẫn luôn tròn đầy như thế…

    
    Bây giờ ở   thôn 11, diện tích các loại cây ăn trái có giá trị  kinh tế cao như sầu   riêng, mít tố nữ, bơ, măng cụt… đã tăng nhiều, thay thế những vườn điều   già cỗi. Hứa hẹn tăng thu nhập ấy đưa thôn 11 theo kịp kế hoạch Đức Linh   được công nhận là huyện nông thôn mới trong năm nay.

Phóng sự: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nơi ve rừng kêu, 3 tỉnh nghe