Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ đỏ:

29/09/2020, 15:41

Khi dân có Đảng “sát cánh”

BTO- Đứng trước những nguy cơ tổn thất về người và tài sản do thiên tai gây ra, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo, tập trung các giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ vậy, đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Bài 1: Những tổn thất do thiên tai

Ám ảnh… khi bão qua

Thiên tai, vốn dĩ chẳng ai lường trước được. Nhiều năm qua, các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai như bão, lũ, lốc xoáy, triều cường…gây tổn thất nặng nề về người và tài sản của nhân dân. Riêng ở Bình Thuận, với bờ biển dài 192 km, diện tích thuộc vùng nội thủy 52.000 km2 và địa thế có đảo Phú Quý diện tích 1.772 ha nằm ngoài khơi, cách Phan Thiết 60 hải lý về phía Đông Nam. Đây được coi là đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng trong chiến lược biển của đất nước. Đặc biệt, đối với người dân ven biển nói chung và Phú Quý nói riêng, thủy sản là ngành kinh tế quan trọng của địa phương, trong nhiều thời kỳ được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

                
      Người dân chia sẻ về mất mát do triều cường gây ra.

Vậy nhưng, ở nơi biết bao thế hệ sinh sống ấy, hậu quả do thiên tai gây ra vẫn là nỗi ám ảnh của không chỉ ngư dân đảo Phú Quý, mà còn là của người dân sinh sống ven biển, cho đến tận vùng núi cao. Nỗi ám ảnh ấy có lẽ sẽ mãi hằn sâu trong tâm trí của ông Nguyễn Văn Chá - thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý. Đã ngoài 60 tuổi, nên sau hơn 30 năm lăn lộn mưu sinh bằng nghề biển ở khơi xa, nay ông gác lại những tháng ngày lênh đênh trên sóng. Bằng ánh mắt xa xăm, mỗi khi nhớ lại trận bão lịch sử đổ bộ trực tiếp vào đảo Phú Quý vào năm 2006, trong lòng ông Chá và những người dân Phú Quý vẫn còn hoảng sợ. Ông mường tượng nhớ về cảnh bão mạnh đổ bộ khiến hàng trăm chiếc tàu thuyền va vào nhau bể nát, nhà cửa hoang tàn. Sức tàn phá của bão lũthật khủng khiếp, phá tan biết bao của cải, công sức của con người chỉ trong chốc lát.

Thiệt hại nặng nề

Còn ở đất liền, những cái tên địa danh ven biển như Liên Hương (Tuy Phong), thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành, phường Hàm Tiến (TP. Phan Thiết), Phước Lộc (La Gi) đã được nhắc rất nhiều. Bởi lẽ, đó là những vùng ven biển nhiều năm liền đã hứng chịu sức tàn phá của triều cường, sạt lở bờ biển. Nhìn mái nhà, đất dai dần bị trôi ra biển theo thời gian, khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh khốn khó.

Đơn cử tại khu vực Hàm Tiến, suốt nhiều năm nay, khu vực quán kinh doanh ăn uống của gia đình ông Nguyễn Văn Năm, tình trạng sạt lở bờ biển xảy ra rất nghiêm trọng. Biển đã ăn sâu cả chục mét, sát khu vực bàn ghế ngồi của khách, khiến không ít người lo sợ sụp lún. Ông Năm cho hay, cách đây khoảng 5 năm, bờ kéo dài ra biển khoảng 20 m, nhưng nay đã bị “ăn” sâu. Gia đình đã bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để gia cố, che chắn nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề.

Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Chỉ tính riêng trong năm 2019, Bình Thuận chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, các công trình và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Đến tháng 12/2019, nhiều đợt sóng to, gió mạnh kết hợp triều cường gây sạt lở và hư hỏng kè bảo vệ bờ biển tại các địa phương Tuy Phong, thị xã La Gi và TP. Phan Thiết. Cụ thể, thiên tai đã khiến 1 người bị chết, mất tích, gần 40 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng, gần 3.200 ha diện tích nông nghiệp bị hư hại… Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra gần 64 tỷ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020, Bình Thuận chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình hạn hạn kéo dài, khiến gần 27.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 14.000 ha cây trồng phải cắt giảm sản xuất. Trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 128 vụ tai nạn, sự cố, làm chết và mất tích hơn 100 người, nhiều tàu cá bị chìm, hư hỏng…

Trước sức tàn phá của thiên tai, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại, huy động tối đa các nguồn lực hiện có của các địa phương, ngành và xuất chi từ nguồn Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách tỉnh, nguồn thu quỹ Phòng chống thiên tai để hỗ trợ kịp thời cho người dân các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra, nhằm ổn định đời sống, sản xuất và sửa chữa công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, phục hồi tái thiết sau thiên tai; đồng thời, tập huấn cho người dân… với số tiền trên 96,979 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nhấn mạnh: Ở những tháng còn lại của năm 2020, nhận định tình hình thiên tai còn diễn biến phức tạp. Do đócác ngành, địa phương cần chủ động triển khai công tác ứng phó phòng, chống thiên tai. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát kỹ lưỡng, lập các phương án di dời dân ở các khu vực xung yếu khi mưa bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ và tổ chức khắc phục thiệt hại sau thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức và chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai…

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ đỏ: