Theo dõi trên

Chuyện của má

28/08/2020, 09:20 - Lượt đọc: 33

BT- Còn nhớ khi tôi học hết lớp nhất lên đệ lục, má hàng ngày ra chợ nhỏ gần nhà buôn bán với sạp bán quần áo may sẵn và một ít vải vóc. Mỗi lần được nghỉ học tôi thường ra chợ phụ má, thấy người mua cũng khá đều đều. Cứ vài tháng là ba tôi tiếp thêm vốn. Vậy mà không hiểu sao hàng bán cứ ít dần theo thời gian. Rồi cũng đến lúc phải nghỉ bán vì không còn vốn, không còn hàng. Ba hỏi lý do vì sao, má nói do hàng tháng chi tiêu trong gia đình nhiều thứ quá nên cạn vốn. Ba cũng chỉ biết vậy thôi, chứ không hỏi thêm.

Mấy năm sau, do công việc làm ăn, ba tôi phải chuyển nhà về xóm bên, làng chài. Thấy má tôi ở nhà cũng buồn nên ba nói thôi buôn bán lại cẩn thận hơn để sinh sống, phải biết tính toán chớ buôn bán kiểu “cạn lời, ráo vốn” là không được. Vậy là má tôi mở trại bán cây làm nhà, lá buông lợp mái, lá chằm, tấm cót, tre và các thứ linh tinh khác. Trại gần xóm biển nên ngư dân thường đến mua lá, mua cây, mua cột về dựng nhà trên những dải cát ven biển để bà con dễ làm nghề chèo thúng hay thuyền nhỏ đi biển câu mực, đánh cá lưới cước. Qua vài mùa mưa bão, phần thì triều cường biển lở làm cho nhà lá dột, kèo xiêu, cột mục, nên người dân lại phải lợp lại mái nhà hay thay cột, thay kèo dàn mái, mua tấm cót để dừng vách... Cứ cách một, hai tháng là những người chuyên bỏ mối cây, lá buông ở Bình Tuy, Suối Kiết lại chở hàng ra giao cho trại cây của má. Việc buôn bán khá thuận lợi, suôn sẻ. Nên phải có thêm người khuân vác, chuyên chở, rồi người phụ bán vì bấy giờ má cũng đã có tuổi. Trại cây khi ấy cũng có tiếng với tên thường gọi “trại cây lá bà Ba”. Nhưng nghề làm biển mà. Có năm được năm mất, có lúc mùa “biển đói” do trời động, thuyền thúng nằm nhà nên người dân biển phải đi vay mượn, hoặc ứng trước chủ thuyền để có tiền cho sinh hoạt hàng ngày, lo cơm ăn áo mặc, sách vở đi học cho con cái. Cái quan trọng là nhà bị liêu xiêu dột nát theo thời gian thì phải làm lại để có cái mà ở. Trại cây lá của má không ngừng thêm những chuyến hàng để đáp ứng nhu cầu của bà con.

Vậy mà không hiểu sao, buôn bán được khoảng 4 hay 5 năm gì đó, trại cây của má cũng thưa dần hàng bán cũng như khách mua. Sinh thời má tôi thường hay giúp người. Nên làm ăn mãi mà nhà tôi không giàu lên được là vậy. Ba tôi cũng rất không hài lòng về chuyện này, nhưng cũng không thể nào nói cho má giảm lại cái tính ấy. Má tôi thường hay kể hoàn cảnh của người này, người kia ở trong hay ngoài xóm có những khó khăn khác nhau, thấy tội. Có lần má kể: “Con Hai ở xóm ghẹ, chồng bị tai biến do đi lặn sò, nhà 4 miệng ăn mà thu nhập chỉ nhờ vào tiền vá lưới của nó. Thấy hoàn cảnh tội quá nên má bán cho nó mớ cây, lá để làm lại nhà, chớ mùa mưa tới không sửa lại nhà thì chỗ đâu mà ở. Nó cảm ơn lắm, nói khi nào trời thương có tiền nó sẽ trả”. Một hôm dọn dẹp đồ đạc trong nhà, mở tủ của má, tủ này do bà ngoại để lại má rất quý, thấy rơi ra mấy quyển sổ. Tò mò giở ra đọc thấy toàn là con số nợ của những người mua cây, tre, lá. Có cả những người nợ má từ thời bán vải và quần áo lúc còn ở nhà cũ.

Ngày má tôi mất, nhiều người đến thắp nhang lắm. Trong đó có những người mà tôi không biết mặt. Có người phụ nữ trạc tuổi ngoài 50 vừa đốt nhang vừa rưng rưng: “Thương dì Ba lắm, thấy ai nghèo cũng giúp hết, tui còn nợ dì tiền mua cây lá làm nhà mà nay dì mất rồi…”.

Má tôi nhiều lần kể, rằng hồi xưa ông bà ngoại là chủ điền nên tới mùa thu hoạch xong nhiều người làm công tới nhận lúa trả công, khi ấy má tôi thường là người quán xuyến và  trực tiếp đong lúa. Má nói: “Lúc nào má cũng đong dư gần giạ lúa, thấy người ta nghèo, không cầm lòng được. Bị bà ngoại la mắng hoài”.

Quang TuẤn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện của má