Theo dõi trên

Những mãnh đời… “xuyên” tết

17/02/2021, 18:31

BTO- Ngày mai, đường hoa Xuân Nguyễn Tất Thành (TP.Phan Thiết) chính thức đóng cửa. Những ngày qua, đường hoa đã thu hút không biết bao nhiêu lượt du khách. Mừng vì trong điều kiện khó khăn ấy, có nơi để người dân có được điểm vui chơi. Và chính trên đường hoa này, có những con người xa quê đã kết nhặt lao động, để mưu cầu bình yên. Nắng đổ lửa, mặc dòng người qua lại, mặc mồ hôi, họ vẫn nở nụ cười để gồng gánh sinh kế cho gia đình. Họ đã đi qua tết…

                
      Bán nước giải khát mưu sinh.

Theo con xa nhà

2 giờ chiều, như mọi ngày, kể từ lúc đường hoa mở ra, ông Nguyễn Hay (Tây Sơn, Bình Định) với chiếc xe đạp cũ, tạm dựng nơi bóng mát để treo vội những món hàng: băng đô cài đầu điện tử cho các bé gái, đồ chơi, bong bóng được tạo với nhiều hình thù ngộ nghĩnh bắt mắt, chuẩn bị cho buổi chiều đến tận đêm khuya.

“Năm nay,  lần đầu tiên bán ở Phan Thiết vì có đường hoa, thường là đi theo các con tôi – 3 đứa. Đứa bán kem, đứa bán bong bóng, tui thì bán đủ hết. Tết là đi, đi khắp hết, mình khổ mà còn làm được cứ đi. Tết thì bà xã ở nhà trông nhà”. Ông Hay đã 65 tuổi, nhưng chưa năm nào ông không theo các con buôn bán. Bán xong ông lại về quê, làm ruộng. Chẳng giấu gì chuyện buôn bán, ông nói: “Hôm nào bán được cũng kiếm được từ 1 triệu –  1,5 triệu đồng, lấy công và chịu khó một chút mà vui con”.

Mấy cha con thuê một căn phòng giá rẻ, cho đỡ việc chi tiêu và dành dụm ít tiền mang về. “Chưa bao giờ tết chú ở nhà hết, có năm tận TP. Hồ Chí Minh, có năm Cần Thơ, Gia Lai, thậm chí Sơn La, vì nhà sui gia ở đó, nên họ cũng giúp đỡ tá túc”.

                
      Người đàn ông từ Bình Định theo chân các con mưu sinh dịp tết.

Nụ cười hiền lành đó, ẩn hiện sau chiếc khẩu trang, nhưng nó dấy lên niềm hạnh phúc khi được mưu sinh trong yên lành. Những món hàng ông bán giá trị cũng không cao nên dễ bán. Cao nhất cũng 50.000 đồng, thấp nhất 15.000 đồng.

Các con trai ông mỗi người một xe, trước cổng đường hoa, hay thùng kem trên chiếc xe máy cũ. Gia đình nhỏ bé bao bọc nhau, trong mấy ngày xuân. “Vì hoàn cảnh nghèo, nên cũng xin mấy chú cho đứng nép bên lề đường bán, chủ yếu cho mấy cháu nhỏ vui thôi. Thấy thương nên mấy chú lực lượng cũng giúp đỡ” – ông Hay cho biết.

Phía trên khúc sân của Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đôi vợ chồng trẻ với xe cá viên chiên bắt đầu bật bếp. Người chồng đẩy xe, người vợ bế con và phụ sắp xếp các nguyên liệu, đứa nhỏ xà xuống cũng chạy vào đường hoa để chơi.

Áp lực cuộc sống khiến người ta cứ bất chấp mưa nắng, chẳng có lấy một cây dù che tạm, mồ hôi cứ theo sự oi bức túa ướt cả chiếc áo sơ mi sờn vai. “Mấy năm nay vợ chồng em cũng không về quê được, làm ăn khó lắm. Cứ ráng thôi, đủ chi tiêu là được, do có đường hoa nên vợ chồng tập trung bán ở đây, chứ ngày thường tụi em bán khắp nơi” – Anh Tịnh cho biết.

 Xe cá viên chiên của anh ngày thường cũng rong ruổi, khi là bãi tắm Đồi Dương, khi là bãi Thương Chánh, khi ở những công viên. Cuộc sống vui buồn từ những cây xuyên que, hun đúc cho một niềm vui của gia đình.

Điều kiện mình, vậy mà…

Chỉnh chu hơn các xe bán rong, khuôn viên đường hoa cũng có 5 - 7 nhà vòm bán nước giải khát, trái cây sinh tố. Số lượng không nhiều nên lúc nào cũng đông khách. Đi dạo mệt họ nghỉ chân uống nước. Các quán này, phải thuê mới được bán, vì chiếm diện tích lớn. “Dạ bán cũng được, vì ít ai thuê bán nên mấy ngày qua em bán cũng chạy hàng. Bình thường em cũng xin bán tạm trước mấy cơ quan, nhưng tết thì người ta quy định vậy, kiếm sống phải chấp nhận thôi. Cũng có người thuê nhưng kham không nổi phải bỏ”.

                
      Vài gian hàng giải khát hiếm hoi đủ điều kiện thuê mặt bằng.

Chị bé Hai ở trong hoàn cảnh như thế, thường ngày với cái xe giải khát, thuốc lá ngay trạm xe buýt cạnh siêu thị Coop Mart. Chị buôn bán được. Hy vọng càng thêm hy vọng khi hay tin có đường hoa. Nhưng để có được chỗ bán chị phải thuê 3 triệuđồng cho 10 ngày. Nhưng 2 ngày trôi qua bán không được, chị đành phải ngậm ngùi đưa về phía đường Tuyên Quang nơi cổng ra vào, xí đại trên vỉa hè cầu may.

Người phụ nữ 53 tuổi nhưng gầy sọc và đen sạm. “Chị biết tết là gì đâu, suốt ngày buôn bán đến tận khuya, kiếm tiền gạo cá hàng ngày” – chị nói. Hành trình mỗi ngày của chị cứ lặp đi lặp lại như vòng tròn của số phận. Sáng đẩy xe từ phường Hưng Long, đến khi những chiếc xe đưa rước nhân viên, hay xe buýt cuối cùng đổ trả khách, chị lại hì hục đẩy xe về.

Cái nón nhỏ không thể che phần khuôn mặt, vốn đã hư tổn vì thời tiết, ấy vậy mà vẫn cứ nhìn về phía trước. “Điều kiện mình vậy mà, chỉ mong đủ ăn cho con cái là vui, chứ giàu có gì tầm này”- rồi chị cười sang sảng, khi có một bạn tới mua chai nước khoáng vội vàng.

Có một điều đặc biệt, nghèo khó đối với những con người như vậy đã không còn là trở ngại. Họ quen với những ngày ế ẩm, họ cũng quen với những đợt có chiến dịch... sắp xếp trật tự. Đâu đó, nỗi niềm không được thốt ra từ lời nói, nó chất chứa ở ánh mắt, ở những vết chai sần trên đôi tay hay gò má.

 Họ cũng chẳng kêu ai, mà tự vỗ về mình, bởi những chuyến hành trình chỉ đủ tiền xe về với gia đình. “Có lần chú lên bán ở Tây Nguyên, lễ hội gì đó, bán ế quá, chỉ đủ tiền xe về nhà”- Chú Hay bộc bạch. Câu nói ấy, nụ cười ấy và hành trình của người đàn ông đã ở tuổi “thất thập”, chất chứa cả niềm vui và một nỗi buồn, vì đã lựa chọn chuyến đi xuyên tết.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những mãnh đời… “xuyên” tết