Theo dõi trên

Có nên cho học sinh dùng điện thoại trong lớp?

29/09/2020, 13:30

BTO- Việc cho phép học sinh trung học dùng điện thoại di động trong giờ học đang được bàn luận sôi nổi trên báo chí. Để góp thêm một góc nhìn khác, bài này giới thiệu một số khảo sát về thần kinh học và y học đối với việc sử dụng “màn hình” ở trẻ em Âu Mỹ.

                
      Ở Mỹ, trẻ dưới 2 tuổi dành 42 phút mỗi ngày cho màn hình. (Jenko    Ataman).

Thực trạng sử dụng “màn hình” ở trẻ em Âu Mỹ

“Màn hình” là thuật ngữ được báo chí Âu Mỹ dùng để chỉ chung các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính, trò chơi điện tử và truyền hình.

Theo Michel Desmurget - giám đốc nghiên cứu của INSERM (Pháp), trẻ em châu Âu từ 2 tuổi dành 3 giờ mỗi ngày cho màn hình. Với các lứa tuổi 8 - 12 và 13 - 18, thời gian dành cho màn hình là 4 giờ 45 phút và 6 giờ 45 phút mỗi ngày. Trong một năm, trẻ mầm non châu Âu dành 1 nghìn giờ cho màn hình (nhiều hơn số giờ của một năm học). Với học sinh lớp 4, 5 hoặc trung học phổ thông, con số tương ứng là 1.700 giờ hoặc 2.400 giờ (gấp 2 lần hoặc 2,5 lần số giờ của một năm học).

  Ở Mỹ, người dưới 8 tuổi  dành 2 giờ 19 phút mỗi ngày cho màn hình, nhiều hơn 24 phút so với năm 2011.  Ngay trẻ em dưới 2 tuổi cũng dành 42 phút mỗi ngày cho màn hình.
  Tác động  của màn hình đối với não
  Nhiều nghiên cứu về tác  động của màn hình đối với não trẻ em đã được thực hiện. Gõ hai từ khóa  screen time (thời gian dành cho màn hình) và children (trẻ em) trên PubMed  (cơ sở dữ liệu về sinh học và y học trên các tạp chí khoa học), ta thấy có  khoảng 1.589 kết quả.
  Tháng 12/2018, các nhà  nghiên cứu Mỹ chứng tỏ trẻ em dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và  trò chơi điện tử hơn 7 giờ một ngày có dấu hiệu vỏ não mỏng đi sớm. Tháng  8/2019, một nghiên cứu của Oxford Internet Institute (Anh) chứng minh có sự  tương quan (correlation) giữa thời gian ngồi trước truyền hình và các chức  năng nhận thức tâm lý.
  Tạp chí JAMA Pediatrics  (Mỹ) ngày 4/11/2019 cho rằng màn hình làm thay đổi cấu trúc não của trẻ em.  Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 47 phụ huynh có con từ 3 - 5 tuổi về số lần  trẻ em sử dụng các loại màn hình và nội dung đã xem. Sau đó, họ cho trẻ làm  kiểm tra về đọc hiểu, diễn đạt và xem xét bản scan não của chúng. Kết quả  cho thấy trẻ càng dành nhiều thời gian cho màn hình thì càng có điểm thấp  trong bài kiểm tra vì có từ vựng ít hơn, đọc kém hơn và mất nhiều thời gian  hơn để gọi tên đồ vật.
  Nhiều nghiên cứu khác cho  thấy mối tương quan giữa thời gian dành cho màn hình và việc giảm khả năng  nhận thức, tăng lo lắng, khó tập trung, thiếu ngủ, trầm cảm hoặc béo phì.

Các yếu tố cần tiếp tục nghiên cứu

Phần lớn các nghiên cứu về tương quan giữa thời gian dành cho màn hình và năng lực nhận thức đều dựa trên dữ liệu do cá nhân cung cấp. Độ tin cậy của dữ liệu này cần được kiểm chứng. Andrew Przybylski - giám đốc Oxford Internet Institute - cho biết chỉ gần 1/3 số người được điều tra cung cấp chính xác thời gian dành cho màn hình.

Về mặt toán học, hai đại lượng có tương quan không hẳn là có quan hệ nhân quả vì chúng có thể cùng chịu tác động của những đại lượng trung gian khác. Hơn nữa, có khi rất khó xác định quan hệ nhân quả trong một số thực nghiệm. Daniel R. Anderson - giáo sư tâm lý học tại ĐH Massachusetts - còn cho rằng ở trẻ em, sự phát triển chậm của não dẫn đến việc ngôn ngữ kém phát triển và sử dụng màn hình nhiều hơn thay vì ngược lại.

Đối với sự thay đổi của võ não, khó có thể đọc các bản scan và diễn giải một cách chắc chắn. Ngoài ra, luôn tồn tại những khác biệt lớn trong cấu trúc não của mỗi người và các kết nối giữa các phần của não liên tục được tạo ra hoặc bị phá vỡ.

Nội dung quan trọng hơn thời gian

Các chuyên gia cho rằng loại hoạt động trước màn hình quyết định nhiều hơn thời gian dành cho màn hình. Pete Etchells - giáo sư ĐH Bath Spa (Anh) - phát biểu trên New Scientist: “Thời gian dành cho màn hình là một thông số dễ đo lường nhưng hoàn toàn vô nghĩa”. Thật vậy, tham gia các trò chơi giáo dục hoặc trò chơi tương tác sẽ kích thích bộ não khác với xem phim hoạt hình một cách thụ động.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics vào tháng 9/2019 cho thấy không có mối liên hệ rõ rệt giữa thời gian dành cho màn hình và kết quả học tập nói chung. Tuy nhiên, lạm dụng truyền hình và trò chơi điện tử dường như dẫn đến kết quả không tốt lắm về toán và ngôn ngữ.

Thay lời kết luận

Theo báo cáo ngày 15/9/2015 của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), những nước sử dụng nhiều công nghệ số trong nhà trường không hẳn có kết quả PISA tốt.

Báo cáo của OECD cho biết 72% học sinh các nước thành viên OECD sử dụng máy tính cá nhân hoặc máy tính bảng tại trường. Ở Hàn Quốc và Thượng Hải (xếp thứ nhất và thứ năm môn toán PISA 2012), tỷ lệ này chỉ là 42% và 38%. Nhìn chung, kết quả PISA 2012 của những nước sử dụng nhiều công nghệ số trong trường học (đặc biệt là Tây Âu) đều bị thụt lùi so 2009. Ngược lại, những nước sử dụng có chừng mực công nghệ số đều có kết quả PISA tốt.

Tác động xấu của công nghệ số đến dạy và học có nhiều nguyên nhân mà hai trong số đó là sự “bội thực” thông tin và sự phụ thuộc vào công nghệ. Đối với nguyên nhân thứ nhất, việc có thể tìm được nhiều thông tin trên mạng khiến học sinh lẫn giáo viên trở nên dễ dãi trong việc kiểm chứng và hệ thống hóa thông tin. Liên quan đến nguyên nhân thứ hai, học sinh và giáo viên ngày càng phụ thuộc nhiều vào các phương tiện hỗ trợ và công nghệ số. Nhiều học sinh không thể giải bài tập nếu thiếu máy tính cầm tay hoặc phần mềm máy tính.

Úc và Na Uy (thứ 19 và 30 môn toán PISA 2012) là ngoại lệ dù đã đưa công nghệ số vào nhà trường từ 5 - 10 năm nay. Theo OECD, Úc và Na Uy thành công vì sử dụng công nghệ số để thay đổi phương pháp giảng dạy, tác động đến cả ba đối tượng học sinh (khá, giỏi; trung bình; yếu, kém) và tạo ra sự tương tác thật sự giữa người dạy và người học.

CÔNG KHANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có nên cho học sinh dùng điện thoại trong lớp?