Theo dõi trên

Chuyển đổi số sẽ là xu hướng của doanh nghiệp sau Covid-19

11/01/2021, 10:20 - Lượt đọc: 18

Đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh đã giúp nhiều DN có sự kết nối tốt hơn, phục hồi sản xuất và mở rộng thị trường.

Bước qua năm 2020 với đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho sản xuất, xúc tiến thương mại (XTTM) và giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp (DN). Nhiều DN hoạt động theo phương thức truyền thống đã nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ trong tìm kiếm khách hàng và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến là hướng đi tất yếu.

Trong bối cảnh “nguy” vì dịch bệnh, nhiều DN cũng biến đó thành cơ hội làm động lực thúc đẩy bước sâu vào cuộc chơi số, chuyển đổi công nghệ để thích nghi với bối cảnh phát triển mới. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ để XTTM trực tuyến, đưa công nghệ nhiều hơn vào vận hành bộ máy quản trị, kinh doanh đã giúp nhiều DN có sự kết nối tốt hơn, phục hồi sản xuất và mở rộng thị trường.

Ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty OSB - Đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, Chủ tịch Liên minh hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (VESA) đã khẳng định rằng, tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt. Để đơn hàng đến được với người tiêu dùng, các DN phải số hóa tất cả các khâu, các điểm tiếp xúc để tăng tính tương tác với người mua, từ đó hỗ trợ tối đa trong các khâu, từ giới thiệu sản phẩm, marketting đến chăm sóc khách hàng.

“Những DN được chuyển đổi số tốt giống như ngồi trên một bệ phóng tốt. Chuyển đổi số thành công sẽ giúp DN xuất khẩu trực tuyến có kết quả cao, nhanh và thậm chí là tối ưu hiệu quả”, ông Toàn chỉ rõ.

Để vượt bão Covid-19 và đón đầu sự phát triển trong năm nay, DN cần chuyển đổi số nhanh nhưng chuẩn xác.

Còn theo ông Hoàng Văn Thuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Để vượt bão Covid-19 và đón đầu sự phát triển trong năm nay, DN cần chuyển đổi số nhanh nhưng chuẩn xác; tính toán, nghiên cứu và tìm ra điểm nghẽn trong hoạt động của đơn vị; từ đó đầu tư giải pháp số phù hợp với năng lực DN và phải đảm bảo có đủ nguồn lực để triển khai lâu dài.

“Hiện EFY Việt Nam đã xây dựng bộ 3 giải pháp “Chuyển dịch số thần tốc”, hỗ trợ các DN chuyển đổi số nhanh chóng và tiết kiệm trong các hoạt động quản trị và điều hành kinh doanh. Hiện tại, bộ 3 giải pháp này đang là nhu cầu tất yếu của các DN, vì nó chính là điều kiện cơ bản để các DN thực hiện chuyển đổi số, tạo điều kiện cạnh tranh trên thị trường. Với sản phẩm dịch vụ mới là Hợp đồng điện tử và Chữ ký số, EFY Việt Nam sẽ giúp cho công cuộc chuyển đổi số Quốc gia và các DN một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, từ đó gia tăng doanh số bán hàng”, ông Thuấn cho hay.

Đa dạng cách thức chuyển đổi phù hợp

Theo nhiều chuyên gia, công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế hoạt động của DN trong thời kỳ hậu Covid-19. Do đó, để chuyển đổi số thành công, DN phải có cả phần cứng, phần mềm, có những giao dịch với nền tảng công nghệ số. Đầu tư công nghệ hợp lý để kết nối người lao động, kết nối với đối tác...

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, đại diện Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, chuyển đổi số nên bắt đầu sớm và DN hoàn toàn có thể làm được nếu có quyết tâm. Đối với các DNNVV, tuy nguồn lực có hạn chế nhưng lợi thế lại ở chỗ do có quy mô nhỏ nên chuyển đổi số sẽ dễ dàng và ở trong phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn so với DN lớn.

“Cần nhất của chuyển đổi số phải bắt đầu từ tư duy người lãnh đạo đến xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân sự và cuối cùng mới là yếu tố công nghệ”, ông Dũng chia sẻ bí quyết.

Ở phạm vi lớn hơn khi nhiều DN đang nóng lòng với việc viếp cận với thị trường toàn cầu, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) nhận định, XTTM trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp, nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần; có thể rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và DN.

“DN có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Nhờ đó, DN có thể tiếp cận đơn hàng nhanh hơn, độ phủ lớn hơn...”, ông Nam nói.

XTTM trực tuyến chi phí chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp, nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần.

Cũng theo ông Nam, trước đây VINASME thường chủ trì các chương trình XTTM cấp Quốc gia, với việc tổ chức các đoàn DN Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế. Nhưng hiện nay, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ XTTM sang trực tuyến cho DN.

Góp phần không nhỏ cho hoạt động xuất khẩu năm 2020, thời gian qua Cục XTTM (Bộ Công Thương) đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan, triển khai các hoạt động dẫn dắt, hỗ trợ địa phương, hiệp hội và DN ứng dụng các nền tảng số vào XTTM.

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục XTTM cho biết, trong năm 2020, Cục XTTM đã tổ chức thành công trên 50 hội nghị quốc tế trực tuyến và trên 500 phiên giao thương trực tuyến, phủ khắp 5 châu.

“Thống kê sơ bộ, tổng số DN Việt Nam và nước ngoài được hỗ trợ kết nối trực tuyến là khoảng 100.000 lượt, với đa dạng các mặt hàng như các sản phẩm phòng dịch, nông sản, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng, đồ trang trí nội, ngoại thất và vật liệu xây dựng, giày dép, sản phẩm thể thao...”, ông Tài thông tin.

Cũng theo đánh giá của ông Tài, dù XTTM trực tuyến là hình thức xúc tiến xuất khẩu tương đối mới kể nhưng đã mang lại hiểu quả lớn. Chính vì thế năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, DN trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động XTTM, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.

Nguyễn Quỳnh/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số sẽ là xu hướng của doanh nghiệp sau Covid-19