Theo dõi trên

Có một Vịnh Hạ Long giữa cao nguyên lộng gió

27/01/2021, 09:41 - Lượt đọc: 312

BTO- Giữa không gian bao la của đất trời Tây Nguyên, Tà Đùng như một bức tranh thủy mặc khổng lồ giữa bạt ngàn rừng núi nguyên sinh hùng vĩ. Thầm cảm ơn đất trời và tạo hóa đã kiến tạo ra một “Vịnh Hạ Long” thứ hai của nước Việt để hàng ngàn du khách đến đây thơ thẩn trước vẻ đẹp lạ kỳ, và ai cũng hẹn một ngày không xa sẽ quay trở lại.

                              
      Thành phố Gia Nghĩa - đểm xuất phát đi Tà Đùng.
   
      Đến Tà Đùng đi qua nhiều núi đồi nguyên sinh

 Thiên đường xanh giữa lòng hạ giới

Những ngày cuối cùng của năm cũ, trời Đắk Nông nắng vàng như rót mật, song cũng không làm cho thời tiết nóng lên. Ngược lại, cái se se lạnh của núi rừng cao nguyên càng tăng thêm “sức hút” của chúng tôi- những người “ăn đường, ngủ rừng” mỗi lần đi “phượt” để “cho ra lò” những tấm ảnh đẹp nhất về thiên nhiên nguyên sinh giữa núi rừng kỳ vĩ.Lần “phượt” này, tôi quyết định đến Tà Đùng để “tác nghiệp” theo thúc giục của trái tim với tư cách là “nghệ sĩ nhiếp ảnh báo chí”.

                
   
      Tà Đùng- điểm check in khách thập phương.

Sau chặng đường gần 50 km “lượn” nhiều khúc “cua”, “nghẹo” giữa núi rừng Đắk Nông, Tà Đùng hiện ra trước mắt  tôi sau một đoạn đường dài phẳng nhỏ. Tôi bắt đầu khám phá Tà Đùng bằng đưa ống kính “chộp” “con đường hoa tím tình yêu”. Đây là con đường trải đá phủ kín hoa màu tím. Trên đầu là hàng trăm trái tim đan kết vào nhau bởi những dây leo hoa tím.

                
   
      Con đường hoa tím tình yêu.

Anh Phan Văn Cử- người “sành sỏi” về Tà Đùng sinh sống ở Đắk Nông ngót 30 mùa xuân bảo: “Trước khi chiêm ngưỡng hồ Tà Đùng, phải đi qua con đường hoa tím tình yêu này. Nó vừa là khung cảnh đẹp, vừa có ý nghĩa kết nối hàng ngàn vạn trái tim người Việt và người ngoại quốc đến với rừng núi nguyên sinh này. Vì sao Tà Đùng lại níu chân du khách, bởi đây là địa điểm có khí hậu trong lành, cây rừng nguyên sinh và không bao giờ bị ô nhiễm môi trường hoặc có tiếng ồn ào như ngoài đường phố”.

                
   
      Hồ Tà Đùng nhìn từ “cổng trời”.

Bị vẻ đẹp hùng vĩ thiên nhiên “hớp hồn”, tôi chạy lên những bậc thang làm bằng kính, ra đầu cầu giữa không trung phóng mắt về phía xa. Hàng trăm đảo nhỏ ẩn mình dưới thung lũng khổng lồ xanh biếc chẳng khác gì Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Anh Cử bảo: “Đừng bối rối như vậy, cứ từ từ chiêm ngưỡng. Hồ Tà Đùng được coi là Vịnh Hạ Long thứ hai của nước Việt. Chỉ khác nó không phải ở Quảng Ninh, mà ở giữa cao nguyên lộng gió. Chính nó đã tạo nên sức hút lạ kỳ. Dân “phượt” miền Đông Nam bộ chẳng ai không một lần đến đây khi đi cao nguyên. Nói các khác, Tà Đùng có nét đẹp hoang sơ nhưng kỳ vĩ. Khách thập phương tới đây ngoài ngắm cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, còn đến để tìm sự yên bình tĩnh lặng đến mê hồn. Tất cả khung cảnh đều nguyên sơ đến hơn 90%. Mùa mưa, Hồ Tà Đùng ngập nước, mùa khô Hồ Tà Đùng hiện lên những “con rãnh xanh” như những ngọn núi khổng lồ dưới thung lũng khổng lồ”.

                
   
      Cây cầu kính- cung bậc của cảm xúc.

 Sau khi “chộp” những tấm ảnh từ đỉnh cao nhất của Tà Đùng, tôi quyết định làm “người lái đò” giữa lòng hồ huyền thoại. Một chiếc thuyền nhỏ, một bai chèo. Thuyền lướt đi dưới màn sương lạnh toát giữa tiếng kêu của chim muông vọng ra từ những vạt rừng.

Người hướng dẫn viên bảo: Tà Đùng là điểm du lịch khá hấp dẫn và luôn “hút” khách từ mọi miền. Ngồi dưới thuyền, ai cũng có cảm nhận như đi lạc giữa thung lũng huyền thoại nào đó mà chỉ có trong truyền thuyết thủa hồng hoang. Có người đến đây ví Tà Đùng như một thiên đường giữa lòng hạ giới.

                
   
      Tà Đùng mờ sương buổi sớm.

 Truyền thuyết Tà Đùng

 Hồ Tà Đùng có nguồn gốc truyền thuyết từ xa xưa từ câu chuyện tình lãng mạn. Ngày ấy, Tà Đùng là vùng đất hoang sơ núi rừng bao bọc vây quanh. Người dân bản xứ nơi này là người Châu Mạ sống trên đỉnh núi. Trong cộng đồng người Châu Mạ ấy có một người con gái đẹp nết đẹp người tên H’Bung.H’Bung là con gái một gia đình giàu sang nhưng rất siêng năng nên nhiều trai làng yêu mến, theo đuổi. Nhưng nàng chỉ ưng chàng K’Jang có sức khỏe phi phàm-một chàng trai nghèo cùng bản.

Để cưới được H’Bung, K’Jang phải chuẩn bị tiền của làm của hồi môn, vì thế chàng ngày đêm việc rất chăm chỉ. Một ngày nọ, Jong’Kjang (một tù trưởng hùng mạnh bên dãy núi Nâm Nung) đã đến Tà Đùng rong chơi và “đắm đuối” H’Bung. Vì quá say mê nhan sắc của nàng H’Bung, một chiều cuối thu,tù trưởng Jong’Kjang ngỏ lời làm quen, nhưng bị H’Bung chối từ. Bực tức, Jong’Kjang phá hết những vòi nước 3 nhánh nơi mà nàng H’Bung hay tắm mỗi ngày. 

                
   
      Tà Đùng nhìn cận cảnh từ đỉnh núi.

Không cưới được H’Bung, tù trưởng Jong’Kjang đã nhiều lần phục kích, và cuối cùng bắt được H’Bung về làm vợ, sống ở núi Nâm Nung, sinh được 3 người con trai. Những ngày tháng bị bắt làm vợ, H’Bung buồn bã nói với con: “Đất mình đang ở là đất của người ta, nước mình đang uống là nước của người ta”, rồi chỉ về hướng núi Tà Đùng nói: “Đất, nước kia mới là của mình”. Jong’Kjang biết chuyện trách mắng, H’Bung giận dỗi tìm cơ hội đưa con trốn về núi Tà Đùng.

                
   
      Nhà hàng Tà Đùng- phong cách Tây nguyên.

Vợ bỏ đi, tù trưởng Jong’Kjang mang quân đến phá làng, chặt cây, giết hại muông thú, đạp bằng ngọn núi Tà Đùng. Chàng trai K’Jang xưa kia đem lòng yêu H’Bung nhưng không lấy được, đã dùng sức khỏe của mình chống đỡ, ôm chặt không cho ngọn núi bị đổ. Những ngon núi bị tù trưởng Jong’Kjang đạp đổ rơi xống lòng hồ thành những ngọn núi nhỏ. Ngọn núi bị bàn tayK’Jang ngăn lại bỗng dưng lớn dậy thành ngọn núi khổng lồ. Ngọn núi ấy mang tên Khéckhal - dấu tích câu chuyện tình xưa kia truyền lại còn cho đến ngày nay.

                
   
      Những “ngôi nhà tình yêu” trên sườn đồi.

 Điểm chech-in xanh

Được coi là “nóc nhà” của Đắk Nông, Tà Đùng nằm cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa gần 50km, nơi đây được công nhận là khu bảo tồn quốc gia Đắk P’lao và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Với diện tích toàn khu rộng 22.103ha, đỉnh Tà Đùng nằm ở độ cao 1.982m so với mực nước biển. Nhìn từ trên cao hồ Tà Đùng như một kỳ quan thiên nhiên.

                
   
      Khung cảnh hữu tình Tà Đùng nhìn từ “ô cỏ thiên nhiên”.

Thấy được tiềm năng phát triển kinh tế làm giàu cho người dân, gần 10 năm qua, UBND xã Đắc Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đăk Nông đã cho đầu tư xây dựng  Tà Đùng thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng xanh để “hút” khách thập phương. Những ngôi nhà tình yêu, những vườn hoa đủ sắc mầu được dựng, trồng đan xen trên những vạt đồi tít tắp. Để có chỗ do du khách tham quan, du lịch, ngắm Tà Đùng từ đỉnh núi, Công ty THHH Tà Đùng đã làm cây cầu kính trong suốt vươn giữa không trung tầm cao để khách chụp ảnh lưu niệm, hoặc ngắm Tà Đùng từ đỉnh núi. Cầu thang kính này còn là “cung bậc cảm xúc” của những nam thanh nữ tú đặt chân lên nó giữa đất trời cao nguyên lộng gió.

                
   
      Một góc Tà Đùng do Công ty THHH Tà Đùng tạo dựng.

Xưa kia Tà Đùng là rừng núi hoang sơ, giờ Tà Đùng điểm du lịch xanh hấp dẫn được khách thập phương check in làm điêm hẹn tình yêu và ngắm cảnh Tà Đùng giữa mây trời đất Việt.

                              
   
      Cà phê Tà Đùng đậm sắc thái cao nguyên.
   
      Tà Đùng- điểm đến giữa núi rừng cao nguyên lộng gió.

Mai Thắng (Thực hiện từ Tà Đùng)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có một Vịnh Hạ Long giữa cao nguyên lộng gió