Theo dõi trên

Trước thử thách

23/09/2020, 08:40 - Lượt đọc: 26

BTO- Chưa bao giờ, khó khăn lại bủa vây như năm nhuận 2020. Vì dịch Covid -19, thì ai ở Bình Thuận cũng đã nếm trải tác hại của sự ngưng lại, gián đoạn tất cả mọi hoạt động kinh tế - xã hội, kéo theo bao đổ vỡ, đứt gãy các chuỗi sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân. Nhưng điều đáng nói, năm 2020 cũng là năm cuối của chặng đường 5 năm với bao vướng mắc dồn về phải giải quyết, vì Bình Thuận đã ở thế nếu không phát triển vượt bậc, có nghĩa chấp nhận đứng lại…

Bài 1: Trắc trở như năm nhuận

Sát cánh

Đợt dịch Covid-19 đầu tiên của toàn quốc đã diễn ra bất ngờ tại Bình Thuận vào những ngày không xa sau Tết Nguyên đán Canh Tý, với những hệ lụy mang lại khiến mỗi khi nhớ đến, ai cũng rùng mình. Riêng với đội ngũ doanh nhân, đó là nỗi ám ảnh chưa từng gặp, chưa hề nghĩ đến, vì nguyên nhân của trở ngại, dừng lại, ngưng sản xuất kinh doanh của họ lần này lại bởi lý do từ trên trời rơi xuống. Thời gian đó, đã có hơn 50 kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gửi về các ngành chức năng ở tỉnh. Trong đó, có 47 kiến nghị thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã được các sở, ban, ngành giải quyết, còn lại 5 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương. Gần 2 tháng sau khi Bình Thuận khống chế được dịch bệnh, vào ngày 19/6/2020, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến “Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019” và lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nghe báo cáo tình hình khó khăn vướng mắc do dịch Covid-19 thì có thêm 32 kiến nghị nữa. Trong đó có 28 kiến nghị thuộc thẩm quyền UBND tỉnh đã được giải quyết và 4 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương.

                
      
         Bình Thuận có GRDP tăng chủ yếu nhờ vào nhiệt điện    Vĩnh Tân và các nhà máy điện mặt trời. Ảnh: Ngọc Lân

Điều đáng nói, hội nghị hôm ấy có sự tham dự của hơn 800 đại biểu, trong đó, doanh nghiệp có hơn 350 đại biểu. Qua đánh giá, đây là hội nghị có số lượng đại biểu tham dự đông nhất qua các kỳ tổ chức. Và đây cũng là năm không chỉ có số kiến nghị của doanh nghiệp nhiều xa so các năm trước, mà còn có tỷ lệ giải quyết kiến nghị nhiều nhất, nhanh nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì trước đó, hàng loạt kế hoạch đã được UBND tỉnh xây dựng và ban hành triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó có thành lập riêng một Ban chỉ đạo về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng tâm chỉ đạo, thực hiện từng quý trong năm 2020.

Song song đó, UBND tỉnh cũng mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp trên các mặt gắn kết với Chương trình hành động số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Theo đó, các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố bên cạnh tập trung thực hiện các nội dung công việc theo chức năng đã giao, còn trực giải quyết kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp và báo cáo cụ thể về UBND tỉnh theo tuần, theo tháng… Sự sát cánh này đã góp phần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp. 

 Giảm thiểu thiệt hại

Không nằm trong vòng xoáy làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 nhưng Bình Thuận cũng chịu ảnh hưởng ở thế như bị bồi thêm lần nữa. Dù vậy, với những chỉ đạo của Ban Thường vụ, sự nỗ lực của chính quyền, trong thời gian này, trên địa bàn tỉnh mọi hoạt động liên quan đến doanh nghiệp vẫn diễn ra theo hướng đã giảm thiểu tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Tính đến tháng 6/2020, các doanh nghiệp có doanh thu bị thiệt hại hơn 4.800 tỷ đồng, tính trên 1.029 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo danh mục ngành nghề, lĩnh vực được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP. Nếu so với tổng 5.588 doanh nghiệp đang hoạt động, con số doanh nghiệp bị thiệt hại chiếm tỷ lệ 13,65%. Nhưng mở rộng ra thì toàn tỉnh có 115 doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, 4.705 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tạm nghỉ, tập trung vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đã đẩy số người lao động ngưng việc và thất nghiệp lên con số 27.151 người.

Trong hoàn cảnh trên, các sở ban ngành theo chức năng, nhiệm vụ riêng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động theo đúng quy định. Như Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh xem xét giãn tiến độ cho 24 dự án do khó khăn, dịch bệnh và kéo dài thời gian nộp tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án cho 3 dự án. Còn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và chi hỗ trợ cho 15.145 hồ sơ, trong đó có 14.706 hồ sơ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; 155 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm... với số tiền hơn 15,3 tỷ đồng. Trong khi Cục Thuế tỉnh tính toán gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP cho 755 đơn vị với tổng số tiền gia hạn là 156.794 triệu đồng thì các chi nhánh ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.202 tỷ đồng/2.157 khách hàng, giảm lãi vay cho 86 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 141 triệu đồng/dư nợ 83,23 tỷ đồng. Riêng Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã điều chỉnh giảm tham gia bảo hiểm cho 12.393 lao động, trong đó có 5.609 lao động thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động, 5.554 lao động nghỉ việc không hưởng lương, xác nhận 5.674 sổ để bảo lưu…

Điểm đáng chú ý, dù tình hình dịch bệnh rối ren nhưng cũng trong thời gian đó, trên địa bàn tỉnh có 300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đồng thời cũng thu hút đầu tư được 36 dự án, với tổng diện tích đất 235,45 ha và tổng vốn đăng ký 5.288 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2019, có tăng 5 dự án và tăng 82,4% tổng vốn đăng ký. Ở diễn biến khác, trong khi các tỉnh, thành khác phát triển du lịch, dịch vụ đều có tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng trưởng âm, vì ảnh hưởng dịch Covid-19 thì Bình Thuận có GRDP tăng 3,81% so 6 tháng của năm trước và đang đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố.  

Theo phân tích của Cục Thống kê Bình Thuận, mức tăng này tuy không cao bằng mức tăng cùng kỳ của những năm trước, nhưng đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ. Còn so với những tỉnh phát triển dịch vụ du lịch lớn đều bị tăng trưởng âm GRDP thì Bình Thuận trở thành ngoại lệ, vì nhờ có khu vực công nghiệp tăng, trong khi 2 khu vực lớn khác đều bị âm. Đó là ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng âm 3,18%; ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 3,07%, do có đến 15.000 ha lúa đông xuân không thể sản xuất, vì hạn hán, nhiễm mặn. Duy chỉ  khu vực công nghiệp và xây dựng tăng, và mức tăng ấy có được chủ yếu nhờ sản xuất điện từ sự xuất hiện của nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng và các nhà máy điện mặt trời.

Với dịch bệnh, thiên tai của năm nhuận 2020 còn đang chập chờn phía trước, kịch bản nào để Bình Thuận đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP tăng 7,5%?

Bích Nghị

Bài 2: Như chạy trên cát



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trước thử thách