Theo dõi trên

“Gió dân chủ”

16/10/2020, 11:02 - Lượt đọc: 6

BT- Cuốn sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều do GSTS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên), NXB Ðại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh xuất bản quý I năm 2020, đưa vào dạy - học chưa đầy 1 tháng, trên cộng đồng mạng rộ lên làn sóng dư luận trái chiều, nhiều ý kiến phê phán phủ nhận giá trị nội dung cuốn sách. Một số độc giả thường theo dõi chuyên mục “Góc nhìn giáo dục” trên Bình Thuận cuối tuần đề nghị chúng tôi có ý kiến. Tôi nói, cần phải đọc kỹ nội dung bộ sách trước khi trao đổi. 

Nên trung thực để thuyết phục

Tất cả các ý kiến phê phán đều tập trung vào bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều biên soạn – là 1 trong 5 bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thẩm định, cho phép phát hành và đưa vào dạy – học bắt đầu từ năm học 2020 – 2021. Hiện nay, có một số trường dạy bộ sách này, có trường dạy bộ sách khác, giáo viên cũng có cách nhìn đánh giá về bộ sách này trái chiều. Tôi lần theo những ý kiến phía cộng đồng mạng, có người đề nghị thu hồi, không cho tiếp tục đưa cuốn sách này vào dạy – học ở lớp 1. Trong cách phê phán, thấy một số người trích dẫn ngữ liệu không đầy đủ, như văn bản bài học người soạn sách tách ra làm 2 phần cho 2 tiết học, nhưng người phê bình chỉ trích phần 1 để phê phán, không trích phần 2, làm cho nội dung ngữ liệu bị chệch hướng. Thậm chí có người đưa ngữ liệu không đúng sự thật. Ví như chụp hình ảnh một trang sách học về số 4 – chú thích ảnh minh họa là “Bốn cái làn”, làm cho những người không tìm hiểu đọc kỹ bộ sách mà chỉ đọc thông tin ấy trên mạng thì nhìn về bộ sách thật là tai họa. Tôi mở hết cuốn Tiếng Việt đến cuốn Toán lớp 1 của nhóm Cánh diều không thấy “Bốn cái làn” đâu cả, sau mới đọc thông tin của GSTS. Trần Đình Sử, là Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt, trả lời là không có cuốn sách nào trong 5 bộ SGK lớp 1 có cụm từ ấy.

Hãy trả đúng về cho lứa tuổi

Chúng tôi biết chọn ngữ liệu đưa vào SGK để dạy – học cho phù hợp với nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi là rất khó. Tuy nhiên, với những nhà sư phạm giàu kinh nghiệm không thể không làm được. Với bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh diều cũng có những ưu điểm, nhưng người phản biện nhắm vào những nhược điểm để góp ý. Riêng chúng tôi, ngoài những ý kiến nói về hiện tượng sử dụng từ ngữ, trong phần trích dẫn ngữ liệu, chúng tôi thấy cần trao đổi: Một số bài viết đưa vào sách – mà đây là SGK, chẳng có ý nghĩa gì về nhận thức và tình cảm đối với học sinh lớp 1, đơn cử như bài “Nằm mơ” ở trang 93.

 Đặc biệt là những bài “tập đọc” phóng tác theo tác phẩm của tác giả nước ngoài, như bài “Gà và ve” ở trang 67 và 69, người soạn sách ghi: “Phỏng theo LA PHÔNG-TEN (Minh Hoài kể), cách đưa ngữ liệu cho học sinh lớp 1 học như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy: Nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng Jean de La Fontaine (1621 – 1695) của Pháp chỉ có bài “Ve và kiến” chứ không có bài nào “Gà và ve”. Phóng tác sửa đổi tùy tiện như vậy để dán vào bộ não nhận thức đầu đời trắng trong của bé, nếu sau này không có điều kiện nghiên cứu thêm, các cháu cứ nghĩ La Fontaine có bài thơ “Gà và ve”. Một điều hiển nhiên mà ai cũng thấy, thơ ngụ ngôn của La Fontaine luôn dựa vào những đặc điểm riêng biệt của con vật, rồi nhân hóa, rút ra bài học giáo dục cho trẻ nói riêng và con người nói chung. Kiến là một loài vật hết sức cần mẫn, chăm chỉ, âm thầm, lặng lẽ (không hát hò phô trương), luôn lo tìm kiếm tích lũy thức ăn, khác với con ve, cứ kêu (hát) suốt cả mùa hè cho đến khô xác rồi chết. Còn con gà lại có đặc tính hoàn toàn khác với con kiến, nó chỉ đi kiếm ăn trong ngày chứ không biết cách tích trữ thức ăn như kiến. Thế thì gà có gì đâu mà cho ve đến vay?! Hết sức sai lầm của người viết trích dẫn ngữ liệu cho học sinh. Một điểm nữa nổi lên của bộ sách là người viết đứng ở bên ngoài nhìn vào trẻ, rồi suy luận, tưởng tượng về trẻ là thế, rồi viết theo cảm nhận của mình gán vào cho trẻ học – học theo cái của người lớn chứ không phải của trẻ thơ, nên sách cho các cháu học thấy khô khan, nặng về suy luận – với trẻ (lớp 1) không phải lúc nào cũng cứ suy luận là phát huy tính tích cực, trải nghiệm, sáng tạo đâu, người viết chưa nhập thân vào bên trong để nói lên – viết về những gì thuộc về nhận thức, cảm xúc hồn nhiên, nhẹ nhàng, trong sáng của trẻ. Thế nên xuyên suốt bộ sách người viết đã sử dụng ngôn ngữ người lớn áp đảo ngôn ngữ trẻ con.

Sao chỉ tập trung vào 1 bộ sách

Khi viết những dòng này, tôi thấy có luồng “gió dân chủ” khi đọc được thông tin từ Chính phủ (Thủ tướng), đến lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Chủ biên SGK lắng nghe và tiếp thu ý kiến công luận để tiếp tục rà soát chỉnh sửa lại nội dung cho phù hợp. Nhưng theo tôi, không chỉ rà soát lại bộ sách của nhóm Cánh diều, mà cần rà soát hoặc thẩm định lại tất cả 5 bộ sách lớp 1 đang đưa vào giảng dạy hiện nay.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Gió dân chủ”