Theo dõi trên

Thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Bạn đồng hành của ngư dân

24/11/2020, 08:20 - Lượt đọc: 42

BT- Đến thời điểm này, số lượng tàu cá toàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) là 1.710/1.950 tàu cá, đạt tỷ lệ 87,7%. Như vậy còn 240 chiếc chưa lắp đặt, dù hạn cuối cùng đã qua hơn 8 tháng. Biết rằng việc lắp thiết bị VMS rất cần thiết, nhưng nhiều chủ tàu không đủ kinh phí để mua thiết bị này…

                
   Thiết bị VMS sẽ là bạn đồng hành của ngư    dân.

Kiến nghị hỗ trợ kinh phí

Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 của Chính phủ, tất cả các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị VMS trước ngày 1/4/2020. Việc lắp đặt thiết bị VMS còn nhằm khắc phục khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) để đáp ứng điều kiện gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Những năm gần đây nghề khai thác thủy sản liên tiếp mất mùa, ngư dân gặp nhiều khó khăn, riêng năm 2020 do ảnh hưởng tình hình dịch Covid-19 cũng gây nhiều bất lợi cho khai thác thủy sản. Bên cạnh đó, để lắp đặt thiết bị VMS, ngoài tiền mua thiết bị từ 18 – 25 triệu đồng/máy còn phải trả phí thuê bao hàng tháng từ 340.000 – 385.000 đồng/máy (tùy loại thiết bị). Do đó, ngư dân không đủ tiền mua thiết bị VMS và trả phí thuê bao hàng tháng, làm ảnh hưởng lớn đến lộ trình thực hiện lắp đặt thiết bị VMS và triển khai kế hoạch giám sát tàu cá trên địa bàn tỉnh. Trước thực trạng trên, nhiều địa phương ven biển đã có kiến nghị về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) về việc hỗ trợ kinh phí để ngư dân lắp đặt thiết bị VMS.

Trên cơ sở ý kiến của Bộ NN&PTNT và các quy định liên quan của Trung ương, hiện nay đã có 7 tỉnh, thành phố ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân mua sắm, lắp đặt, vận hành thiết bị VMS như: TP. Đà Nẵng hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị VMS và kinh phí thuê bao năm đầu tiên tính từ thời điểm kết nối; tỉnh Bình Định, Nam Định hỗ trợ 50% chi phí mua sắm, lắp đặt thiết bị VMS; tỉnh Hà Tĩnh, Thái Bình hỗ trợ 70%; tỉnh Nghệ An hỗ trợ 50%; Phú Yên hỗ trợ phí thuê bao 30 tháng… 

Để ngư dân yên tâm bám biển

Để tạo điều kiện cho ngư dân có thêm kinh phí lắp đặt VMS, Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương xuất chi ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá trị thiết bị VMS sau đầu tư, nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng cho mỗi thiết bị VMS, với tổng chi phí hỗ trợ toàn tỉnh lên đến 19,5 tỷ đồng. Qua đó sẽ đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên được lắp đặt thiết bị VMS và hơn hết giúp các ngư dân, các chủ tàu cá giảm bớt khó khăn trong sản xuất khai thác thủy sản, sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Việc hỗ trợ lắp đặt, vận hành thiết bị VMS nhằm thực hiện tốt khuyến cáo của Ủy ban châu Âu về tăng cường giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, chống khai thác IUU nhằm tiến tới gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng”. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thủy sản trong việc truy xuất, xác nhận nguồn gốc thủy sản trong khai thác. Không chỉ vậy, thông qua thiết bị VMS, chủ tàu sẽ dễ dàng quản lý, kiểm soát tình hình hoạt động của tàu cá trên biển để theo dõi, chỉ đạo sản xuất hiệu quả hơn; chủ động phòng tránh rủi ro, giảm thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài ra, thiết bị VMS như người bạn đồng hành sẽ giúp ngư dân yên tâm bám biển, qua đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Nâng cao ý thức cho ngư dân về chống khai thác IUU, tiến đến khai thác có trách nhiệm, bền vững và góp phần tích cực trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

    
      Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất   hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, cả   nước có trên 80% tàu cá có gắn thiết bị VMS. Nhờ đó công tác phát hiện,   xử lý vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường và giảm đáng kể các   trường hợp vi phạm.

Minh Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiết bị giám sát hành trình tàu cá: Bạn đồng hành của ngư dân