Theo dõi trên

Kiến nghị giải pháp giải ngân vốn đầu tư công

06/08/2020, 09:09 - Lượt đọc: 18

BT- Theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư, việc giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 7 đạt 42%. Tỷ lệ này cao hơn bình quân chung của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, khi chỉ mới giải ngân 35% nguồn vốn này. Lý do nhiều địa phương đưa ra do đại dịch Covid-19 đầu năm đến nay ảnh hưởng nhiều lĩnh vực…

                
   Giải phóng mặt bằng lòng hồ Sông Lũy để    tích nước.

Chậm giải ngân vốn công trình đầu tư công

Với Bình Thuận, yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai đặt ra trước đây là đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch, đến cuối tháng 9 đạt 60% kế hoạch, đạt 100% kế hoạch vốn khi kết thúc năm 2020. Nhưng hiện nay, chỉ có 6 đơn vị giải ngân đạt trên 50% là Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND huyện Hàm Thuận Bắc, Đức Linh, Tánh Linh và thị xã La Gi. Trong khi đó, có 9 chủ đầu tư và UBND huyện có tiến độ giải ngân thấp đạt từ 30% trở xuống là Ban Quản lý đầu tư Dự án Công trình công nghiệp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý dự án công trình phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Phú Quý, UBND huyện Tuy Phong. Nguyên nhân chưa đạt kế hoạch như trên, theo UBND tỉnh do lãnh đạo các sở, ngành chưa quan tâm đúng mức đến công tác triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với các đơn vị, địa phương có liên quan chưa chặt chẽ, nhất là trong việc lập thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa phân khai kịp thời nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, công trình sử dụng vốn ODA…

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành chức năng, địa phương, chủ đầu tư dự án xây dựng kế hoạch chi tiết, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đặc biệt là công trình trọng điểm, quan trọng, bức xúc của tỉnh. Kiến nghị với Trung ương tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý… để việc giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch trong năm nay.

 Tháo gỡ vướng mắc

Đánh giá về vấn đề này, mới đây, tại cuộc họp giao ban với các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai yêu cầu, phải đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, người được phân công theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án để đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, cấp ủy các cấp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này. Không thể để nghịch lý, không có tiền phải đi xin, nhưng khi có tiền lại không tiêu được, không làm được

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH & ĐT) cho biết: “Với các công trình lớn, trọng điểm của tỉnh như sân bay Phan Thiết, sở tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư dành nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Quốc phòng (từ nguồn thu đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ) để đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết ngay trong năm nay”. Cùng với đó, đối với các dự án khác, Bộ KH & ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể hơn để địa phương thực hiện; như việc tỉnh có được sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch. Trường hợp được sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch, thì điều kiện và quy trình bố trí vốn như thế nào? Có phải phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án theo quy định của Luật Đầu tư công? Vấn đề trên, UBND tỉnh đã có các Văn bản số 4635/UBND ngày 4/12/2019 và số 423/UBND-ĐTQH ngày 7/2/2020 gửi Bộ KH& ĐT. Bộ KH&ĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, do trong quá trình triển khai phát sinh vướng mắc giữa các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng và quy định trên…

Việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 40/2020 ngày 6/4/2020 của Chính phủ và dự án đầu tư PPP cần phải rõ ràng. Như tại khoản 1, Điều 4, Nghị định số 40 quy định: “Chi phí lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Luật Đầu tư công”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào của Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về tỷ lệ và cách tính cho chi phí lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C sử dụng nguồn vốn đầu tư công cũng như việc hướng dẫn sử dụng chi phí này thế nào?

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc tháo gỡ vướng mắc trên sẽ tạo thuận lợi thực hiện các dự án lớn nhóm B trở lên, ngân sách Trung ương tài trợ trong giai đoạn 2021 - 2025. Trước đó một số dự án đã và đang triển khai thi công thuộc nhóm này như hồ chứa nước Sông Lũy (Bắc Bình), dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn Bình Thuận từ hình thức đầu tư PPP (đối tác công tư) chuyển sang đầu tư công… Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT sớm thông báo vốn đầu tư công ngân sách Trung ương cho địa phương giai đoạn 2021- 2025, để tỉnh có cơ sở triển khai, như dự án hồ chứa nước La Ngà 3, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn trung hạn trong 5 năm tới.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu

Để thực hiện đạt mục tiêu đến cuối tháng 9/2020, phải giải ngân đạt trên 60% kế hoạch giao và đến cuối năm phải giải ngân đạt 100% kế hoạch giao, bao gồm cả 2 nguồn vốn của những năm trước chuyển sang và nguồn vốn của năm 2020. UBND tỉnh đã chỉ đạo, từng chủ đầu tư, huyện, thị xã, thành phố phải phân công trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo trực tiếp theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân từ dự án, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.

    
    UBND tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành phải xem việc chỉ đạo,   kiểm tra đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng   tâm. Định kỳ giao ban 1 tháng 2 lần để đánh giá và tháo gỡ khó khăn. Các   chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn chỉnh kế hoạch giải ngân cụ thể đến   31/12/2020 và phải thường xuyên báo cáo tình hình về Sở Kế hoạch và đầu   tư. Đối với những dự án không có khả năng giải ngân vốn năm 2020, sở sẽ   xem xét tham mưu UBND tỉnh điều chuyển nguồn vốn.   

Thái Khoa - Đình NhưỢng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiến nghị giải pháp giải ngân vốn đầu tư công