Theo dõi trên

Những mảnh đời… du mục

30/10/2020, 10:53

BT- Họ là những người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Vì hoàn cảnh mưu sinh, mỗi năm vào mùa mưa, khi rừng ở Bình Thuận tươi tốt, kéo theo vô số các bụi le cũng phát triển mạnh. Những lao động trụ cột gia đình lại dắt cả nhà đến sinh sống, hàng ngày lên núi chặt le kiếm sống.

Thu nhập từ cây le

Chúng tôi có mặt ở xã Bình An (Bắc Bình) vào những ngày cuối tháng 10.  Đập Tà Mú nằm trên địa bàn xã những ngày này nước lũ đổ về, đục ngầu, hung dữ. Đây là điểm cách trung tâm thị trấn Chợ Lầu khoảng 30 km. Con đường đất vào điểm này khá ngoằn ngoèo, lầy bùn đất do mưa lớn những ngày qua.

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên, tò mò là ngay cạnh con suối Tà Mú, có sự xuất hiện của khoảng 10 căn chòi lụp xụp, được dựng tạm bằng bạt và tre nứa. Một nhóm người gồm phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số đang cặm cụi bên con suối để tắm giặt. Người phụ nữ ấy tên K’ Uyên (52 tuổi), dân tộc Chil tại Đức Trọng, Lâm Đồng. Gặp chúng tôi, bà không mấy e dè mà sẵn sàng tiếp chuyện bằng tiếng Kinh khá sành sỏi. Bà cho biết, ở đây có cả chục người ở Lâm Đồng xuống làm nghề chặt le, nhưng hiện đã có việc về quê. Cả gia đình bà Uyên xuống vùng đất này đã 2 tháng nay và dự kiến đến cuối năm mới về lại nhà. Cùng sinh sống với bà trong 1 căn chòi nhỏ là người chồng bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não không còn ý thức. Bà Uyên còn kéo theo 2 đứa con gái và 4 đứa cháu ngoại còn rất nhỏ, có đứa chỉ có mấy tháng tuổi, bệnh tật.

Bà K’ Uyên bên những bó le thành phẩm

Có mặt ở căn chòi thời điểm đó, chúng tôi gặp K’ Kim, mới 13 tuổi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, đã bỏ học theo cha mẹ sống đời du mục. Kim là con gái út của bà Uyên. Công việc hàng ngày của em là chăm sóc mấy đứa cháu nhỏ trong thời gian mẹ và chị gái lên rừng chặt le.

Đứng bên đống cây le được tập kết về sau thu hoạch nhiều ngày qua, bà Uyên chia sẻ: “Vài ngày nữa sẽ có xe đến chở đi. Hiện cây le đang được ưa chuộng, sử dụng để làm giàn trồng rau, cắm hoa…”. Chỉ tay về phía ngọn núi xa xa, thuộc địa phận xã Phan Lâm, Phan Sơn, bà cho biết: Hàng ngày công việc của tôi là đi xe máy đến chân núi, rồi leo bộ lên núi chặt cây le. Sau khi tập kết sản phẩm dưới chân núi sẽ có xe máy cày chở về đây, chờ chủ thầu đến chở đi. Mỗi ngày bình quân bà chặt được khoảng 20 bó. Trong đó, mỗi bó 10 cây, bán cho chủ thầu tại Đức Trọng, Lâm Đồng với giá 10.000 đồng/bó. Nếu tính bình quân mỗi tháng lao động tích cực, gia đình sẽ thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Nếu ngày nắng, cả 2 mẹ con sẽ đi núi 1 buổi, còn như mấy ngày trời mưa thì sẽ trú ở trong chòi…

Đời sống vô cùng khó khăn, nguy hiểm

Khi tôi hỏi đến việc sinh hoạt, ăn uống tạm bợ, thiếu thốn trong điều kiện mùa mưa lũ thế nào, bà Uyên tâm sự: Do hoàn cảnh sống khó khăn, ở trên quê không có đất sản xuất, nên hàng năm đều đi làm thuê. Vài năm nay, đến mùa mưa là cả gia đình dắt díu nhau xuống Bình Thuận làm nghề chặt le cho bà chủ ở địa phương thuê. Ở chốn đồng không, mông quạnh này, cuộc sống không đèn, không điện vô cùng khó khăn. Thỉnh thoảng bà chủ lại tiếp tế lương thực xuống. Nếu không có thì cả gia đình đi hái rau rừng, bắt cá sông, hay vào xã để mua thức ăn, thuốc chữa bệnh… Đời du mục, dẫu biết khó khăn, vất vả nhưng vì miếng cơm manh áo, đành phải chấp nhận.

Đáng thương nhất là những đứa trẻ đang tuổi đến trường nhưng lại phải theo gia đình sống leo lắt nơi rừng núi. Và lo ngại nhất, chính là sự an toàn của chúng, khi  chỉ có những đứa trẻ trông nhau vào thời điểm người lớn đi rừng. Khi con suối Tà Mú vẫn cuồn cuộn chảy sát bên căn chòi…

Mang những lo lắng này trao đổi với ông Nguyễn Trung Hoài- Chủ tịch UBND xã Bình An (Bắc Bình), được biết: Chính quyền địa phương đã biết và nắm bắt thông tin có nhóm người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng sinh sống du mục trên địa bàn xã. Đây là nhóm người được chủ một doanh nghiệp tại Lâm Đồng thuê lao động khai thác cây le (có hợp đồng tận thu phụ phẩm rừng với Ban quản lý RPH Sông Mao). Do đặc thù du mục, nên nhóm người này sống nay đây, mai đó, di chuyển nhiều chỗ khác nhau rất khó quản lý.

Tôi chia tay gia đình bà K’ Uyên, mang theo những nỗi lo và xót xa, khi hình ảnh những đứa trẻ đang chập chững trên những bãi đất bồi, trên chính những cây le thu hoạch được từ bao mồ hôi, công sức. Tôi nghĩ đến khi những ngày mưa lớn do ảnh hưởng bão, căn chòi bằng bạt lụp xụp ấy có đủ làm ấm, đủ no cho chừng ấy con người trú ngụ.

Khi tôi viết những dòng này, thì nhận được cuộc gọi của lãnh đạo xã Bình An, nội dung cho biết, vào sáng ngày 28/10, chính quyền địa phương đã lên tận nơi để kiểm tra nhưng tạm thời họ đã không còn ở đó mà đã trở về quê. Để lại bên con suối Tà Mú là hình ảnh những căn chòi rách tả tơi và những bó cây le chưa kịp chở đi. Quả đúng là những mảnh đời… du mục!

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những mảnh đời… du mục