Theo dõi trên

Hút thuốc lá: Bào mòn sự sáng tạo của giới trẻ

03/08/2020, 09:36

BT- Hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của giới trẻ. Và tình trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang là vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội.

                
      Thuốc lá phá hoại cơ thể. (Ảnh minh họa).

Theo điều tra và nghiên cứu, Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có số lượng người hút và nghiện hút thuốc lá cao trên thế giới. Trong đó, tỷ lệ hút thuốc lá chiếm 47,4%, tương ứng 15,3 triệu người. Trung bình cứ 2 nam sẽ có 1 người hút thuốc lá. Số người hút thuốc càng nhiều thì càng tác động đến người không hút thuốc. Nghĩa là, khoảng 38 triệu người không hút thuốc lá nhưng phải hít làn khói thuốc từ người hút nhả khói. Đáng chú ý, nhóm tuổi thanh niên 16 - 24 tuổi có xu hướng hút thuốc cao, chiếm tỷ lệ 21,6%, chủ yếu học sinh, sinh viên. Riêng Bình Thuận chưa có số thống kê cụ thể về lứa tuổi thanh thiếu niên hút thuốc lá. Tuy nhiên,  đâu đó khói thuốc lá vẫn len lỏi trong lứa tuổi này. Những người trực tiếp hút thuốc hoặc không hút trực tiếp (chỉ hít lại khói thuốc do người hút nhã khói) đều dễ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp… nguy cơ dẫn đến tử vong. Với lứa tuổi thanh thiếu niên, cơ thể đang phát triển. Nếu hút thuốc lá, chất độc từ khói thuốc không chỉ ảnh hưởng sức khỏe cơ thể mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của thanh thiếu niên. Chẳng hạn, làm thay đổi tính tình, trở nên cáu gắt... Từ đó, thuốc lá bào mòn sự thông minh, sự sáng tạo của học sinh và dẫn đến ít chú ý học tập. Chất lượng học tập giảm sút.

Nguyên nhân khiến lứa tuổi thanh thiếu niên hút thuốc lá, đó là giá tiền mỗi gói thuốc khá mềm, giá thấp nhất khoảng 10.000 đồng/ gói (20 điếu). Thuốc lá bán khắp nơi tại tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, quán nước giải khát, quán ăn, điểm vui chơi… Vì vậy, học sinh có thể mua bất cứ nơi nào 1 cách dễ dàng. Hơn thế nữa, lứa tuổi này khá tò mò, muốn thử một lần cho biết. Thực tế, sau khi hút 1 - 2 điếu, thanh thiếu niên có cảm giác giảm căng thẳng và trở thành nghiện hút thuốc lá mà không thể bỏ được.

Để hạn chế tình trạng thanh thiếu niên (học sinh) hút thuốc lá, nhà trường cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt tuyên truyền về tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, gia đình phải quan tâm tới con của mình nhiều hơn trong giờ giấc sinh hoạt hàng ngày, trong mối quan hệ với bạn; cũng như hướng dẫn cách từ chối hút thuốc lá khi được mời. Ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi thanh thiếu niên là việc làm cấp bách của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hút thuốc lá: Bào mòn sự sáng tạo của giới trẻ