Mắt buồn
Mắt buồn
BT- Có những chỗ
nằm chỉ đủ để ngã lưng, có những người vừa gồng gánh trên thân thể cùng lúc
nhiều nỗi đau. Không thấy ánh sáng, tâm trí cũng chẳng được như người bình
thường. Họ nằm đó, bơ vơ trong góc nhà… tối tăm. Ngay cả những người đến thăm,
cũng lẳng lặng với khoảng không đó, vội vàng trao gởi chút nghĩa tình giữa đời.
 |
Các tình nguyện viên thăm ông Đa. |
Bóng tối cuối đời
Không biết có quá
không khi gọi họ như thế, nhân chuyến thăm mới đây của chúng tôi cùng những
gương mặt thiện nguyện dành cho những người không may mất đi ánh sáng. Ánh sáng
là thứ duy nhất giúp ta nhìn thấy cuộc sống của quê hương, cuộc sống của chính
mình, để những bước đi vững chãi hơn. Với họ thì khác, cả một quãng thời gian
dài chìm đắm trong bóng tối. Thứ họ đối diện chỉ là một màu đen của bóng đêm.
Thứ ánh sáng duy nhất, trong hành trình đời người, là lòng tin mà họ đã sống
trong chừng ấy thời gian.
Nơi đầu tiên chúng tôi
đến là căn nhà anh Nguyễn Trường Quốc (SN 1976), ở khu phố 7, phường Đức Long,
TP. Phan Thiết. Ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, dù được quét dọn nhưng vẫn xộc lên mùi
tiểu tiện. Tất cả vật dụng phía sau nhà đều phải đưa lên phía trước. Anh Quốc đã
mù lại còn mang thêm bệnh tâm thần. “Nhiều lúc chú nổi cơn có thể đánh bất cứ ai
ở gần, đập phá đồ đạc nên phải dời hết ra ngoài” – cháu trai của anh Quốc nói,
trong lúc anh đang nằm thiêm thiếp trên cái ghế xếp co ro quay vào góc tường.
Anh trai của Quốc vừa về tới nhà, ngỡ ngàng vì sự có mặt của chúng tôi. Thinh
lặng, vì có lẽ nhiều năm rồi cũng quen với cảnh này, khi hàng ngày phải dọn rửa
chỗ nằm cho người em vốn đã vô thức…
Hành trình của những
người san sẻ yêu thương lại tìm đến nhà ông Nguyễn Đa (khu phố 6, phường Lạc
Đạo), ông Đa ngồi trên chiếc võng đong đưa, 2 chân không còn vì biến chứng của
bệnh tiểu đường, mọi thứ chỉ trông chờ vào người con trai. Anh con trai không
lập gia đình riêng nên cứ thế chăm sóc cha mẹ già trong điều kiện không mấy khá
giả.
Nằm trong con hẻm nhỏ
ở khu phố 3, phường Lạc Đạo, nhà cụ Phạm Thị Nhung đang có đám tang người con
trai của cụ. Cụ Nhung đã 91 tuổi, dù đi phải có người dìu, nhưng tinh thần cụ
còn khá minh mẫn, cụ cười khi có mọi người đến thăm: “Tôi cảm ơn mấy cô chú, lúc
nào cũng nhớ đến tôi, trong lúc này tôi không biết nói sao, mời ly nước cũng
không xong. Không thấy đường mà tiễn con đi”. Mấy thành viên trong đoàn cũng chỉ
kịp đốt nén hương chia sẻ nỗi buồn của gia đình rồi tiếp tục hành trình.
Thật khó để hình dung
nơi mà bà Trần Thị Bé (SN 1953, ở khu phố 7, phường Lạc Đạo) đang sống bề ngang
chỉ hơn 1m, chiều dài chừng 3m. Trên tường vắt vẻo chiếc quạt, dưới là các ghế
xếp được dựng lên gọn gàng. “Tối thì bỏ xuống ngủ, nhiêu đó thôi con. Hàng xóm
thương cũng cho chút ít đắp đổi, chứ mắt mũi vầy còn làm được gì” - bà Bé cho
biết. Nhìn quanh quẩn trong cái chòi chẳng đủ chỗ cho vài người ngồi, chẳng có
thứ gì đáng giá, nhưng với bà Bé chẳng thể che lấp được nụ cười. “Số phận vậy
thì cứ lạc quan thôi con. Buổi tối, nghe kinh niệm phật tự nhiên thấy lòng thanh
thản và cũng không có gì phải suy nghĩ”.
Ước mơ
Dù thành lập đã 16
năm, được sự hỗ trợ nhiều của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhưng
Hội Người mù TP.Phan Thiết vẫn đang đứng trước những khó khăn. “Sắp tới chúng
tôi phải khảo sát lại toàn bộ 18/18 phường, xã. Thống kê toàn bộ những người
khiếm thị, khiếm thị cao tuổi nằm một chỗ, rồi có người khiếm thị cụt chân, bị
tai biến… Nhiều lắm. Vừa rồi chỉ là vài trường hợp điển hình thôi, từ đó chúng
tôi mới có cơ sở đề nghị lên trên có những chính sách phù hợp”, ông Lê Minh Tuấn
– Phó Chủ tịch Hội Người mù TP. Phan Thiết, cho biết. Hội Người mù TP. Phan
Thiết có 18 chi hội, rải đều ở 18 phường, xã nhưng 85% người mù lại già yếu, mất
sức lao động nên lúc nào sự thiếu thốn cũng thường trực, lúc nào cũng cần sự
giúp đỡ từ chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Dù như thế nhưng thời
gian qua, Hội Người mù TP. Phan Thiết đã có nhiều hoạt động thiết thực như chăm
lo bằng cách vận động các mạnh thường quân, là cầu nối để giúp đỡ hội viên.
“Giờ có trụ sở riêng,
nhưng hội lại đang đối mặt với nhiều nỗi lo. Làm cách nào để có thêm thu nhập
cho hội viên, sau khi học nghề có việc làm. Ước mơ của hội là có thêm kinh phí
để đầu tư làm cơ sở massage cho hội viên, không để phải đi tứ xứ, xót lắm. Người
khiếm thị vốn đã thiệt thòi nhiều thứ...”, anh Tuấn cho biết thêm. Ước mơ mở cơ
sở massage giờ vẫn chưa thể thực hiện được, có vài mạnh thường quân vừa hỗ trợ
vài bộ ghế, vài tấm nệm nhưng vẫn chưa thể đủ hoàn thiện ước mơ cho hội viên.
Ước mơ sẽ phải tiếp tục trông chờ.
Với người bình thường,
đôi mắt sẽ là nơi bắt đầu chạm ngõ đến những ước mơ, hy vọng và con đường nào đó
cho tương lai của đời mình. Nhưng thật khó khi những con người đang phải đối
diện với bóng tối lại là những con người gần như không còn tuổi lao động, người
trẻ thì còn cơ hội để vươn lên. Người khiếm thị neo đơn, khó khăn thì càng chông
chênh trước cuộc sống. Những đôi mắt đó đã quen với thứ ánh sáng chỉ là một màu
tối duy nhất. Buồn hay vui, chỉ chừng đó thôi.
Quang Nhân