Theo dõi trên

Vụ bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 ở Hà Nội: Đừng để trẻ em hiểu sai vấn đề

04/03/2021, 09:53 - Lượt đọc: 18

BTO- Những ngày qua mạng xã hội và báo chí không chỉ trong nước mà cả quốc tế đưa tin và xôn xao về vụ việc cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 của một chung cư cao tầng ở Hà Nội. Điển hình tờ báo Guardian của Anh, có bài viết tựa đề: “'Superhero' delivery driver catches toddler falling from 12th-floor balcony in Vietnam”, chia sẻ chuyện anh Nguyễn Ngọc Mạnh đỡ bé gái rơi từ tầng 12 và gọi anh là “siêu anh hùng”.

Vụ việc thu hút sự quan tâm của người lớn đã đành, mà trẻ em từ 8 – 10 tuổi, vốn có trí tưởng tượng phong phú cũng chú ý không kém. Mới đây, cậu bé chừng 9 tuổi con nhà hàng xóm đột nhiên hỏi tôi: “Cô ơi tầng 12 có cao không? có nhảy xuống được không ạ?” Tôi sửng sốt vì nghĩ cậu bé “ảo tưởng” và đáp lại với lời giải thích dứt khoát: “Không được! Con thử nhìn mái nhà của nhà con đi, cao có vài mét còn không nhảy được, huống chi tầng 12 rất cao. Sau lời giải thích, cậu bé kể: “Con thấy ở Hà Nội có em bé kia 3 tuổi nhảy từ tầng 12 xuống mà không chết.” “Hiểu sai rồi con! Em bé đó 3 tuổi chưa biết gì cả, “bò” ra khỏi ban công, có người phát hiện la lớn, lúc này có một chú lái xe nhanh trí leo lên mái nhà đón đầu,  đỡ em bé và cuối cùng cứu được”, tôi giải thích lại.

Qua lời kể của cậu bé, tôi tưởng cậu bé nghe loáng thoáng từ người lớn nói chuyện, nhưng khi hỏi lại, cậu bé đáp tỉnh queo: “Con xem video trên Tik Tok...”. Trên mạng xã hội và cả youtube có nhiều cảnh quay về sự việc, không thể không thu hút sự tò mò của trẻ em. Cậu bé kia không hiểu hết sự việc cứ tưởng em bé này nhảy từ tầng 12 xuống “giống như” siêu nhân mà các em đã xem trong phim.

Môi trường sống của trẻ em ngày nay khác xa thế hệ trước. Các em được trang bị đầy đủ, tiếp xúc sớm với những gì trên không gian mạng. Các trang mạng xã hội mà các bạn trẻ đang ưa dùng nhất, ngoài facebook, Zalo thì còn có Instagram và Tik Tok. Trong số đó Tik Tok đang được giới trẻ dùng nhiều hơn, trẻ em lứa tuổi teen, thậm chí là 8, 9 tuổi đang mày mò học theo và tìm hiểu. Bởi TikTok cho phép người dùng quay và chia sẻ các video, trong đó họ có thể diễn trò, hát nhép hay nhép miệng theo các đoạn hội thoại đang “hot”. Các bài hát và câu thoại có sẵn trong thư viện của TikTok, và ai cũng có thể thêm vào đó bài hát và đoạn âm thanh của mình. Theo một bài báo trên báo Tuổi trẻ có nhan đề “Tik Tok và những điều cha mẹ cần lo ngại”: Một người dùng TikTok chỉ có thể chọn giữ riêng các video của mình hoặc công khai cho tất cả những người khác cùng xem. Không có chế độ “chỉ có bạn bè” hay quy định đối tượng được xem. Đây vừa là cách để ai cũng có thể nổi tiếng trên TikTok, vừa là lỗ hổng cho các mối lo về an toàn, bảo mật thông tin của người dùng, nhất là khi TikTok thu hút người trẻ từ... tuổi tiểu học.

Vụ em bé 3 tuổi rơi và may mắn thoát chết là lời cảnh tỉnh cho người lớn ý thức bảo vệ con em khi ở các tòa nhà cao tầng. Trường hợp của em là hy hữu, nhưng cũng đang gây ngộ nhận trong “thế giới” trẻ em, khi không hiểu hết vấn đề. Từng có những câu chuyện đau lòng trẻ em chết vì xem phim ảnh, nhất là xem loại phim truyện siêu nhân và học làm theo. Gia đình cần quan tâm đến con em mình hơn, nhất là kiểm soát việc xem phim và chơi game trên mạng qua thiết bị di động.

Ninh Chinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 ở Hà Nội: Đừng để trẻ em hiểu sai vấn đề