Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ đỏ

28/09/2020, 16:17

Người đảng viên đam mê sáng tạo…

BTO -Hầu như trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật Bình Thuận những năm qua, thạc sĩ Lê Việt Kỳ công tác tại Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học & Công nghệ Bình Thuận) đều tham gia với tư cách cá nhân hoặc cùng nhóm và đoạt giải. Kỳ đam mê nghiên cứu, sáng tạo để tìm ra cái mới ứng dụng phù hợp vào điều kiện thực tế của mỗi vùng đất nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống.

Nấm đông trùng hạ thảo

Theo học thạc sĩ ngành Sinh học thực nghiệm Trường Đại học Đà Lạt, Lê Việt Kỳ có điều kiện tìm hiểu nấm đông trùng hạ thảo vốn thích nghi sinh trưởng vùng khí hậu mát mẻ ở thành phố hoa Anh đào; tốt nghiệp trở về công tác ở Bình Thuận anh đã đem kiến thức ấy hình thành ý tưởng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ngay tại xứ nóng thành phố Phan Thiết. Nói là làm, đề tài của anh được Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) chấp thuận, anh có điều kiện triển khai việc nuôi nấm ngay tại phòng thí nghiệm của trung tâm với các trang thiết bị phục vụ công việc mới mẻ này. Kỳ cho hay, trồng nấm đông trùng hạ thảo qua nhiều công đoạn từ giống gốc, nhân giống cấp 1, nhân giống cấp 2, sau cùng trồng nấm. Ngay trong khâu nhân giống phải chuẩn bị môi trường nhân tạo phù hợp như hấp khử trùng thời gian 30 phút ở nhiệt độ 121 độ C; cấy nấm vào trong môi trường vô trùng từ giống đông trùng hạ thảo cấp II dịch thể sinh trưởng khỏe 5 ngày tuổi, không nhiễm nấm bệnh; lượng giống cấy 5ml/lọ cơ chất. Tiếp đó ươm sợi nấm ở nhiệt độ 20- 25 độ C, độ ẩm 60- 70%, không cần ánh sáng, thời gian ươm khoảng 10 ngày đến khi hệ sợi ăn kín hoàn toàn mặt cơ chất. Công đoạn quan trọng kích cho ra quả thể nấm trong một tuần ở nhiệt độ 22 độ C, độ ẩm không khí 80- 90%, thời gian chiếu sáng 12 giờ/ngày. Sau khoảng hai tháng, quả thể đông trùng hạ thảo phát triển, kéo dài khoảng 5- 7 cm, phần đỉnh sinh trưởng quả thể nấm xuất hiện chấm màu trắng là thời điểm thu hoạch thích hợp. Quả thể sau thu hoạch được sấy ở nhiệt độ 40- 50 độ C, độ ẩm khoảng 10% đem bảo quản trong túi nilon buộc kín miệng hoặc trong các lọ thủy tinh đậy kín nắp, tránh ánh sáng trực tiếp.  

                
Lê Việt Kỳ kiểm tra nấm đông    trùng hạ thảo

Sau gần ba tháng nuôi trồng, chăm sóc tỉ mỉ như vậy, Lê Việt Kỳ đã cho ra lò những quả thể nấm có màu vàng óng ánh thật đẹp mắt, chứa đầy chất dinh dưỡng. Vậy là sản phẩm quý hiếm vốn đặc trưng của xứ lạnh đã được lai tạo thành công ở đất Phan Thiết. Nấm đông trùng hạ thảo xuất xứ từ Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận ra đời trên thị trường. Đảng viên Lê Việt Kỳ chia sẻ: “Ở các vùng Tây nguyên, Tây Bắc, một số doanh nghiệp nghiên cứu nấm đông trùng hạ thảo đều có những bí quyết về công thức dinh dưỡng, kỹ thuật chăm sóc khác nhau. Không nằm ngoài hướng phát triển đó, tôi dựa trên kiến thức chung trồng nấm, qua nhiều thử nghiệm các nghiệm thức dinh dưỡng, bản thân tôi đã tự tạo ra quy trình trồng nấm đông trùng hạ thảo cho Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh”… Hiện tại sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo chứa trong bịch nilon, hộp nhựa, ngâm rượu vàng óng ánh trong bình lớn trưng bày tại cửa hàng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm KHCN của Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh trên đường Võ Văn Kiệt, TP. Phan Thiết đều được bán hết. Giá sản phẩm cũng rất cạnh tranh, nấm đông trùng hạ thảo đựng trong hộp nhựa, khối lượng tịnh 10 gam giá 150.000 đồng được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Nấm có thể dùng chút ít pha với trà uống hàng ngày cho tinh thần minh mẫn, ngâm rượu, ngâm mật ong hoặc ăn trực tiếp đều cho dinh dưỡng cao; ngày nay các thực khách sành điệu còn dùng lẫu với xen lẫn nấm này. Bởi vậy, món “đông trùng hạ thảo” quý tộc ngày xưa, bây giờ không còn xa lạ với nhiều người ở thành thị, nông thôn, chính nhờ sự phát triển của KHCN mà thạc sĩ Kỳ đã nắm bắt, ứng dụng thành công ở địa phương. Hiện nay Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN có thể sản xuất 4 đợt nấm/năm, mỗi đợt lên đến 2.000 hộp nuôi nấm. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được giới thiệu ra các tỉnh thành Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh, tạo nguồn thu không nhỏ để phát triển sự nghiệp KHCN của đơn vị…

Giải pháp “Ứng dụng KHCN nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo” của đảng viên Lê Việt Kỳ nhận được phần thưởng cao quý: đoạt Giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo trong tầm tay của Bộ Khoa học & Công nghệ năm 2019; đoạt Giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII (2018- 2019). Với ứng dụng thành công này cho thạc sĩ Kỳ có cơ sở chủ nhiệm dự án cấp Nhà nước “Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bình Thuận” sẽ triển khai vào năm tới.

                
Rượu đông trùng hạ thảo.

Hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân

Niềm đam mê sáng tạo của đảng viên Lê Việt Kỳ luôn được khơi dậy trong công việc của mình. Người thạc sĩ trẻ tuổi này còn thực hiện nhiều đề tài thiết thực hỗ trợ nông dân ứng dụng ngay tại mảnh vườn gia đình họ. Đó là anh đã hỗ trợ kỹ thuật triển khai mô hình “4 trong 1” trồng nấm linh chi, nấm rơm, sản xuất phân hữu cơ, trồng rau mầm từ giá thể trồng nấm trên diện tích nhỏ ở vườn nhà bà Nguyễn Thị Lộc, thị trấn Liên Hương, Tuy Phong. Kết quả sau 5 tháng, bà Lộc thu được 35 kg nấm linh chi khô, 30 kg nấm rơm tươi, 1 tấn phân hữu cơ và giá rau mầm sạch; trừ chi phí đầu tư, khấu hao tài sản lán trại 13 triệu đồng/vụ, lợi nhuận 18 triệu đồng/vụ. “Mô hình trên mỗi năm có thể sản xuất 2 vụ, ước lợi nhuận thu hơn 35 triệu đồng/40 m2/2.000 bịch phôi. Quy mô trồng từ 5.000 bịch phôi nấm linh chi trở lên, lợi nhuận thu sẽ từ 50 triệu- 60 triệu đồng/năm”, anh Kỳ nói. Trước đó, anh cũng hỗ trợ kỹ thuật cho một số hộ dân trồng nấm linh chi ở huyện Tánh Linh, Đức Linh. Anh bảo rằng: “Nếu bà con nông dân có nhu cầu trồng nấm linh chi, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để họ thực hiện”. Ngoài ra, anh còn phối hợp đồng nghiệp trong đơn vị nghiên cứu, triển khai hơn 10 đề tài, dự án được ứng dụng hữu ích trong sản xuất, đời sống.

                
Sản phẩm nấm đông trùng hạ    thảo

Đảng viên Lê Việt Kỳ chia sẻ: “Lao động sáng tạo không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm, mà luôn suy nghĩ tìm ra cái mới, tìm cách giải quyết tối ưu, không ngừng nâng cao chất lượng công việc. Chính thực tế công việc phải sáng tạo phát triển sản phẩm mới, cũng như hoàn thiện quy trình đã nghiên cứu ra, hàng năm tôi cùng các đồng nghiệp ở đơn vị tập trung nghiên cứu khá nhiều sáng kiến khoa học công nghệ được công nhận tại Trung tâm Thông tin & Ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh”. Các sáng kiến, giải pháp hữu ích được trung tâm hỗ trợ kinh phí triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường, ứng dụng sản xuất nông nghiệp cho bà con nông dân vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình trong xây dựng nông thôn mới ngày nay… Hoạt động KHCN sáng tạo hữu ích của đảng viên Lê Việt Kỳ đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo, tại Quyết định số 992/QĐ-TLĐ ngày 15/7/2020. Trước đó, Lê Việt Kỳ được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS HCM về các giải pháp sáng kiến, sáng tạo trẻ; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 3 năm (2015, 2017, 2018), cùng nhiều giấy khen hoàn thành xuất sắc: trong phong trào thi đua, công tác xây dựng Đảng, công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở đơn vị. Người đảng viên Lê Việt Kỳ mới 5 tuổi đảng, 33 tuổi đời đã có lao động sáng tạo thật đáng trân trọng.

Thái Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ đỏ