Theo dõi trên

Tỷ đô nơi đầu sóng ngọn gió

21/08/2020, 08:29 - Lượt đọc: 12

BT- Tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam đang thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Bằng chứng là chỉ trong thời gian ngắn đã có 2 dự án điện gió hàng chục tỷ USD trên vùng biển Bình Thuận.

Đó là dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind, do Tập đoàn EE của vương quốc Anh làm chủ đầu tư, nằm ở ngoài khơi mũi Kê Gà (nơi tốc độ gió đến 9,5 m/s), tổng công suất 3,4 GW, vốn đầu tư gần 12 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, hiện Tập đoàn EE đang lập báo cáo khả thi trình Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương sớm bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Khai thác năng lượng tái tạo trên biển đang là xu thế và nhiều tiềm năng. Ảnh minh họa.

Tiếp đến tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam năm 2020 hôm 22/7 vừa qua, Tập đoàn Copenhagen Infrastrusture Partners (CIP-Đan Mạch) đã ký biên bản ghi nhớ với tỉnh Bình Thuận về phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, với tổng công suất 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỷ USD. Được biết CIP là tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương.

Với bờ biển dài hơn 3.000 km, Việt Nam có đến 160 GW tiềm năng điện gió ngoài khơi có thể khai thác. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã mở ra nhiều cơ hội mới đầy tiềm năng cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng. Dòng vốn FDI chảy vào năng lượng tái tạo là một hiệu ứng tích cực. Triển khai hiệu quả 2 dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên trên vùng biển Bình Thuận, sẽ tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư quốc tế khác vào phát triển nguồn năng lượng sạch ở Việt Nam.

Nếu điện mặt trời và điện gió trên bờ tấp nập, nhộn nhịp với rất nhiều dự án của các nhà đầu tư trong nước, thì điện gió ngoài khơi tuy ít về số lượng, nhưng vượt trội về quy mô dự án. Nguyên nhân do điện gió ngoài khơi hiệu quả vượt trội nhưng vốn đầu tư lớn, độ rủi ro cao, điều kiện thi công trên biển không dễ dàng, nên không phải “sân chơi” cho số đông, mà chỉ có nhà đầu tư có kinh nghiệm chuyên sâu và tiềm lực lớn mới dám khai phá.

   Kinh tế biển của Bình Thuận vào thế kỷ trước chủ yếu là thủy sản, với các nghề khai thác - chế biến - nuôi trồng truyền thống. Sang thế kỷ 21 có thêm du lịch biển - đảo, dầu khí, cảng biển, điện gió ngoài khơi, cùng nhiều loại năng lượng mới sẽ khai thác trong tương lai. Trong khi các nguồn tài nguyên trên đất liền cạn kiệt, tiến ra biển trở thành xu thế tất yếu của loài người thế kỷ 21, Bình Thuận đang đi theo xu thế ấy. Tỉnh ủy vừa có Kế hoạch số 216 triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Theo đó Bình Thuận sẽ chú trọng hợp tác với các đối tác để thúc đẩy phát triển các dự án điện gió ngoài khơi (nơi có tốc độ gió cao và ổn định), gắn với đảm bảo an ninh-quốc phòng và chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Bình Thuận đã có các dự án điện gió trên bờ, trên đảo, nhiệm kỳ 5 năm tới sẽ chứng kiến các tua bin gió được lắp đặt trên biển khơi, đem lại nguồn năng lượng dồi dào cho quốc gia và việc làm - thu nhập cho địa phương. Bình Thuận sẽ giàu từ biển, mạnh từ biển.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ đô nơi đầu sóng ngọn gió