Theo dõi trên

Du lịch Bình Thuận - tuổi 25 sôi động

02/10/2020, 09:21

BT- LTS: Sắp tới, nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/1995-24/10/2020), nhiều hoạt động sẽ được tổ chức. Nhân dịp này, Báo Bình Thuận có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Chính - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận.

Thưa ông, là người đã có 1/4 thế kỷ gắn bó với ngành du lịch Bình Thuận từ lúc mới hình thành, điều ông tâm đắc nhất trong các thành tựu phát triển du lịch 25 năm qua là gì?

                
   Ông Ngô Minh Chính.

Ông Ngô Minh Chính:  Kể từ sự kiện nhật thực toàn phần, cả nước và thế giới biết đến du lịch Bình Thuận nhiều hơn, không gian hiền hòa của thành phố trẻ Phan Thiết và những làng chài yên bình nép mình bên biển xanh bỗng trở nên nhộn nhịp và sôi động bước chân du khách gần xa. Ngày 3/7/1995, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về Đổi mới và phát triển du lịch trong tình hình mới, đánh dấu bước ngoặt xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, không chỉ lượng khách đến tăng đều hàng năm mà hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến đầu tư các dự án du lịch dọc theo dải bờ biển xinh đẹp, từ những làng chài yên bình bên biển xanh dần trở thành những khu du lịch sang trọng hấp dẫn du khách.

Ngày 3/10/2011, Tỉnh ủy Bình Thuận ra Nghị quyết 06-NQ/TU về Phát triển du lịch đến năm 2015, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, từng bước mở rộng phát triển ra các địa bàn còn lại theo quy hoạch. Và với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, sản phẩm chất lượng cao và có thương hiệu, Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy ra đời phát triển du lịch đến năm 2020, Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, Mũi Né là khu du lịch quốc gia. Ngày 18/12/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng ký Quyết định 1772/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, ngày 24/8/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký quyết định công nhận Mũi Né là Khu du lịch quốc gia.

Sau 25 năm phát triển, du lịch Bình Thuận đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và tiến gần đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Phan Thiết - Bình Thuận đã trở thành điểm đến hấp dẫn, hiện đại và sang trọng, được du khách khắp nơi đặt cho danh xưng “thiên đường nghỉ dưỡng” của Việt Nam. Du lịch Bình Thuận với những nét đặc trưng riêng “Biển xanh - Cát trắng - Nắng vàng” đã là nơi được chọn tổ chức nhiều sự kiện đánh dấu sự trưởng thành của ngành du lịch. Đó là Festival Thuyền buồm quốc tế, Giải Lướt ván buồm thế giới tranh Cup PWA, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế, vòng thi Hoa hậu Trái đất thế giới, vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại Dương Việt Nam 2014, các giải thi đấu golf, thi đấu thể thao bãi biển cấp quốc gia và khu vực.

Với những tiềm năng và sức hấp dẫn đã được khẳng định, những năm qua, tốc độ tăng trưởng đối với 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành du lịch là thu hút khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch luôn duy trì ở mức khá cao. Lượng khách du lịch tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2006 - 2009 tăng 12,36%/năm, 2010 - 2015 tăng 12,47%/năm, 2015 - 2020 tăng 10 - 12%/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế dài hơn, quay trở lại nhiều lần hơn, trong đó có nhiều du khách quay lại từ 5 lần trở lên và xem Mũi Né như là quê hương thứ 2 của mình. Doanh thu du lịch tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2006 - 2009 tăng 32,97%/năm; 2010 - 2015 tăng 23,59%/năm; 2015 - 2020 tăng 18%/năm; đến năm 2020, thu hút 7 triệu lượt khách, đóng góp 10% GRDP của tỉnh, đến năm 2030 tổng lượng khách đến đạt 17,5 triệu (quốc tế đạt 2,2 triệu), doanh thu đến năm 2030 đạt trên 78.000 tỷ đồng.

                
      Lướt ván buồm hấp dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: Đình Hòa

Là một lãnh đạo luôn tâm huyết với du lịch tỉnh nhà, bên cạnh những điều tâm đắc, chắc rằng ông còn những điều trăn trở?

Tuy nhiên, những năm qua, ngành du lịch phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó, vẫn còn hạn chế về kết cấu hạ tầng; vệ sinh môi trường, các dự án du lịch bị chồng lấn với các dự án khai thác titan. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng và phong phú, khu vui chơi giải trí đẳng cấp còn thiếu nên vẫn chưa đủ hấp dẫn mọi du khách, sức cạnh tranh còn thấp.

Thưa ông, nghị quyết của Đảng đã xác định sẽ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chặng đường những năm tới, theo ông cần phải tập trung vào những nhiệm vụ nào?

Cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong giai đoạn mới, ngành du lịch Bình Thuận tiếp tục thực hiện chiến lược và định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo ra những bước phát triển đột phá về mọi mặt cho ngành du lịch Bình Thuận, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch duyên hải Nam Trung bộ và cả nước, phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

                
      Du khách tham quan Suối Tiên - Mũi Né. Ảnh: Đình Hòa

Thời gian tới, Mũi Né sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu những khách hàng mục tiêu với bến du thuyền mang tính biểu tượng, khu phố bar sống động và trung tâm mua sắm ngoài trời. Mũi Né sẽ là điểm đến để tổ chức thường niên các cuộc thi lướt ván diều, lướt ván buồm, các hoạt động thám hiểm sinh thái đồi cát, thám hiểm sinh thái trên đất liền và một khu phức hợp thể thao đa năng sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách. Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ là trung tâm spa với Viện Chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng và cũng là một trung tâm hội nghị, triển lãm phục vụ loại hình du lịch MICE mà du khách - thương gia quan tâm.

Cùng với đó, hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu để rút ngắn thời gian đến Bình Thuận với việc nâng cấp hoặc xây mới ga tàu lửa, đường cao tốc, sân bay, đường thủy, giao thông kết nối các trung tâm du lịch. Đặc biệt, Mũi Né sẽ có một chiến lược makerting trên phạm vi toàn cầu, tạo ra một hình ảnh an toàn, thân thiện và hấp dẫn mời gọi du khách đến trải nghiệm và nghỉ dưỡng, trong đó nghiên cứu thành lập Trung tâm Makerting và Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ chất lượng cao.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Khôi Nguyên (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Bình Thuận - tuổi 25 sôi động