Theo dõi trên

Giếng quê

14/08/2020, 08:50 - Lượt đọc: 2,268

BT- Tôi sống xa quê nên rất nhớ xóm nhỏ quê nhà, nhớ dòng sông bến nước, nhớ hàng tre rợp bóng đường làng. Đối với tôi, quê hương luôn ở trong trái tim, quê hương là chùm khế ngọt, là đêm trăng êm đềm trên bờ cát trắng, là những gì rất đỗi đơn sơ mà gần gũi, ai đi xa cũng phải nhớ nhiều. Tôi đi xa, hàng năm vẫn được về thăm quê mẹ, nhưng cứ lâu lâu trong giấc mơ lại chập chờn hình bóng của quê hương tuổi thơ. Tôi rất nhớ giếng nước đầu làng, nhớ từng con đường thân quen quanh co trong xóm nhỏ. Hình ảnh giếng nước đầu làng với tôi thật là gần gũi, tuổi thơ chăn bò chiều về xách gàu, đem quần áo ra giếng tắm gội; thường những buổi chiều, giếng nước đầu làng tập trung rất đông người tắm giặt, nói cười vui vẻ, tôi chắc rằng giếng nước ở quê không xa lạ với bất cứ ai. Khi lớn lên, có thể người ta rồi phải xa quê, có người gắn bó trọn đời nơi phố thị, có người sống ở trời Tây, trời âu xa ngút ngàn; nhưng hễ nhắc đến lũy tre, giếng nước, cánh đồng thì dường như những gì thân thương,...

Tôi có một tuổi thơ ở ngôi làng nhỏ, một giếng nước đầu làng, khi tôi lớn lên thì giếng nước đã có từ rất lâu rồi, tôi hỏi mẹ thì mẹ cũng nói giếng nước có trước tuổi mẹ. Giếng nước đầu làng đối với tôi thật là đặc biệt, chắc là cũng tựa tựa giống nhau với những giếng nước làng quê khác. Giếng được xây bằng gạch, đường kính khoảng 5m, chiều sâu chừng 20 đến 30m, nằm trên một khu đất trống khoảng chừng 50 m2, xung quanh có hàng rào chắn để tránh trâu, bò vào. Người ta lấy nước bằng những chiếc gàu nối dây, dùng lực đôi tay kéo lên.

Cả xóm, chỉ có một cái giếng nằm ở đầu làng, nhưng thật là thân thiết với bao người. Nhớ về giếng nước là biết bao yêu thương theo kỷ niệm gọi về. Tôi nhớ những đêm trăng, những sớm tinh mơ, bà và mẹ lặng lẽ ra đầu làng gánh những đôi nước kẽo cà, kẽo kẹt về; rồi lớn lên tôi đã thay mẹ gánh nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tôi nhớ những chiều xong việc đồng áng, bà con cả xóm lại ra giếng nước mà tắm giặt vui đùa, tiếng nói tiếng cười như xua tan hết những vất vả sau một ngày làm việc cực nhọc. Và nhớ nhất là những ngày còn nhỏ, đi đâu hay làm gì hễ khát nước là ra ngay giếng, giật lên một gàu nước trong veo, uống vào mà nghe lòng mát lạ. Xối một gáo nước ở giếng thì nghe mát lạnh đến tận đáy lòng, uống một ngụm mà lòng ngọt đến bây giờ. Người dân quê thì vụng về, chân chất, nhưng yêu thương sau trước nghĩa tình. Người xưa tự xem giếng nước đầu làng là nhỏ bé như thân thể của người con gái, nhưng có thể giúp được rất nhiều người. Giếng nước nhỏ khiêm nhường đơn sơ đứng bên vệ đường mà rộng lòng với tất cả những ai đến.

Hôm nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, khoảng cách giữa giàu và nghèo; giữa nông thôn và thành thị càng thu hẹp lại. Từ thành phố về quê không còn khó khăn, phương tiện đi lại dễ dàng. Nhiều giếng nước đầu làng dần dần không còn nữa, nhiều công trình mới mọc lên trên, giếng nước đã lùi sâu vào quá khứ của người xa quê. Người dân quê không còn thói quen ra giếng làng tắm giặt, lấy nước mỗi sáng, mỗi chiều; cuộc sống đã quen dần với nước máy, nước trong bể chứa của mỗi nhà. Đối với tôi, dù là ở thành phố đầy đủ tiện nghi, ít khi thiếu nước, nhưng giếng làng vẫn luôn là một hình ảnh đẹp của quê hương, vẫn còn mãi trong tâm khảm của mình. Tôi luôn mơ về cảnh tượng nô đùa vui vẻ của tuổi trẻ ở làng, chiều chiều tắm những giọt nước mát lấy từ giếng quê. Tôi còn nhớ những câu thơ của ai đó rất hay khi viết về giếng quê: “Giữa làng có cái giếng xưa/ Em đi gánh nước giữa trưa nắng hè/ Đầy trời vang rộn tiếng ve/ Dáng em tha thướt anh mê mẩn lòng”. 

Đỗ Văn CưỜng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giếng quê