Phòng trừ bệnh đạo ôn lá và sâu
Phòng trừ bệnh đạo ôn lá và sâu cuốn lá hại lúa vụ mùa
BT- Qua công tác điều tra, Trung tâm
Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Bình cho biết, hiện nay, bệnh đạo ôn
lá gây hại, diện tích nhiễm là 527 ha với tỷ lệ bệnh 5 - 20% và sâu cuốn lá,
diện tích nhiễm là 385 ha với mật độ 10 – 20 con/m2 đang phát sinh, phát triển
trên các trà lúa ở giai đoạn đẻ nhánh – đòng; đặc biệt ở những ruộng gieo dày,
bón thừa phân đạm.
Để ngăn ngừa bệnh đạo ôn lá và sâu
cuốn lá gây hại trên diện rộng và ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ mùa, Trung tâm
Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Bình đề nghị UBND các xã, thị trấn cần
triển khai cho nông dân trồng lúa thực hiện ngay một số biện pháp sau: Thăm đồng
thường xuyên, phát hiện sâu bệnh sớm và phòng trừ kịp thời. Vệ sinh đồng ruộng,
đặc biệt là cỏ dại trong ruộng và xung quanh bờ ruộng. Cần bón phân cân đối N,
P, K, tránh bón phân thừa đạm; tăng cường bón các loại phân có chứa Kali, Silic,
Canxi... Khi phát hiện bệnh đạo ôn lá tuyệt đối không để ruộng khô nước, phải
giữ nước trong ruộng liên tục từ 3 - 5cm. Ngừng bón phân, đặc biệt là các loại
phân có chứa đạm. Ngừng phun phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng, tập
trung phun thuốc trừ bệnh.
Về biện pháp hóa học, khi phát hiện
bệnh đạo ôn lá, nông dân có thể phun kết hợp một số hoạt chất thuốc BVTV để
phòng trị bệnh như sau: Tricyclazole + Kasugamycin; Tricyclazole +
Isoprothiolane; Tricyclazole + Fenoxanil. Đối với sâu cuốn lá, khi phát hiện
bướm sâu cuốn lá nở rộ thì 5 - 7 ngày sau tiến hành phun các loại thuốc đặc trị
chứa một số hoạt chất như sau: Chlorantraniliprole + Thiamethoxam; Chlofluazuron
+ Fipronil; Indoxacard + Imidacloprid. Lưu ý khi phun thuốc cần tuân thủ theo
nguyên tắc 4 đúng.
M.V