Theo dõi trên

Bình Thuận hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển

13/01/2021, 09:12

BT- Với những dấu ấn nổi bật kinh tế - xã hội trong giai đoạn (2016 – 2020) đã mở ra cơ hội, Bình Thuận như “chiếc tàu” vươn mình ra biển lớn…

Bước tiến nổi bật qua 5 năm

“Bước vào nhiệm kỳ (2021 – 2025) không ít những khó khăn, thách thức nhưng vị thế, tiềm lực của Bình Thuận đã khác. Nhìn khái quát, 5 năm tới tỉnh có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nữa…”, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đã nhận định như vậy tại Hội nghị triển khai Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn (2021 - 2025) vừa tổ chức mới đây.

Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy, kinh tế tỉnh đã có bước tiến dài. Nổi rõ, kinh tế giai đoạn (2016-2020) GRDP tăng trưởng tốc độ khá cao, bình quân 7,64% (cả nước khoảng 5,9%), đặc biệt có sự bứt phá trong 2 năm 2018, 2019. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; đã mở rộng hợp tác, liên kết, thúc đẩy khai thác tốt hơn các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là công nghiệp năng lượng, du lịch, nông nghiệp; bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đảo Phú Quý có nhiều khởi sắc.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025

Theo Bí thư Tỉnh ủy, về nội lực, tỉnh đã mạnh hơn 5 năm trước, so với thời điểm năm 2015, GRDP tăng 1,7 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,4 lần; tổng mức đầu tư tăng 2,3 lần; tổng thu nội địa năm 2020 trong điều kiện dịch Covid-19 cũng đạt 8.461 tỷ đồng, gấp 1,88 lần. Kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế đang ngày càng hoàn thiện hơn. Chẳng hạn về nước, thủy lợi sắp hoàn thành hồ Sông Lũy, sẽ triển khai hồ Ka Pét; đường cao tốc nối với TP. Hồ Chí Minh đã được khởi công, sân bay cũng sẽ được triển khai xây dựng trong thời gian tới; đường ven biển ĐT. 719B, 719 cũng được khởi công, mở rộng nâng cấp làm cho vùng đất phía nam của tỉnh sôi động hơn.

Một góc thành phố Phan Thiết. Ảnh: Đ.Hòa

Trong năm 2020, Mũi Né được Chính phủ quy hoạch Khu du lịch quốc gia, những vấn đề trước đây là khó khăn, thách thức, bất lợi như nắng nóng, gió nhiều bây giờ trở thành tiềm năng, lợi thế… Tất cả những điều này hội tụ tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của tỉnh. Bình Thuận đang nổi lên là địa phương rất hấp dẫn các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Tinh thần chủ động, tích cực đổi mới

Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức chưa từng có trong tiền lệ do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều mặt và ảnh hưởng nặng nề đến toàn cầu, trong đó có Bình Thuận làm giảm số thu ngân sách nhà nước và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh cũng như giai đoạn 5 năm (2016-2020). Thêm vào đó, tình trạng nắng hạn kéo dài trong những tháng đầu năm càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nhạy bén, quyết liệt trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự đồng lòng vượt khó của toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà nên tình hình các mặt của tỉnh năm 2020 duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế không bị sụt giảm quá sâu như các địa phương khác. Những kết quả đạt được rất phấn khởi, song mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ đề ra cho năm 2021 và giai đoạn 5 năm (2021-2025) là rất cao, trong khi đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những gì đã có.

Đường 706B góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch. Ảnh: Đ Hòa

Ngay những ngày đầu năm mới 2021, UBND tỉnh đã khẩn trương tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) cho thấy tinh thần quyết tâm cao tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ (2020 – 2025). Để thực hiện thật tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, cũng như kế hoạch 5 năm (2021 – 2025) theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 02, Nghị quyết số 03, ngày 26/11/2020 của Tỉnh ủy (khóa XIV), Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu cả hệ thống chính trị tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ coi việc bảo đảm an toàn với dịch bệnh là cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cần tập trung ưu tiên các nguồn lực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển đồng bộ. Huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững 3 trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định. Bên cạnh đó, tạo sự chuyển biến về chất trong việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, trong đó lưu ý đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng phải đảm bảo hài hòa 2 lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản, môi trường tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong quản lý, điều hành…

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận hội tụ tất cả những yếu tố để phát triển