Theo dõi trên

90 năm - giữ vững niềm tin dân với Đảng

15/10/2020, 09:18

BT- Công tác dân vận có vị trí quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định công tác vận động và giác ngộ quần chúng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm kêu gọi, vận động nhân dân đứng lên làm cách mạng, giải phóng dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949, bài báo đã trả lời được các câu hỏi: Dân vận là gì? Ai làm công tác dân vận? Dân vận phải như thế nào? Chính vì vậy, vào tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận” Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15/10 hàng năm là Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là Ngày dân vận của cả nước.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “nhân dân vừa là chủ thể vừa là mục tiêu, động lực của cách mạng” và xác định công tác dân vận là vấn đề có tính chiến lược, là điều kiện quan trọng củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thu phục được lòng dân, làm cho dân tin, dân theo thì việc khó mấy cũng thành công; đó chính là kinh nghiệm của cha ông ta trong lịch sử được Bác Hồ đúc kết thành quan điểm “Dân vận khéo thì việc khó mấy cũng thành công”; đoàn kết dân tộc trên cơ sở có sự “đồng tâm”, “đồng sức”, “đồng lòng”, “đồng thuận”, “đồng hưởng” của toàn dân, từ nhiệm vụ và mục tiêu đoàn kết, công tác dân vận hướng toàn dân tộc vào thực hiện mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng. Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc, công tác dân vận là đỉnh cao nghệ thuật tập hợp lực lượng khổng lồ của quần chúng nhân dân để làm nên Cách mạng Tháng Tám, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, công tác dân vận là khúc tráng ca yêu nước và niềm tin chiến thắng, là sự chia sẻ đến từng hạt thóc, củ khoai, là sự hy sinh, cống hiến máu xương không kể xiết của hàng triệu gia đình và con dân đất Việt để làm nên chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu (7/5/1954); giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) và bảo vệ toàn vẹn biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Trong thời kỳ xây dựng đất nước và thực hiện công cuộc đổi mới, công tác dân vận đã hướng vào vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Trong những năm gần đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã xuất hiện hàng ngàn mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, tạo nên những khởi sắc mới trong phong trào thi đua yêu nước.

Đối với Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, quán triệt sâu sắc quan điểm “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị...” và phương châm “Công tác dân vận phải đi trước một bước”; các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ tỉnh luôn nhận thức được vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác dân vận của tỉnh đã tập trung vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào cách mạng qua từng thời kỳ; nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, qua đó đã xuất hiện nhiều điển hình, mô hình “Dân vận khéo” có hiệu quả và được nhân rộng, lan tỏa. Những năm gần đây, công tác dân vận đã tham gia vào quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh ngay từ khâu thông báo chủ trương đến khâu giải phóng mặt bằng, đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư, tái định canh cho các hộ dân; nhờ thực hiện tốt quy trình công tác dân vận nên nhìn chung các dự án triển khai đều nhận được sự đồng tình của đa số nhân dân trong vùng và hoàn thành đảm bảo tiến độ. Tuy còn những hạn chế, khuyết điểm, song công tác dân vận ngày càng được các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm thực hiện. Nhờ làm tốt công tác dân vận, “Dân vận khéo” nên đã giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong nhân dân, chăm lo tốt đời sống nhân dân, qua đó nhận được sự đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; mối quan hệ máu thịt của Đảng, chính quyền với nhân dân được củng cố, tăng cường.

Từ thực tiễn triển khai công tác dân vận của Đảng qua các thời kỳ cách mạng và vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác dân vận, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp khi ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện các dự án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, phải hướng đến giải quyết nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân, “đặt lợi ích nhân dân lên trên hết”. Tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an sinh, làm cho cuộc sống người dân được nâng lên, đời sống văn hóa tốt hơn, môi trường sống an toàn hơn. Đồng thời, tổ chức các hình thức phù hợp để người dân tham gia vào các khâu của quá trình ban hành chủ trương, chính sách; tham gia giám sát, phản biện, thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để “ý Đảng” hợp với “lòng dân”...

Hai là, phải quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đạo đức trong Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu để nhân dân noi theo, “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn nữa cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân. Cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên tiếp dân, lắng nghe tiếng nói của dân và đối thoại với nhân dân.

Ba là, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội phải năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, sát đoàn viên, hội viên và đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tăng cường phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội; thông qua Mặt trận, đoàn thể để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách; mặt khác, qua hoạt động thực tiễn, Mặt trận, các đoàn thể phản ánh kiến nghị của nhân dân về tính “sát thực” của các chủ trương, chính sách đó.

Bốn là, tổ chức các hình thức tiếp cận linh hoạt, phù hợp để nắm bắt kịp thời tình hình nhân dân; trong đó, chú ý theo dõi những vấn đề người dân quan tâm, dư luận xã hội, những diễn biến trên mạng xã hội để có hình thức giải quyết phù hợp, phải xem mạng xã hội là môi trường hoạt động của công tác dân vận; mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức tuyên truyền, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, đồng thời có hình thức phù hợp để định hướng dư luận xã hội, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, lệch lạc, xấu độc trên mạng xã hội.

Năm là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, quan tâm nhân rộng những mô hình, điển hình làm công tác dân vận hiệu quả để lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội.

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì công tác dân vận của Đảng càng có ý nghĩa quan trọng. Do vậy, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và hiệu quả công tác dân vận; lấy lợi ích của nhân dân, lòng tin của nhân dân làm mục tiêu và động lực để hành động nhằm tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, giữ vững độc lập dân tộc gắn với mở rộng quan hệ quốc tế để phát triển đất nước.

 Đặng Hồng Sỹ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
90 năm - giữ vững niềm tin dân với Đảng