Theo dõi trên

Nối mạng thủy lợi để thúc đẩy sản xuất

01/09/2020, 09:53

BT- Đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi, thủy sản, hạ tầng nông thôn đang được đặt lên hàng đầu, bởi nó góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân. Ở đâu có nước ở đó sản xuất sẽ phát triển…

                
      Hồ Sông Móng, Hàm Thuận Nam.

Nhận thức được điều đó, thời gian qua Chi cục Thủy lợi tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương tập trung huy động nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, các tổ chức quốc tế, vốn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi, thủy sản, cơ sở hạ tầng nông thôn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, hệ thống thủy lợi được Trung ương, tỉnh đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm, bức xúc, các công trình chuyển tiếp, như: hồ chứa nước Sông Lũy (Bắc Bình), phục vụ nước tưới 24.200 ha cây trồng; hệ thống kênh chính, kênh cấp 1 dự án thủy lợi Tà Pao (Tánh Linh) tưới 15.870 ha cây trồng; hoàn chỉnh hệ thống kênh cấp 3 dự án tưới Phan Rí - Phan Thiết; tuyến kênh dẫn nước Sông Móng - Đu Đủ - Tân Lập - Tà Mon, dài 32,7 km, với kinh phí 161 tỷ đồng. Đồng thời xây dựng hệ thống nối mạng thủy lợi giữa các vùng, nhằm dẫn nước từ nơi nhiều sang nơi ít, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân cũng như phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi.

Hệ thống nối mạng thủy lợi phía Nam tỉnh là Kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân, với kinh phí 377 tỷ đồng, có nhiệm vụ cấp nước cho các khu công nghiệp Tân Đức, Sơn Mỹ 2, bổ sung nước cho hồ Sông Dinh 3 (Hàm Tân) và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho 1.500 ha đất nông nghiệp của 2 huyện Tánh Linh, Hàm Tân. Kế đến là 3 tuyến kênh chuyển nước từ hồ Sông Dinh 3 về đập Cô Kiều, đập Suối Đó và hồ Núi Đất (La Gi), cung cấp nước tưới cho 1.580 ha cây trồng và phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân. Hệ thống nối mạng thủy lợi phía Bắc tỉnh là kênh tiếp nước Cà Giây - Cây Cà (Bắc Bình), phục vụ nước tưới 1.500 ha cây trồng; kênh tiếp nước hồ Đá Bạc ở Tuy Phong, tưới 650 ha cây trồng; kênh chuyển nước Phan Rí - Phan Thiết, phục vụ nước tưới 10.500 ha cây trồng. Đồng thời tranh thủ nguồn vốn ODA để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hồ đập, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng công nghệ cao như tưới phun, tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước, giảm ngày công lao động.        Nhờ các công trình thủy lợi và nối mạng hệ thống thủy lợi đã góp phần nâng tổng diện tích cây trồng có nguồn nước tưới ổn định toàn tỉnh lên 114.070 ha/năm, tăng 7.650 ha so năm 2015 và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân 31,57 triệu m3/năm, tăng 6,53 triệu m3 so 5 năm trước.

Ngoài ra, đơn vị còn tranh thủ các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa khoảng 19 km bờ kè dọc biển để phòng chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Giai đoạn 2020 - 2021, các đơn vị đang tiếp tục thi công hoàn thành 6 công trình kè biển với chiều dài 5,2 km, do Trung ương hỗ trợ vốn, nhằm khắc phục tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng xảy ra hàng năm. Tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá cửa biển La Gi; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Phú Hài và Khu công nghiệp chế biến thủy sản phía Nam Cảng cá Phan Thiết. Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt cũng được đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa, phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân và tạo điều kiện cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

N. Tuấn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nối mạng thủy lợi để thúc đẩy sản xuất