Theo dõi trên

Có những thói quen cần thay đổi

28/08/2020, 08:35

BT- Tuần qua, Bộ Y tế đã chính thức yêu cầu dừng thăm hỏi người bệnh nội trú của người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện, để phòng, chống sự lây lan của Covid-19. Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị đủ nhân lực để chăm sóc toàn diện người bệnh, giảm tối đa người nhà chăm sóc người bệnh tại bệnh viện.

Người Việt Nam ta có thói quen đi thăm bệnh tại bệnh viện, như một cách thể hiện tình cảm, sự quan tâm đến nhau lúc ốm đau. 1 người nằm viện mà 3 - 4 người nuôi, thay phiên túc trực ở bệnh viện cả ngày lẫn đêm. Ông, bà nhập viện thì vợ, chồng, con, cháu, chắt, chít kéo tới bệnh viện thăm, nuôi đông đảo. Sếp nằm viện là cả cơ quan - công ty - đơn vị các phòng ban rồng rắn kéo tới bệnh viện thăm hỏi, quà cáp, phong bì. Tâm lý không đi thăm bệnh thì như không biết lễ nghĩa ấy khiến các bệnh viện luôn đông đúc, nhộn nhịp như ở chợ.

Giám đốc một bệnh viện phụ sản TW phàn nàn: Một người đẻ, “cả họ” đi theo, nhất là con quý, con hiếm, 15 - 20 người tay xách nách mang, túi to túi nhỏ kéo vào bệnh viện, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất cao...

Người bệnh nhiều khi muốn yên tĩnh, nghỉ ngơi cũng không được, vì anh em, bạn bè, đồng nghiệp kéo tới thăm liên tục, phải ráng ngồi dậy tiếp. Chưa kể phòng bệnh nội trú chật hẹp, người đến thăm đi lại, đứng ngồi đông đúc, ngột ngạt, ồn ào, làm phiền cả những bệnh nhân khác đang nằm điều trị tại đây.

Rõ ràng trong lúc dịch Covid-19 hoành hành thì lượng lớn người đi thăm, nuôi bệnh là nguồn truyền nhiễm bệnh từ bên ngoài vào bệnh viện và lây bệnh từ bên trong bệnh viện ra ngoài. Đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng rồi lây lan ra nhiều tỉnh - thành khác là một bài học. Hàng trăm ca dương tính với Covid-19 đều có liên quan đến các bệnh viện ở Đà Nẵng, mà ổ dịch lớn nhất là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Trong đó có nhiều người là bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, và nhiều người bị lây nhiễm khi đi thăm, nuôi, tiếp xúc với nhiều người tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Bệnh viện là nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân nặng, người già yếu, bệnh mãn tính, nếu để Covid-19 lọt vào bệnh viện thì rất nguy hiểm. Truy vết dịch tễ cho thấy có nhiều ca bệnh trước khi được xét nghiệm dương tính với nCoV thì đã đi thăm, khám, điều trị ở nhiều cơ sở y tế khác nhau, nhưng đều bị bỏ lọt. 99 ngày yên ả không phát hiện ca nhiễm nào trong cộng đồng, làm cho các cơ sở y tế thiếu cảnh giác, không lấy mẫu xét nghiệm sớm những bệnh nhân có triệu chứng cúm, sốt, ho, khó thở...

Nay thì các bệnh viện đang siết chặt khâu phân luồng, khám sàng lọc bệnh và kiểm soát người ra vào. Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) vừa không cho phép thăm bệnh, giảm người nhà lên các khoa và bắt buộc cố định chỉ một người nuôi bệnh ít nhất trong một tuần, mỗi lần thay người nuôi bệnh phải kiểm tra sức khỏe ngay từ đầu.Sở Y tế Bình Thuận cũng vừa yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh dừng việc thăm hỏi người bệnh nội trú, hướng dẫn người bệnh, người chăm sóc, người cung cấp dịch vụ phải đeo khẩu trang, vệ sinh tay khi vào bệnh viện.

Có nhiều cách để quan tâm, thăm hỏi nhau, không nhất thiết phải ùn ùn kéo tới bệnh viện. Đại dịch Covid-19 đang làm chúng ta thay đổi nhiều thói quen không tốt. Trước tiên là hạn chế thói quen tụ tập bù khú với bạn bè, cafe hay nhậu nhẹt sau giờ làm việc. Thói tò mò, hiếu kỳ chen lấn vào đám đông cũng giảm bớt, vì ai cũng biết trong đám đông bây giờ nhiều nguy cơ nhiễm bệnh. Tay bắt mặt mừng khi giao tiếp, nhất là tật khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng phải thay đổi. Ngay việc uống chung ly bia, ly rượu, hút chung điếu thuốc, gắp thức ăn cho nhau, uống xong thì bắt tay... giờ cũng thay đổi vì không có lợi cho sức khỏe.

ĐẶng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Tai mắt” đặc biệt ở khu dân cư
Vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường, nhất là môi trường biển là nhiệm vụ cấp thiết ở Hàm Tiến - một phường trọng điểm về du lịch của TP. Phan Thiết. Không chỉ ra quân dọn rác, việc dọn rác từ trong ý thức người dân, doanh nghiệp cùng chung tay mới giải quyết được vấn đề “dọn rác từ gốc”…
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có những thói quen cần thay đổi