Theo dõi trên

Triển vọng hợp tác cùng doanh nghiệp Singapore

05/08/2020, 09:06 - Lượt đọc: 6

BT- Hội nghị trực tuyến kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bình Thuận, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Singapore vừa diễn ra vào cuối tháng 7/2020 cho thấy triển vọng hợp tác trong thời gian tới…

Cơ hội hợp tác

Hội nghị do Thương vụ Việt Nam tại Singapore cùng Sở Công Thương của 3 địa phương và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore, Phòng Thương mại Công nghiệp Singapore phối hợp tổ chức. Dù xúc tiến thí điểm lần đầu, nhưng ở điểm cầu Singapore đã có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tham gia ngay sau 1 tuần khi sự kiện được quảng bá trên Cổng thông tin của Thương vụ. Trong đó hơn 50 doanh nghiệp Singapore yêu cầu được tham gia hoạt động “kết nối 1-1” cùng các doanh nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ về phiên dịch. Tuy nhiên vì điều kiện kỹ thuật, Thương vụ cho biết phải hạn chế số lượng doanh nghiệp Singapore tham gia hội nghị trực tuyến này. Dù vậy, điều đó đã khẳng định sự quan tâm của doanh nghiệp Singapore đến thị trường Việt Nam, nhất là nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại 3 tỉnh: Bình Thuận, Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Trao đổi tại hội nghị, ông Kuah Boon Wee - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp tại Singapore cũng đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp đôi bên. Bởi Singapore và Việt Nam có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, các doanh nghiệp của đảo quốc này đã liên tục đầu tư vào đất nước hình chữ S trong những năm qua. Chính điều đó giúp Singapore nhanh chóng trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong khối ASEAN và lớn thứ 3 trên toàn thế giới.

Còn bà Trần Thu Quỳnh - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng trong bối cảnh cách trở địa lý do dịch bệnh, hội nghị trực tuyến sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp 2 nước. Hay nói cách khác, đây là phương cách đối phó với các đứt gãy cung - cầu và giải pháp kinh doanh mới để vượt qua thách thức mà doanh nghiệp đôi bên phải đối mặt… Hoạt động này cũng là sự hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong kết nối tháo gỡ khó khăn về đầu vào nguyên liệu và đầu ra thành phẩm, hoặc hỗ trợ kết nối nhu cầu về vốn, công nghệ, nhãn hiệu… 

                
      
Bình Thuận có nhiều tiềm năng, lợi thế    trong hợp tác kết nối giao thương với doanh nghiệp Singapore.

Bình Thuận mời gọi

Từ tiềm năng và lợi thế của Bình Thuận, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương đã giới thiệu nhiều lĩnh vực trọng điểm của địa phương đến doanh nghiệp Singapore. Trong đó có thế mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại như tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước, bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời địa phương còn có khả năng xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao…

Những sản phẩm chủ lực mà Bình Thuận giới thiệu, mời gọi hợp tác về mặt hàng thủy sản với thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Italia, Mỹ… Riêng nông sản nổi bật là trái thanh long - sản phẩm đặc trưng của địa phương được rất nhiều thị trường tại châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương ưa chuộng. Đối với may mặc, hiện sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu của khách hàng, cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường và tập trung xuất sang Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Trong khi sản phẩm giày dép có nhiều thị trường tiêu thụ, gồm: Canada, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Italia, Hà Lan, Mỹ, Singapore. Hoặc như gỗ và các sản phẩm bằng gỗ của Bình Thuận đã tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Bỉ…

Từ sự kiện này, doanh nghiệp địa phương cũng mong muốn trao đổi thông tin, tìm hiểu thị trường Singapore và tiềm năng đầu tư của các doanh nghiệp tại đảo quốc. Thông qua đó tìm kiếm đối tác để hợp tác liên doanh cùng kinh doanh, vận hành, quản lý, đầu tư cho dự án của doanh nghiệp tại Bình Thuận, hay như tìm kiếm nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm ở Singapore. Cụ thể hơn là Bình Thuận mời gọi đầu tư nhà máy chiếu xạ và gia nhiệt (khử trùng rau quả, nhất là trái thanh long) phục vụ xuất khẩu, nhà máy chế biến trái thanh long (nước giải khát, sản phẩm sấy khô) tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra có thể xúc tiến đầu tư dự án sản xuất, gia công máy móc thiết bị phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản, cơ khí nông nghiệp hoặc nhà máy chế biến mủ cao su, chế biến gỗ, gia công may mặc, giày da, lắp ráp linh kiện điện tử, điện.

Qua hội nghị kết nối giao thương, các doanh nghiệp Bình Thuận và Singapore đã có cái nhìn “cận cảnh” giữa đôi bên và đó cũng là triển vọng tiến tới hợp tác, được cụ thể hóa bằng việc ký kết nhiều hợp đồng trong thời gian tới.

    
      Bình Thuận cũng có lợi thế cạnh tranh khi đã đầu tư Cảng Quốc tế Vĩnh   Tân nằm ở vị trí thuận lợi phía Bắc Bình Thuận, có thể tiếp nhận tàu có   trọng tải đến 50.000 DWT và trong tương lai là 70.000 DWT. Ngoài ra còn   có Cảng chuyên dùng Sơn Mỹ được quy hoạch phát triển ở khu vực phía Nam   Bình Thuận, có thể tiếp nhận tàu lên đến 100.000 DWT... Do vậy địa   phương kêu gọi các doanh nghiệp Singapore hợp tác phát triển các dự án   dịch vụ Cảng Quốc tế Vĩnh Tân trên địa bàn huyện Tuy Phong.

 QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển vọng hợp tác cùng doanh nghiệp Singapore