Theo dõi trên

Ngẫm người gieo hạt

20/11/2020, 09:44

BT- Hàng năm, mỗi ngành nghề đều có một ngày để kỷ niệm, tưởng nhớ về nguồn gốc, công lao của những người đi trước để lại và những người hiện tại tiếp tục gánh vác, kế nghiệp. Tôi làm nghề dạy học, mỗi năm đến ngày 20/11, dẫu khi còn công tác hay lúc nghỉ hưu, cứ thấy lòng nao nao một nỗi niềm nhớ nhớ không tên. 

Mực đỏ

Những năm trước, đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi thường viết bài về gương ngời sáng của nhà giáo trong lịch sử, hoặc những thầy đáng kính của chính mình. Năm nay, có bạn hỏi tôi viết gì? Tôi nói có 2 mẩu chuyện gợi tôi nghĩ về mối quan hệ gắn kết nghề nghiệp của người đi dạy với người học – những học trò “đặc biệt” (tôi không gọi “cá biệt”). Bởi ngẫm từ thực tế cái nghề mà bản thân đã gắn bó một đời, cũng như với đồng nghiệp, những học sinh “đặc biệt” sau khi ra trường, nhiều em quay về thăm thầy cũ, trường xưa với cả tấm lòng chân tình.

Ảnh minh họa

 Mới hôm qua, một thầy giáo kể với tôi, có một học trò anh dạy hồi lớp 12, ngồi trong lớp nó hay quậy, thường bị nhắc nhở, bài làm văn môn của anh dạy nó chỉ đạt khoảng 4 - 5 điểm, không vượt lên được, nhưng khi làm bài thi tú tài - những năm ấy lấy tên là kỳ thi tú tài, sau này đổi lại là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (chỉ có tên kỳ thi mà thay đổi liên tục), bài thi của nó được 7 điểm. Khi nhận phiếu báo điểm thi, nó đem đến hỏi anh, có phải đề bài kiểm tra ở lớp khó hơn đề thi tú tài không? Anh biết câu hỏi hàm ý có phải thầy ép em không, chẳng khác gì nó trách mình là không công bằng, trù dập nó, nhưng nó lại nói trớ qua như vậy. Tôi nói bài làm của em, thầy cho điểm và phê rất rõ, em có đọc kỹ không? Nó hơi lúng túng. Mãi sau này tốt nghiệp đại học, ra trường làm ăn khá giả, nó là một trong những học sinh thường ghé về thăm trường, thăm thầy cô, nó lại gặp anh, nói hồi ấy thầy nhắc lời phê trong bài, em mới về đọc kỹ, hóa ra bài nào của em cũng đầy mực đỏ, chỉ lỗi và hướng cho cách viết, nhưng hồi ấy, khi thầy phát bài, em chỉ quan tâm đến con điểm, chẳng chú ý đến lời phê. Mặc dù sau này vào đời em không đi ngành văn, nhưng mỗi lần soạn thảo văn bản cho công việc nghề nghiệp của mình, em lại nhớ đến lời phê của thầy. Khi có chút vị trí, duyệt văn bản của thư ký đưa lên, những dòng chữ mực đỏ của thầy năm xưa như đang hiện ra nhắc nhở để sửa trước khi đặt bút ký. Đến đây, anh xoay qua tôi, anh ạ, nghề đi dạy của mình, tình thương đi đầu mới đem lại kết quả. 

Quả ngọt cuối đường

Anh nói thế, gợi tôi nhớ đến câu chuyện của nhà giáo dục Rita Pierson, bà kể, có lần một đồng sự đã nói với bà: “Họ không trả tiền để tôi yêu quý lũ trẻ. Họ trả cho tôi để dạy một bài học. Lũ trẻ nên học. Tôi dạy. Họ nên hiểu điều này. Chấm hết”. Bà nói lại với đồng sự ấy: “Cậu biết không, lũ trẻ không học những người mà chúng không thích”. Cô ấy đáp: “Điều đó thật vô nghĩa”. Bà Pierson dự báo trước về sự thất bại của đồng nghiệp: “Thế thì năm tới của cậu sẽ rất dài và gian khổ đấy”. Đúng như vậy, cô ấy không đến với nghề giáo dục bằng tình thương và trách nhiệm, mà quan niệm đi dạy là lao động để lấy thù lao, sòng phẳng thế thôi, nên đã thất bại, cuối cùng buộc phải tìm cách kết nối lại. Bà nói, những điều bà thành công trong sự nghiệp giáo dục là rút ra từ thực tế truyền thống những người làm công tác giáo dục trong gia đình bà, đặc biệt hình ảnh và việc làm của người mẹ. Chuyện rằng, mẹ bà khi đi dạy, đã chăm sóc những đứa trẻ như vai trò của một người mẹ, sau này khi mẹ bà nghỉ hưu, một số đứa trẻ “rất dữ tợn” ngày ấy đến thăm và khoe: “Cô biết không, cô Walker, cô đã tạo ra một sự khác biệt trong cuộc đời em”. Ý nói cô đã giúp cho em chuyển hóa từ con người “dữ tợn” trong quá khứ tuổi thơ trở nên con người trưởng thành như mong đợi. Khi mẹ bà mất ở tuổi 92, chính những học sinh cũ ấy rất chân tình về tang lễ. Bà kết luận: Tôi ứa nước mắt không phải vì mẹ đã ra đi, mà bởi vì mẹ đã để lại tài sản là những mối quan hệ không bao giờ mất đi(*).

Ảnh minh họa

Năm nay đến ngày 20/11, tôi lại nghĩ về nghề đi dạy, không biết còn bao nhiêu người suy nghĩ như cô đồng sự của bà Rita Pierson: “Họ không trả tiền để tôi yêu quý lũ trẻ. Họ trả cho tôi để dạy một bài học. Lũ trẻ nên học. Tôi dạy”. Ngược lại, không biết có bao nhiêu học sinh mãi sau mới ngẫm ra tình thương và trách nhiệm của thầy nằm cả trong lời phê ở bài làm văn, để thấm thía từng bước trưởng thành, mà nhất thời không để ý, như đứa học trò của anh bạn tôi.

Võ Nguyên

(*): Bài nói chuyện qua vidio của nhà giáo dục Rita Pierson: Mỗi đứa trẻ là một nhà vô địch (Every kid needs a champion).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngẫm người gieo hạt