Theo dõi trên

Gìn giữ nghề làm bánh cốm tết

27/01/2021, 11:29

BTO- Đối với người Việt Nam thì bánh mứt là những thứ không thể thiếu được trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Gia đình chị Thái Thị Kim Phương ở khu phố 5, phường phước Hội đã gìn giữ nghề làm bánh cốm tết hơn 50 năm.

Theo chị Phương chia sẻ thì gia đình chị đã gìn giữ nghề làm bánh cốm tết đã 4 thế hệ. Đầu tiên là bà ngoại chị, rồi đến mẹ chị, đến chị, rồi bây giờ là cháu chị. Mỗi năm, vào dịp Tết đến Xuân về, cả gia đình chị quay quần bên nhau để làm ra những chiếc bánh cốm truyền thống thơm ngon, hấp dẫn. Và còn gì ý nghĩa hơn, khi cuộc sống gia đình đã tương đối đủ đầy, Tết năm nay gia đình chị Phương quyết định dùng toàn bộ số tiền lãi bán bánh Cốm và cá loại mứt để làm từ thiện. Đến thăm gia đình chị Phương vào những ngày này, chúng tôi cảm nhận không khí vui tươi, ấm cúng, các thành viên trong gia đình đang tất bật để làm ra những mẻ bánh, mứt thật ngon để phục vụ nhu cầu thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021.

Có thể nói càng ngày thì thị trường xuất hiện càng nhiều loại bánh mứt, phong phú và đa dạng. Ngày nay, khi Tết về, biết bao loại bánh kẹo được bày bán, thế nhưng bánh cốm (bánh nổ) truyền thống vẫn có riêng một vị trí trong lòng người dân thị xã La Gi nói riêng và cả nước nói chung, nó như một món ăn đậm đà hương vị Tết  đối với những ai đã từng thưởng thức, chính vì thế chỉ khi có bánh cốm ta mới cảm nhận hết cái dư vị nồng nàn của ngày Xuân, bánh cốm luôn hiện hữu, không thể thiếu trong dịp Tết, để cúng ông bà, tổ tiên hoặc để chiêu đãi khách khứa mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Và làm bánh cốm theo cách cổ truyền thì ngày Xuân sẽ lại trở nên giàu ý vị hơn. Được chứng kiến cảnh mọi người quay quần làm bánh cốm, ta có cảm giác không khí Tết đã dần len lỏi khắp các ngôi nhà, ngõ phố, làm cho lòng người nao nao đến lạ thường!... Ngày Tết mà được thưởng thức một miếng bánh cốm thì không gì tuyệt vời bằng. Mùi thơm của nếp rang, kết hợp cùng vị ngọt ngào của đường cát, hòa quyện với một chút chua chua của dứa, một chút cay nồng của gừng. Tất cả hương vị ấy đã tạo nên một món bánh đậm đà, thấm đậm hồn quê. Ấy thế mà để làm ra được loại bánh cốm thơm ngon đặc biệt thì không hề dễ dàng, mà đòi hỏi người làm phải tuân thủ, đảm bảo thời gian của nhiều công đoạn... Đến thăm các cơ sở làm bánh cốm tết trong dịp này, chúng tôi càng nhận thấy rõ hơn về điều này.

Theo chị Thái Thị Kim Phương – chủ cơ sở sản xuất bánh cốm Dung Hạnh ở khu phố 5, phường Phước Hội thì bánh cốm muốn ngon trước tiên là phải chọn nguyên liệu  thật kỹ lưỡng. Việc đầu tiên là phải lựa chọn nếp bầu thật ngon. Bí quyết thứ hai là khâu “xênh đường”. Đường cát trắng được đun sôi nhỏ lửa, xênh cùng với thơm và gừng trong một thời gian khá lâu để nước đường keo lại khiến ai đứng gần đều cảm nhận được mùi thơm ngọt ngào, khó cưỡng.

Khâu đóng bánh, tức cho bánh vào khuôn tuy đơn giản hơn những khâu khác nhưng cũng phải được chú trọng, chiếc bánh có đẹp, sắc sảo vuông vức hay không là người đóng bánh cũng phải có nhiều kinh nghiệm.

 

Có thể nói, món bánh cốm truyền thống là một món bánh dân giã, mộc mạc nhưng lại nồng nàn hương vị Xuân. Không có bánh cốm thì ngày Xuân sẽ giảm dần đi cái hồn của những nét truyền thống. Chính vì vậy với 50 năm làm nghề làm bánh cốm, cơ sở sản xuất bánh cốm của gia đình chị Phương cố gắng duy trì và gìn giữ cái nghề truyền thống này, để bánh cốm luôn là món bánh không thể thiếu được trong mỗi độ Tết đến Xuân về. Ngoài bánh cốm thì gia đình chị Phương còn làm thêm mứt me, mứt dừa, mứt mãng cầu... Đây là những loại mứt khá được ưa chuộng trong những ngày Tết cổ truyền. Và món bánh cốm của gia đình chị Phương đã và đang duy trì, gìn giữ trong suốt nửa thập kỷ qua, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng là một trong những đặc sản không thể thiếu vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Rạng Đông



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gìn giữ nghề làm bánh cốm tết