San hô xuất hiện
San hô xuất hiện
BT- Không như các
hộ dân ở thôn Vĩnh Phúc còn lo lắng chuyện bụi, bụi than năm nay như thế nào,
ông Tư ở Phước Thể nghe nói san hô xuất hiện ở khu vực nhiệt điện thì mừng lắm,
để tháng 3 tới, gia đình ông lại ra Hòn Cau, phục vụ khách hải sản tươi ngon…
2 vùng cho đánh
bắt
Bão số 9 chưa kịp vào, bão số 10 đã
tiếp bước, lúc này, Tuy Phong mới có mưa lớn và vùng biển Hòn Cau cũng mịt mù.
Còn những ngày trước đó, khi 5 tỉnh miền Trung ngập trong bão lũ, nơi đây vẫn
cảnh trời trong veo, mây trắng bay thơ thẩn, biển yên ả. Chưa bao giờ, người
dân cảm nhận ý nghĩa đặc biệt của tên gọi Bình Thuận: Bình yên và thuận hòa đến
thế. Vài ngày trước, qua điện thoại, ông Tư cho biết gia đình đã dọn đồ đạc ở
quán lá Tư Hữu trên đảo Hòn Cau về lại đất liền, ở Phước Thể (Tuy Phong). Lệ
thường như thế, gia đình ông ra đảo bán quán ăn phục vụ du khách từ tháng 3 đến
tháng 9, tháng 10 trở lên lại về đất liền. Chỉ có năm nay, đã tháng 10 nhưng gió
đông bắc chưa về kịp nên gia đình ông còn nấn ná qua giữa tháng, một phần cũng
vì vẫn có khách lai rai. Trong đó có chuyến tàu chờ tôi ra đảo vào đầu tháng 10.
Chúng tôi, một già, một trẻ ngồi ở nơi chái hiên quán Tư Hữu lộng gió trên Hòn
Cau, thuộc xã Phước Thể nhìn ra biển, nhưng kỳ thực là đều đang nhìn Trung tâm
nhiệt điện Vĩnh Tân ở trước mắt, nơi ấy thuộc xã Vĩnh Tân. Ở ngoài này nhìn vào,
nơi ấy bỗng nổi bật sắc màu trên nền biển xanh biếc, tựa như cụm phố thị hiện
đại. Ông Tư khoảng 80 tuổi, đã có quá nửa thời gian ấy, ông sống trên đảo này
nên chuyện gì, ông cũng biết theo hướng bể dâu. Từ chuyện hình thành các miếu,
các am; chuyện thời tiết, các loài san hô, những loài cá… và cả chuyện đổi thay,
ồn ào từ khi Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân xuất hiện.
Ông đang kể chuyện năm 2015, ngồi ở
đảo nhìn vào thấy khói bụi mù mịt quanh trung tâm nhiệt điện thì một chiếc
thuyền thúng cập bờ cát. Tôi phải thốt lên rằng, những con cá đang giãy đành
đạch trong thúng kia có màu sắc sặc sỡ, mà tôi dù rất thích ăn cá cũng không nỡ
ăn chúng. “Ơ, nhưng khu vực này…”, tôi chưa kịp nói hết câu thì ông Tư đã hiểu
ý, nói ngay: “Đảo nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, khu vực không
cho tàu thuyền khai thác hải sản. Nhưng phía xa kia là vùng cho phép tàu thuyền
khai thác. Hải sản tươi cho du khách, quán mua cũng từ vùng ấy đưa tới”.

Từ Hòn Cau nhìn về Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân
Sau một hồi lang thang trên mạng,
tôi cũng tìm ra mấy vùng trên tại quyết định ban hành quy chế quản lý các hoạt
động trong Khu bảo tồn biển Hòn Cau của UBND tỉnh vào năm 2012. Tổng diện tích
của khu bảo tồn là 12.500 ha, được phân vùng chức năng như sau: Vùng lõi có diện
tích 1.250 ha, gồm cả đảo Hòn Cau; Vùng đệm có diện tích 1.210 ha; Vùng phục hồi
sinh thái có diện tích 808 ha; và Vùng phát triển có diện tích 9.232 ha. Trong 4
vùng trên, Vùng phục hồi sinh thái và Vùng phát triển, tính từ bờ ra là được cho
phép đánh bắt hải sản bằng các nghề không gây hại tới thủy sinh vật, môi trường.
Đó là quy định bắt buộc ngư dân ở đây phải tuân thủ cùng thời điểm với sự xuất
hiện của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau vào 2012.
2 - 3 năm sau, khi Nhà máy nhiệt
điện Vĩnh Tân 2 hình thành rồi lần lượt các Nhà máy Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 4 và 4
mở rộng ra đời tính đến thời điểm này, khu vực vốn là bến đánh bắt của ngư dân
đã được thay thế. Từ chỗ là nơi không người bỗng một ngày xuất hiện 1 cụm nhà
máy, lại nhiệt điện sử dụng nguyên liệu đốt than, lại ở nơi có tiếng là luôn
thiếu nước nên câu chuyện môi trường đã bắt đầu ghi nhận những sắc thái biến
động từ đó, nhất là với nguồn nước, không khí.
Vòng tái sinh
Trước đây, khu vực chỗ trung tâm
nhiệt điện, chúng tôi đánh bắt được nhiều tôm, mực, cá, kể cả cá hố. Còn bây
giờ, chủ các nhà máy không cho vào gần khu vực để đánh bắt nhưng thực ra cũng
không còn cá tôm gì sống ở đây. Tôi và mấy nhà có thuyền thúng đánh bắt gần bờ
biết rõ mà…
Những ngư dân ở thôn Vĩnh Phúc, xã
Vĩnh Tân khẳng định như thế về sự biến động nguồn nước biển ở khu vực trung tâm
nhiệt điện theo suy luận đơn giản nhất. Tôi cũng nghĩ như họ nên khi tận mắt
thấy san hô mọc tại khu vực Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, cụ thể tại Nhà máy
nhiệt điện Vĩnh Tân 2, bỗng thấy vui về điều gì đó tươi sáng. Lúc xem những hình
ảnh san hô màu rêu lẫn đen xếp lớp nhau mọc ken dày trên bờ kè chắn sóng của nhà
máy này, được chụp cận khi triều xuống, các ngư dân nhận diện ra ngay, đó là san
hô sừng, san hô cứng tạo rạn. Đều là san hô non. Họ cũng phát hiện cạnh bên
những vạt san hô ấy là nhiều vật tròn đen, có gai tua tủa, gọi là nhum biển,
loại rất thích ăn san hô non. Điều đó có nghĩa san hô đã bùng nở ở đây, bất chấp
những cản ngại khác.
.jpg)
San hô sừng mọc tại khu vực Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân
Các ngư dân lý giải cho sự xuất hiện
mạnh mẽ ấy, suy cho cùng vì tại khu vực này, trước đó là các bãi san hô trải
dài, do nằm trong vùng phát triển của Khu bảo tồn biển Hòn Cau, mà nơi đây Viện
Hải dương học Nha Trang đã kiểm đếm vào năm 2009 là có 234 loài san hô tạo rạn;
41 họ cá rạn san hô… Thêm nữa, cũng có thể vì môi trường nước ở khu vực mà lâu
nay các ngư dân và cả tôi vẫn nghĩ đang biến động đã quay về ổn định? Đem điều
ấy hỏi Chi cục Môi trường Bình Thuận, bạn Nguyễn Quốc Đạt (sinh năm 1982) là Chi
cục phó và cũng là người theo sát, kiểm soát môi trường ở Trung tâm nhiệt điện
Vĩnh Tân từ năm 2017 đến nay, công nhận có thấy san hô mọc dày trên kè chắn sóng
tập trung ở Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, rải rác ở Vĩnh Tân 1… Học kỹ thuật
môi trường ra, không rành lắm về đa dạng sinh học biển nhưng Đạt cảm nhận san
hô, loại cây vốn rất nhạy cảm với môi trường mà xuất hiện thì đó là một biểu
hiện chứng minh nguồn nước biển ở khu vực này đang ổn định. Với Đạt, đó là niềm
vui gắn với niềm tin, sau những băn khoăn cũng như đã kiến nghị cần xây dựng
thêm trạm quan trắc nước biển ven bờ tại khu vực trung tâm nhiệt điện, để có dữ
liệu quan trắc nước biển cứ 5 phút/lần, thay cho quan trắc thủ công chỉ 4
lần/năm như hiện nay là chưa đáp ứng được hết diễn biến môi trường nước biển ven
bờ tại đây.
Luôn “nằm vùng” lúc cần thiết nên
Đạt nắm mọi chuyện ở khu vực này rõ như trong lòng bàn tay: “Hiện nay, tại Trung
tâm điện lực Vĩnh Tân có 3/4 nhà máy với 7 tổ máy đi vào hoạt động. Trong đó,
toàn bộ nước thải công nghiệp của các nhà máy được tuần hoàn, tái sử dụng triệt
để không thải ra biển. Còn đối với nước làm mát của các nhà máy đều được lắp đặt
hệ thống quan trắc tự động và truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi
trường với tần suất 5 phút/lần... Mặt khác, khi phân tích chất lượng nước ven
bờ, các yếu tố như giá trị tổng chất rắn lơ lửng, amoni và vi sinh vật -
coliform có xu hướng giảm dần cho thấy nguồn nước được kiểm soát tốt hơn”.
Nghe Đạt nói, tôi cảm nhận đó là sự
nỗ lực hết sức có thể và sự xuất hiện của san hô của hiện tại như là một sự tái
sinh. Nhưng vốn là loài nhạy cảm, chỉ sơ suất 1 luồng nước dơ đi qua là lớp lớp
san hô kia sẽ lụi chết tức khắc. Vì vậy, việc giữ gìn cũng như kiểm soát nguồn
nước, theo Đạt vẫn còn gay gắt không kém gì trên bờ, khi chuyện bụi, bụi than cứ
đến mùa gió chướng lại trỗi dậy, dù các nhà máy đã nỗ lực cải thiện công nghệ
máy móc, sử dụng nguyên liệu tốt để cho tro xỉ tốt hơn, có thể sử dụng làm vật
liệu xây dựng được. Bối cảnh này, đó là phép tính tốt nhất giải phóng bãi xỉ
đang đầy lên từng ngày...
Bây giờ, Tuy Phong đang bắt đầu bước
vào mùa gió chướng. Không như các hộ dân ở thôn Vĩnh Phúc còn lo lắng chuyện
bụi, bụi than năm nay như thế nào, ông Tư ở Phước Thể nghe nói san hô xuất hiện
ở khu vực nhiệt điện thì mừng lắm, vì tôm cá sẽ sinh sôi hơn ở 2 vùng cho đánh
bắt, để tháng 3 tới, gia đình ông lại ra đảo, phục vụ khách hải sản tươi ngon…
Bích Nghị