Theo dõi trên

Khả năng lặp lại “kịch bản Carter” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020

26/10/2020, 16:21 - Lượt đọc: 32

Theo CNN, đại dịch Covid-19 hiện nay đối với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tương tự như cuộc khủng hoảng con tin ở Iran mà Tổng thống Carter gặp phải năm 1980.

Tổng thống Mỹ gần đây nhất đối mặt với những rắc rối khi tái tranh cử nhiệm kỳ 2 giống như Donald Trump là Jimmy Carter năm 1980. Bị tác động bởi suy thoái và một cuộc khủng hoảng quốc gia, Carter đã thua thê thảm trong cuộc đua với đối thủ đảng Cộng hòa Ronald Reagan.

Theo CNN, đại dịch Covid-19 hiện nay có thể xem như bất lợi đối với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, tương tự như cuộc khủng hoảng con tin ở Iran mà Tổng thống Carter gặp phải năm 1980.

Một số nhà phân tích dự đoán về “kịch bản Carter” mà Tổng thống Trump có thể gặp phải trong cuộc bầu cử năm nay. Ảnh: CNN

Tỷ lệ ủng hộ ông Trump thấp hơn khoảng 10 điểm % so với đối thủ cũng tương tự với cách biệt về tỷ lệ phiếu phổ thông của Carter trước đối thủ Ronald Reagan. Năm 1980, ứng viên đảng Cộng hòa Ronald Reagan đã giành chiến thắng tại 44 bang và đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện.

Trong bối cảnh chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Ngày Bầu cử, một số nhà phân tích dự đoán về “kịch bản Carter” mà Tổng thống Trump có thể gặp phải trong cuộc bầu cử năm nay.

Sự ủng hộ chủ yếu đến từ các cử tri trung thành

Năm 2016, ông Trump đắc cử chỉ với 46,1% phiếu phổ thông. Tỷ lệ ủng hộ ông trong suốt nhiệm kỳ cũng không có nhiều thay đổi và chủ yếu vẫn là từ những cử tri trung thành.

Cũng chính nhờ vào những người ủng hộ trung thành này, cho dù xảy ra đại dịch, suy giảm kinh tế, bất ổn cực đoan, cũng như sự “thất thường” của ông Trump, tỷ lệ ủng hộ ông vẫn không giảm quá nhiều so với mức sàn 42,5% theo thăm dò của fivethirtyeight.com trong tuần trước.

“Ông Trump là Tổng thống tệ nhất từ trước tới nay. Các sử gia sẽ không dành quá 10 phút để tranh luận về điều này. Nhưng ông ấy thực sự đã xây dựng được một căn cứ vững như bàn thạch”, Larry Sabato, người điều hành Trung tâm chính trị thuộc Đại học Virginia nhận định.

Điều đó phần lớn là do đảng Cộng hòa hiện nay đồng nhất về mặt tư tưởng hơn nhiều so với đảng Dân chủ thời Carter.

Các mối quan hệ của đảng Dân chủ trong khu vực bảo thủ nhất của nước Mỹ đã giúp ông Carter - cựu Thống đốc Georgia, giành được các bang miền Nam trong cuộc bầu cử năm 1976. Tuy nhiên, với một nhiệm kỳ đầy khó khăn, ông đã để mất sự ủng hộ đó, khiến mức ủng hộ ông từ 75% trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ giảm xuống chỉ còn một nửa vào mùa thu 1980.

Bất chấp mọi nỗ lực, trong cuộc bầu cử năm 1980, Tổng thống Carter chỉ thu hút được 41% số phiếu phổ thông và thua thê thảm về số phiếu đại cử tri trước Ronald Reagan với tỷ lệ 489-49.

Sự phân cực và thay đổi về nhân khẩu học

Tình trạng phân cực và thay đổi nhân khẩu tại Mỹ hiện nay đã khiến một số bang nhất định có sự khác biệt về quan điểm chính trị nhiều hơn so với bang khác.

Năm 2000, George W. Bush giành chiến thắng với cách biệt thấp nhất trong cử tri đoàn, trong khi thua đối thủ Al Gore về số phiếu phổ thông (cách biệt 0,5 điểm %). Năm 2016, ông Trump giành được nhiều hơn đáng kể về số phiếu đại cử tri dù thua cách biệt tới 2 điểm % về số phiếu phổ thông trước đối thủ Hillary Clinton.

Năm nay, diễn biến gay cấn ở các bang chiến địa đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ vẫn có cơ hội tái đắc cử dù ông thua số phiếu phổ thông trước đối thủ.

Đảng Dân chủ đã giành lại được thế đa số ở Hạ viện, nhưng họ lại thất bại ở một số cuộc đua vào vị trí Thống đốc và Thượng viện ở các bang chiến địa quan trọng.

Amy Walter, biên tập viên của tờ Báo cáo Chính trị Cook, cho rằng: “Ngay cả khi dẫn trước với cách biệt 8 điểm trong các cuộc thăm dò trên toàn quốc vẫn không đủ để đảng Dân chủ giành được Ohio hoặc Iowa. Điều đó cũng không đủ để nắm giữ được Florida”.

Hiện nay, ông Trump đang vận động rất tốt ở các bang đóng vai trò quyết định đối với kết quả bầu cử.

“Hiệu ứng 2016”

Các cuộc thăm dò trên toàn quốc năm 2016 không có nhiều khác biệt so với kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, một số cuộc khảo sát tại các chiến địa quan trọng đã đánh giá thấp quy mô của khối cử tri giai cấp công nhân. Những sai sót đó, cùng với lựa chọn của những cử tri quyết định vào phút chót đã tạo ra chiến thắng bất ngờ cho ông Trump trong Ngày Bầu cử.

Các cuộc thăm dò năm nay có thể tái diễn trường hợp trước đây. Tuy nhiên, chẳng có gì đảm bảo rằng các sai sót đó vẫn đánh giá thấp sự ủng hộ đối với ông Trump hiện nay.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ông Trump có thể đối mặt với một thất bại sau cùng như Carter từng gặp.

Dựa trên những tính toán về sự ủng hộ đối với ông Trump và ông Biden trong các nhóm nhân khẩu học quan trọng, nếu nó xảy ra ở các bang chiến địa quan trọng, chuyên gia hàng đầu về các cuộc bầu cử tại Mỹ Dave Wasserman dự đoán, ông Joe Biden, giống như Ronald Reagan 40 năm trước, có thể giành được tới hơn 400 phiếu đại cử tri dù tỷ lệ phiếu phổ thống chỉ ở mức hơn 50%.

Hoàng Phạm/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khả năng lặp lại “kịch bản Carter” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020