Theo dõi trên

Ðẩy mạnh cơ cấu ngành, lĩnh vực, các vùng gắn 3 trụ cột kinh tế

16/10/2020, 09:27 - Lượt đọc: 18

BT- Nội dung trên đã được đồng chí Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thay mặt Ban Cán sự UBND tỉnh, tham luận đã trình bày tại Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tham luận nêu rõ để đạt mục tiêu đến năm 2025, Bình Thuận có tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 40 - 40,5%; dịch vụ tăng lên 36,5 - 37%; nông - lâm - thủy sản giảm còn 22 - 23% trong giá trị tăng thêm. Tập trung thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp. Theo đó, nhiệm vụ chung cho các ngành, lĩnh vực để thúc đẩy theo cơ cấu kinh tế cần phải tập trung lập và thực hiện tốt quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 với các yếu tố phát huy tiềm năng, lợi thế từng ngành; tích hợp phương án phát triển, phân bố không gian phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tránh chồng lấn; đặc biệt tập trung giải quyết mâu thuẫn giữa lĩnh vực khoáng sản và du lịch, tiềm năng đất đai chưa được khai thác, nhất là khu vực ven biển.

Làm rõ cụ thể đối với từng nhóm ngành, lĩnh vực, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện tại đã có thể thấy những nét chính, tạo tính đột phá. Cụ thể, với phát triển các ngành công nghiệp, trong đó nổi lên là công nghiệp năng lượng, hiện đã có 25 dự án điện hoàn thành với công suất 3.983 MW và theo quy hoạch giai đoạn sau năm 2020 sẽ có thêm 35 dự án tiếp tục đầu tư với công suất 7.747 MW cùng các dự án điện gió đang khảo sát với tổng công suất dự kiến 15.000MW... Vì vậy, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng cần tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, mặt nước, quy hoạch đường truyền tải điện…

Đối với thực hiện cơ cấu lại và phát triển nhanh ngành dịch vụ, du lịch gắn kết phát triển các đô thị ven biển; đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cần tích cực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đề án “Xây dựng Bình Thuận thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia”, trong đó lấy khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và vùng phụ cận làm động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh…

Còn với lĩnh vực nông nghiệp, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và huy động các nguồn lực của tỉnh để đầu tư các công trình thủy lợi bảo đảm chủ động nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, dịch vụ. Theo đó, cần khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng sức cạnh tranh và bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tăng cường công tác truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường…  

Hảo Chi (lược ghi)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ðẩy mạnh cơ cấu ngành, lĩnh vực, các vùng gắn 3 trụ cột kinh tế