Theo dõi trên

Khi nào xuất khẩu dừa tươi Bình Thuận?

21/08/2020, 08:50

BT- Những ngày này, nhiều nông dân ở huyện Hàm Thuận Nam “đứng ngồi không yên” vì thanh long xuất khẩu chỉ còn 5.000 đồng/kg, thay vì trên 20.000 đồng/kg như trước.

Giá cả trên rõ là không bù đắp nổi chi phí sản xuất bỏ ra… nên một số người đang tính toán chuyện thay đổi cây trồng!

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Trung Quốc, thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của nông sản Việt Nam đã đóng nhiều cặp cửa khẩu biên giới, cũng như có những yêu cầu  ngặt nghèo mới thông quan nông sản. Con đường xuất khẩu thanh long vì vậy vô cùng gian nan,  cung vượt cầu…  Tuy vậy, trong khó khăn, đây đó vẫn  xuất hiện những điểm sáng về tiêu thụ sản phẩm nói chung, nhờ đó mà một bộ phận nông dân phần nào yên tâm tiếp tục sản xuất.

 Cụ thể, tại  Long An, nhiều nhà vườn ở huyện Châu Thành và Tân Trụ  vẫn bán  thanh long với giá 23.000 đồng/kg (loại 1) và 13.000 đồng/kg (loại 2) cho nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ hoa quả của Tập đoàn Lavifood  theo hợp đồng ký trước đó.  Cũng tại Bến Tre, Nhà máy chế biến dừa Vina T&T Kim Thanh 4  vẫn tiếp tục mua dừa tươi của nông dân, sau đó chế biến để  giữ được 80  ngày, tăng 20 ngày so với trước, xuất đi Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngoài thị trường truyền thống là Mỹ... Theo đó, nhà máy nói trên, mỗi tuần  xuất từ 8 - 9 container. Mỗi container 20.000 trái dừa, sau khi thu mua của nông dân khoảng 30.000 - 40.000 trái dừa để lựa chọn.

Câu chuyện trên cho thấy: Vào những lúc  khó khăn về thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp phải  giỏi xoay trở mới mong tiêu thụ được sản phẩm, duy trì sản xuất,  nuôi được công nhân…

 Trông người ngẫm ta, từ đó nảy lên vấn đề: Các đơn vị làm hàng xuất khẩu của Bình Thuận cần xoay trở như thế nào khi nếu dịch Covid-19 kéo dài, cũng như nắm bắt lợi thế do Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) vừa có hiệu lực mang lại?

 Dừa tươi đi châu Âu

Trong bài báo này, chúng tôi muốn đặt vấn đề: Ngoài thanh long, hàng hải sản lâu nay, Bình Thuận có nên đầu tư vào mặt hàng dừa tươi xuất khẩu?

Theo bài “The European market potential for fresh coconut” (châu Âu, thị trường tiềm năng  của dừa tươi) đăng trên trang web của Trung tâm Xúc tiến và Nhập khẩu  hàng hóa từ các nước đang phát triển của doanh nghiệp Hà Lan,  địa  chỉ: https://www.cbi.eu, cho hay: Châu Âu, thị trường 500 triệu dân, bao gồm Đức, Hà Lan, Anh, Pháp, Ý…) có nhu cầu tiêu thụ dừa tươi, dừa non (vừa đủ nạo, 7 - 8 tháng tuổi), cơm dừa cắt miếng đóng gói, cũng như nhiều sản phẩm chế biến từ cơm dừa khác với một lượng không nhỏ, từ các nước đang phát triển. Nhập khẩu dừa tươi của châu Âu tăng 32% về khối lượng trong 5 năm qua, trong đó riêng năm 2018 là 46.000 tấn.  Bờ Biển Ngà, Thái Lan, Indonesia, Srilanca… là bạn hàng dừa tươi, dừa non của châu Âu trong nhiều năm. Điển hình, Indonesia là nước xuất khẩu dừa tươi ra thế giới lớn nhất, chiếm gần 52% tổng lượng xuất khẩu năm 2018. Thái Lan  ở vị trí thứ hai, tiếp theo là Việt Nam…(1)”. Việt Nam trên thực tế  trở thành một nhà cung cấp mới cho thị trường châu Âu. Năm 2018, xuất khẩu dừa của Việt Nam sang châu Âu đạt 4.300 tấn, tăng  khá so với trước. Mặt hàng xuất khẩu dừa chính của Việt Nam là dừa vừa đủ nạo và đã được chứng minh là có khả năng cạnh tranh thương mại với các nhà xuất khẩu dừa của một số nước. 

Nhìn lại Bình Thuận

Bình Thuận có nhiều vùng đất thích hợp với cây dừa. Thập niên 80 của thế kỷ XX, tại  xã Thiện Nghiệp hiện nay và xã Sơn Mỹ (Hàm Tân), Nhà nước  thành lập 2 nông trường dừa, nhưng rồi do  khâu quản lý sản xuất chưa tốt nên 2 nông trường đều thua lỗ, dừng hoạt động. Tuy vậy, trên đất Thiện Nghiệp hiện nay, dừa vẫn là cây kinh tế của người dân. Ông  Trần Tú Minh, nguyên Bí thư xã Thiện Nghiệp cho hay: “Bây giờ, nếu đôi vợ chồng già có chừng 100 cây dừa xiêm xanh lùn, loại 4 năm cho trái... thì không phải lo lắng gì nữa. Dừa xiêm Thiện Nghiệp bán tại vườn từ 6.000 - 8.000 đồng/trái. 1 quày từ 15 - 20 trái, bán ra được trên 130.000 đồng. Cứ 15 - 20 ngày bán trái một lần. Mỗi lần khoảng 20 cây, tức 20 quày. Đó là nói với người cao tuổi, sức lao động không còn, với gia đình có nhiều lao động, dưới vườn dừa họ xen cây họ đậu, trồng đậu bắp, chưa kể mở quán giải khát”. Tuy nhiên, diện tích dừa Thiện Nghiệp  cũng như dừa Hàm Tiến, dừa Mũi Né…  đang bị thu hẹp do sự mở rộng các cơ sở du lịch trong vùng. Ông Diệp Xuân Trình, cựu Chủ tịch UBND phường Hàm Tiến, cựu Phó Ban Quản lý Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, cho hay: Khi chưa xảy ra nhật thực toàn phần (năm 1995), để sau đó du lịch của Bình Thuận phát triển, Hàm Tiến có khoảng 150 ha dừa phân tán. Hiện nay, diện tích dừa phân tán hao hụt rất nhiều. Nguyên nhân do số phòng ốc lưu trú tăng, cũng như chủ các dự án du lịch chẳng bao giờ chịu  bỏ tiền thuê đất… chỉ để dừa xanh chiếm hết chỗ xây phòng ốc đón du khách…

Cây dừa cũng là cây thích hợp với đất cát pha, độ ẩm khá, chịu được độ mặn, lượng mưa hàng năm từ 700 - 1.500 mm/năm. Có thể trồng ở nhiều vùng đất ven biển của các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong… Nếu như tỉnh có chủ trương và chính sách phát triển cây dừa; kêu gọi doanh  nghiệp đầu tư chế biến dừa tươi và các sản phẩm từ cơm dừa tươi, cũng  như hướng đến thị trường châu Âu… thì triển vọng về mặt hàng xuất khẩu mới của Bình Thuận lại sẽ mở ra.

Hà Thanh Tú 

(1): Global Coconut Market 2019 – Thailand’s Imports Continue to Grow Robustly, While Domestic Production Declines (https://www.globaltrademag.com/).



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khi nào xuất khẩu dừa tươi Bình Thuận?