Theo dõi trên

Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Ðoàn địa bàn dân cư: Cán bộ là yếu tố quyết định

06/11/2020, 10:15 - Lượt đọc: 162

BT- Trong thời gian qua, công tác thu hút, tập hợp thanh niên ở địa bàn dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chất lượng hoạt động công tác Ðoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa bàn dân cư đạt hiệu quả chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới để công tác thu hút, tập hợp thanh niên trên địa bàn dân cư đạt hiệu quả tối ưu cần phải triển khai đồng bộ, kết hợp hài hòa nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cán bộ Ðoàn. Bởi lẽ cán bộ là yếu tố quyết định phong trào đúng như câu nói “cán bộ nào, phong trào đó”.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận có khoảng trên 250.000 thanh niên trong độ tuổiđoàn, chiếm gần 25% dân số và chiếm hơn 43% lực lượng lao động toàn tỉnh. Trong đó có khoảng 17.000 đoàn viên thanh niên ở khu vực địa bàn dân cư, chiếm 15% tổng số đoàn viên thanh niên, tham gia sinh hoạt tại 706 chi đoàn thôn, khu phố. Hầu hết cán bộ Đoàn thôn, khu phố là kiêm nhiệm, chế độ chính sách và phụ cấp chức vụ không có hoặc có nhưng không đáng kể. Chỉ có một số địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho bí thư chi đoàn thôn, khu phố thông qua hình thức tặng thẻ bảo hiểm y tế hoặc trang bị sổ tay bí thư chi đoàn. Một số ít bí thư chi đoàn thôn, khu phố được tạo điều kiện vay vốn sản xuất kinh doanh, được giới thiệu tham gia các chương trình tập huấn khuyến nông, khuyến ngư, các hội thảo giới thiệu mô hình kinh tế hiệu quả, các đợt tham gia học tập kinh nghiệm… Do vậy, công tác thu hút, tập hợp thanh niên ở địa bàn dân cư vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chất lượng hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa bàn dân cư đạt hiệu quả chưa cao.

Qua kiểm tra kết quả triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chi đoàn ở địa bàn dân cư cho thấy vấn đề khó khăn lớn nhất của tổ chức Đoàn ở địa bàn dân cư của tỉnh Bình Thuận hiện nay là các phong trào, hoạt động của Đoàn chưa thật sự thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên địa phương tham gia. Việc tổ chức sinh hoạt chi đoàn thôn, khu phố không thường xuyên, số lượng đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt ít. Nội dung, hình thức sinh hoạt đơn điệu, không tạo hứng thú cho đoàn viên thanh niên. Vì vậy, vấn đề thu hút, tập hợp thanh niên ở địa bàn dân cư đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đoàn, bởi nó không chỉ đơn thuần là tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào của Đoàn mà thông qua đó tổ chức Đoàn thanh niên nắm bắt tình hình, tư tưởng thanh niên, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật cho đoàn viên thanh niên nhằm góp phần vào sự nghiệp xây dựng phát triển của địa phương.

Trong thời gian tới để công tác thu hút, tập hợp thanh niên trên địa bàn dân cư đạt hiệu quả tối ưu cần phải triển khai đồng bộ, kết hợp hài hòa nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn. Bởi lẽ con người là yếu tố quyết định, đúng như câu nói “cán bộ nào, phong trào đó”; do vậy khi xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn chất lượng, vừa hồng, vừa chuyên, đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, kỹ năng công tác thì chắc chắn sẽ tạo ra được những giải pháp hiệu quả, cách làm hay, phù hợp để thu hút, tập hợp thanh niên vào tổ chức. Để triển khai thực hiện giải pháp này, việc đầu tiên các cấp bộ Đoàn phải thực hiện tốt công tác quy hoạch để phát hiện sớm nguồn cán bộ trẻ có đức, có tài, có triển vọng về khả năng lãnh đạo, quản lý, đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ chủ chốt đáp ứng nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của từng địa phương. Trên cơ sở quy hoạch tiến hành bổ nhiệm những nhân sự đảm bảo đủ năng lực, trình độ, tâm huyết với phong trào để tạo uy tín trong hệ thống chính trị và sự tin tưởng, ủng hộ của đoàn viên thanh niên. Cùng với đó, hàng năm các cấp bộ Đoàn xây dựng kế hoạch tập huấn cán bộ Đoàn theo phân cấp, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, thời gian để cán bộ Đoàn chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thường xuyên đánh giá năng lực cán bộ Đoàn không chỉ qua trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà phải gắn với năng lực thực tiễn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên và triển khai tổ chức các hoạt động phong trào, thể hiện vai trò thủ lĩnh thanh niên được đoàn viên thanh niên tín nhiệm, ủng hộ, được cấp ủy, chính quyền đánh giá tốt.

Xây dựng Ðoàn thanh niên là xây dựng Ðảng trước một bước, cán bộ Đoàn là nguồn quan trọng bổ sung cán bộ cho hệ thống chính trị. Các cấp bộ Đoàn phải có lộ trình cụ thể, dài hơi từ tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộđoàn; đồng thời bản thân mỗi cán bộ đoàn cũng phải tự chuẩn hóa để có năng lực chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu luân chuyển công tác khi quá tuổi làm cán bộ Đoàn. Do vậy, các cấp bộ Đoàn chủ động tham mưu cấp ủy quan tâm thực hiện việc luân chuyển, bố trí công tác phù hợp cho đội ngũ cán bộ Đoàn khi hết tuổi. Thực hiện tốt nội dung này sẽ tạo động lực cho các thế hệ cán bộ Đoàn an tâm công tác, tích cực cống hiến sức trẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ của tổ chức Đảng giao phó, đồng thời thể hiện sự quan tâm chăm lo của cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ Đoàn, giúp cho hoạt động của tổ chức Đoàn đi vào thực chất, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương.

Bích Diệu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Ðoàn địa bàn dân cư: Cán bộ là yếu tố quyết định