Theo dõi trên

Trang phục vua Chăm - tác phẩm nghệ thuật đặc sắc

15/01/2021, 08:33

BT - Một trong những thành phần làm nên giá trị lịch sử văn hóa và nghệ thuật của Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm đang lưu giữ tại làng Tịnh Mỹ (tên Chăm là Palei Canar) xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình chính là sưu tập trang phục của các vị vua Chăm ở thế kỷ 17.  

         

Vài nét về sưu tập trang phục vua Chăm

Lịch sử hình thành, phát triển và tan rã của vương quốc Chămpa qua hơn 100 năm với khoảng 10 triều đại và trên 90 đời vua nối tiếp nhau trị vì. Do phải di dời thủ đô Chămpa đi nhiều nơi, trong các khoảng không gian và thời gian khác nhau, nên hầu như không lưu lại cho hậu thế được gì đáng kể về trang phục cung đình qua các thời kỳ lịch sử. Vì vậy, về sau này khi khảo cứu trang phục cung đình để phục dựng lại hoặc phục vụ cho các điệu múa Chăm, các nhà thiết kế, họa sĩ, nghệ sĩ phải dựa rất nhiều vào trang phục được mô tả trên các bức họa, tượng, phù điêu… trang trí nghệ thuật ở các đền tháp hay trong đền thờ các vị vua Chăm để hình thành nên những tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ và trang phục múa cung đình hay múa dân gian Chăm.

Trong số này phải kể đến nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đặng Hùng. Hơn 30 năm trước, khi còn công tác ở Đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải. Ông đã dành nhiều thời gian đi khắp miền Trung để nghiên cứu về nghệ thuật múa Chăm; bỏ công sức để nghiền ngẫm các pho tượng cổ và phù điêu trên những đền tháp Chăm ở Mỹ Sơn, Bình Định, Khánh Hòa, Phan Rang… rồi đến các làng Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận để hỏi chuyện người già và trực tiếp xem về múa quạt, múa lễ để hình dung ra các điệu múa dân gian và múa cung đình huyền bí Chămpa xa xưa.

Thời kỳ đó, ngoài những bộ trang phục đang lưu giữ ở nhà bà Nguyễn Thị Thềm làng Tịnh Mỹ thì không còn nơi nào khác. Khổ nỗi đa phần ở sưu tập này là y phục của các vị vua chúa và hoàng tộc, không có trang phục của nghệ sĩ múa cung đình hay của các vị thần. Hơn nữa, những năm 90 của thế kỷ trước thì việc tiếp cận Bộ sưu tập di sản hoàng tộc vô cùng khó khăn, không phải ai cũng vào xem được. Do vậy, dựa vào điêu khắc Chăm ở nơi này, nơi khác, NSND Đặng Hùng đã phục hồi được các điệu múa cung đình. Vận dụng những tư liệu thu thập được bằng thực tế trên các pho tượng đá, phù điêu từ thế kỷ 8 – 11 và lời kể của những già làng hiểu biết hay các nghệ sĩ dân gian từng nhiều năm hát, múa trong các lễ hội của làng xã… và quan trọng hơn là bằng sự tiếp nhận, sáng tạo riêng cộng với năng khiếu của ông. Từ đó NSND Đặng Hùng cho ra đời hàng loạt tác phẩm múa, như tác phẩm múa Khát vọng của ông đã gây được tiếng vang lớn. Sau đó nhiều điệu múa đặc sắc khác như: Vũ nữ Trà Kiệu, Shiva, Được mùa, Lên tháp lần lượt ra đời để phục vụ công chúng. 

         

Trở lại sưu tập trang phục vua Chăm

Tuy Bộ sưu tập di sản có từ đầu thế kỷ 17, nhưng do việc di dời đi nhiều nơi để bảo quản và luôn phải bí mật. Mặt khác là do tâm linh với việc không cho người ngoài xem những di vật xưa của hoàng tộc, cũng là cách đề phòng tai mắt của kẻ gian. Do vậy thông tin về bộ sưu tập ít lọt ra bên ngoài. Ngay trong một số tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học Pháp vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi nói về văn hóa Chăm chủ yếu là nói về lịch sử văn hóa chung và các công trình kiến trúc cổ. Vì vậy, sưu tập trang phục đang lưu giữ tại làng Tịnh Mỹ rất có giá trị cho việc nghiên cứu để bảo tồn và phục vụ tham quan du lịch.

Bộ sưu tập di sản là duy nhất còn lại của các vương triều cuối trước lúc tan rã, nên độ quý hiếm và các giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật may thêu, dệt và cả nghề kim hoàn chạm trổ được nâng lên với giá trị thực của nó; cùng với những di vật khác trong bộ sưu tập thì trang phục trong cung của hoàng hậu, công chúa Chăm là những báu vật quý hiếm còn lưu lại cho đến ngày nay. Nếu không có những thứ đó, chúng ta sẽ khó hình dung ra trang phục trong chốn cung đình như thế nào. Cũng do có niên đại quá lâu như vậy nên một số đồ vật trong sưu tập trang phục đã bị mục nát và hư hỏng, dòng tộc hậu duệ vua Chăm hiện nay không đủ điều kiện về kinh tế và kỹ thuật để bảo quản tốt hơn. Nhận thấy đây là nguồn tư liệu khá đặc biệt, có giá trị ở nhiều phương diện và để giải quyết cùng lúc nhiều việc như làm rõ giá trị của bộ sưu tập, phân loại để lưu giữ theo phương án bảo quản cổ vật của bảo tàng; hình thành kho mở, vừa tạo độ thông thoáng cho các loại di vật để bảo quản tốt hơn vừa tạo điều kiện cho nhân dân và du khách tham quan.

Năm 1992 việc khảo cứu để lập hồ sơ khoa học về bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm và đền thờ vua Pô Klong Mơh Nai do Sở Văn hóa Thông tin thực hiện. Tất cả các hiện vật đều phải được kiểm đếm, thống kê, bao gồm trang phục vua, hoàng hậu, công chúa và hoàng tử, nhiều đai thắt lưng, bộ khăn choàng và một số đôi hài... Mặc dù đã thất lạc khá nhiều nhưng tất cả di vật trong sưu tập được phân loại, như trang phục của vua Pô Klong Mơh Nai mặc trong các nghi lễ đại triều hay thường triều; trang phục nghi lễ hay thường phục của các bà hoàng mà nhiều nhất là của hoàng hậu Pô Bia Sơm; trang phục của hoàng tử, hoàng nữ có kích thước nhỏ hơn với những tên gọi khác nhau.

Điều đặc biệt là từ vải vóc, chỉ thêu, hoa văn, kiểu cách thì chỉ có trong sưu tập ở cung đình, bên ngoài xã hội tuyệt nhiên không có từ xưa cho đến nay. Do sự quý hiếm về chất liệu vải vóc (nhiều loại vải nhập khẩu ở nước ngoài) và quy định của các vương triều, còn có cả sự cấm kỵ người dân không được sử dụng. Mỗi một cổ vật trong bộ sưu tập được chắt lọc, lưu giữ gần 400 năm qua nên đều mang dấu ấn lịch sử nhất định của vương triều Chăm thời kỳ này. Tất cả bộ sưu tập lần lượt được nghiên cứu, ghi chép đầy đủ và lưu lại một cách khoa học. Năm 1993, Bộ sưu tập di sản và đền thờ vua Chăm Pô Klong Mơh Nai đượcnhà nước xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật quốc gia vì những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của nó.

Mỗi bộ trang phục của vua, hoàng hậu, hoàng tử, hoàng nữ đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, một sự hòa điệu giữa vải, chất liệu vải, gấm vóc và màu sắc cũng như là đường kim mũi chỉ, nét thêu đều thể hiện tính chất đặc trưng dành cho hoàng tộc; ẩn chứa bên trong là cả một chiều sâu văn hóa lịch sử của một số triều đại xưa. Đó là sự kết hợp của nghệ thuật may thêu, hội họa cộng với tài nghệ của người thợ đã tạo nên một tuyệt tác nghệ thuật mang tính thẩm mỹ của các bậc tiền nhân. Tuy số lượng và chủng loại còn lại không nhiều, nhưng những trang phục này là cơ sở thực tiễn quan trọng để nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách chân xác, khoa học trong đời sống đương đại.

Cùng với thời gian, tuổi đời của sưu tập trang phục ngày càng nhiều thêm, các chất liệu dùng chế tác cũng đã quá niên hạn sử dụng từ lâu. Có những loại áo bào của vua đã mục nát, chỉ còn lại phần ngực, hai tay áo và chỉ thêu hoa văn. Những di vật còn lại dù tuổi tác đã quá cao nhưng vẫn được treo trong tủ kính để phục vụ du khách tham quan và nghiên cứu. Việc phục dựng cũng đã được tiến hành hơn 10 năm trước nhưng cũng chỉ được một vài món để trưng bày. Do chỉ thêu và các loại vải xưa không còn, thợ may, thêu cũng hiếm dần và khó khăn nhất là kinh phí. Vì thế, những người trong dòng tộc hậu duệ vua Chăm ở làng Tịnh Mỹ có trách nhiệm trông nom, bảo quản mong được các cơ quan chức năng củanhà nước quan tâm đến việc bảo quản, lưu giữ và phục chế lại những trang phục đang bị mục nát để Bộ sưu tập di sản quý hiếm, tiếp tục được làm nhiệm vụ của mình là phát huy tác dụng phục vụ du lịch.     

NguyỄn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trang phục vua Chăm - tác phẩm nghệ thuật đặc sắc