Theo dõi trên

Bệnh sốt xuất huyết nặng đe dọa tính mạng

25/11/2020, 09:16

BT- So cùng kỳ năm 2019, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) giảm nhiều. Tuy nhiên, số ca bệnh nặng lại tăng. Sự tái diễn của bệnh SXH hàng năm chỉ rõ cái gốc vấn đề.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra mật độ lăng quăng trong cộng đồng.

Cứu sống nhiều ca nặng

Tính đến tháng 11/2020, toàn tỉnh ghi nhận 1.890 trường hợp mắc SXH, với 180 ổ dịch. Số ca mắc bệnh giảm 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tất cả ổ dịch đều được xử lý theo quy định Bộ Y tế. Tuy nhiên, từ tháng 7 – 9/2020, số ca mắc SXH liên tục tăng. Cụ thể, riêng tháng 6/2020, toàn tỉnh ghi nhận chỉ 57 ca SXH. Tháng 7/2020, số ca mắc bệnh này tăng vọt, với 159 ca; 237 ca vào tháng 8 và  266 ca vào tháng 9. Các huyện có số mắc cao gồm Đức Linh, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong và Hàm Thuận Nam.

Nhìn chung, số ca bệnh SXH trong toàn tỉnh giảm, nhưng ca mắc bệnh nặng lại tăng 1,5 lần so cùng kỳ 2019, tương ứng 86 ca và đều được cứu sống thành công, tập trung các huyện là Tuy Phong, Đức Linh và Bắc Bình. Chẳng hạn, Khoa nhi của Bệnh viện đa khoa Bình Thuận tiếp nhận số ca sốc nặng; nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch nặng với mạch, huyết áp không đo được, diễn tiến suy hô hấp nặng. Ngoài ra, các bệnh nhân còn xuất huyết tiêu hóa, nôn ói. Đặc biệt, bệnh nhân tái sốc trước khi chuyển viện và quá trình chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh thì tái sốc lại. Các bác sĩ tích cực hồi sức cứu sống bệnh nhân bằng cách đặt nội khí quản cho thở máy, truyền huyết tương tươi… Có thể nói rằng, bệnh SXH nặng de dọa tính mạng người bệnh.

 Mầm mống từ lăng quăng, muỗi

Trong vòng 6 năm gần đây tại Bình Thuận, số trường hợp mắc SXH gia tăng nhanh từ tháng 7 và đạt đỉnh từ tháng 9 - 10 hàng năm. Bởi thời tiết của những tháng này là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh này phát triển. Thêm vào đó, người dân không chủ động đậy nắp lu, thùng chứa nước, không cọ rửa sạch vật dụng chứa nước, nước đọng sau nhà trong vật phế thải. Điều này tạo điều kiện muỗi đẻ trứng, sinh lăng quăng, phát triển muỗi dẫn đến bệnh SXH gia tăng từ đó. Khi phát hiện có ổ dịch, trung tâm y tế tuyến huyện diệt lăng quăng, phun hóa chất 100% các gia đình ở khu vực ổ dịch. Sau chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, số ca mắc giảm ít nhất 20% so thời điểm chưa thực hiện chiến dịch. Vì vậy, trạm y tế tham mưu UBND xã, thị trấn thành lập đội xung kích diệt lăng quăng tại cộng đồng. Đó là thông tin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Từ thông tin trên cho thấy nguồn gốc của bệnh SXH xuất phát từ lăng quăng và muỗi. Để hạn chế mắc bệnh này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo người dân chủ động tổng vệ sinh môi trường quanh nhà và trong nhà mỗi tuần. Cụ thể, đậy kín lu đựng nước, cọ rửa lu sạch, loại bỏ phế thải tránh chứa nước đọng không cho muỗi đẻ trứng, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh… Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời;  không tự ý điều trị tại nhà nhằm hạn chế các trường hợp tử vong.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh sốt xuất huyết nặng đe dọa tính mạng